Căn nhà 9m2 và 8 người sinh sống
Ngày xưa, ngôi nhà 9m2 ấy là nơi cư trú của 2 ông bà và 6 người con. Hàng xóm xung quanh thương cảnh nhà ông đông người nên nhường một góc nhà kho khoảng 4m2 cho gia đình ông bà xây cất để lấy chỗ ngủ cho các con. Hiện tại, không gian đó là nơi sinh sống của gia đình con trai cả.
Đất chật người đông, tối đến cả nhà nằm ngủ la liệt dưới sàn nhà. Để nhường chỗ cho các con, tối đến ông trải chiếu ngủ gần góc cửa. Còn vợ và các con ngủ ở sát tường. Nửa đêm ai muốn đi vệ sinh phải lưu ý lắm, nếu không sẽ giẫm phải ông.
Căn nhà 9m2 này từng là nơi sinh sống của 8 người trong gia đình ông Lợi.
Đến giờ ăn, gia đình ông cũng phải chia làm hai ca hoặc bê bát ra ngoài ngõ để ăn. Khi lập gia đình các con ông đều phải ra ngoài thuê trọ chứ ở đây cũng chẳng có chỗ mà sống. Vậy nên căn nhà tí hon ấy chỉ còn 2 ông bà và gia đình anh con trai cả sống ở nhà kho kế bên.
Ông bảo, ngày xưa trong cái khu tập thể này đông lắm, nhà nào cũng bé như nhau cả. Nhưng gia đình ông lại đông con đông cháu nên căn nhà nhỏ càng thêm phần chật chội. Nhiều gia đình không chịu được cuộc sống cơ cực phải ra ngoài thuê trọ hoặc mua được nhà chỗ khác.
Nhà nhỏ nên lối đi chung được tận dụng làm bếp và nơi chứa đồ.
Chỉ vào căn nhà vệ sinh tối om, ẩm thấp ở cuối ngõ, ông bảo, ở nhà tập thể này khổ nhất là những lúc đi vệ sinh hay tắm giặt. Ngày xưa, ở khu này đông người mà nhà vệ sinh chỉ có 2 cái. Vậy nên cứ sáng sớm và chiều tối lại có hàng dài người đứng chờ để dùng nhà vệ sinh.
Cách đây không lâu, trong ngõ một hộ có người chết, lối đi quá nhỏ nên không thể khiêng quan tài ra nhà tang lễ Phùng Hưng. Cuối cùng cả nhà đó phải phá cầu thang. Ở cái tuổi gần đất xa trời nên ông cũng lo. Ông bảo: “chắc đến khi mình chết cũng chẳng dám chết ở nhà”.
Vợ cũ vợ mới chia nhau 4m2 sinh sống
Sống trong cái nhà kho kế bên, gia đình của anh Trần Văn Hải (con trai cả của ông Lợi) cũng chẳng khấm khá hơn là mấy. Căn nhà cũng chỉ vỏn vọn có 4m2 nhưng có tới 5 người sinh sống.
Căn nhà chỉ vỏn vẹn có 4m2 nhưng có tới 5 người sinh sống.
Căn nhà cũng chỉ để vừa 1 chiếc tủ quần áo nhỏ, 1 chiếc tủ lạnh mini treo trên tường và 1 chiếc tivi. Để có thêm chỗ ngủ, anh cơi nới thêm gác xép ở phía bên trên. Căn nhà vốn đã thấp lại có thêm căn gác xép phía trên nên càng thêm phần bí bách.
Trong nhà cũng chẳng có thứ gì đáng giá.
Anh Hải nhớ lại khoảng thời gian khi mới lập gia đình, ngày cưới cũng phải đơn giản mọi thứ phần vì nghèo, phần vì nhà cửa chật chội. Sống trong ngôi nhà chật hẹp ấy nên vợ chồng cũng chẳng có không gian riêng, đôi khi chỉ cần kéo chiếc rèm vải để ngăn cách với mọi người hoặc "tranh thủ" những lúc nhà không có ai.
Khi vợ ở cữ, người thân, hàng xóm đến thăm không có chỗ mà ngồi. Gác xép gia đình cơi nới thì không thể bế con nhỏ lên được vì cầu thang tự chế dóc đứng, một mình lên còn gặp khó khăn. Anh bảo, gia đình anh ai cũng leo thang giỏi vì phải leo từ bé.
Cuộc sống vốn khó khăn nên cuộc sống vợ chồng cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, chẳng thể dung hòa. Vậy là vợ chồng anh đã đường ai nấy đi sau bao năm gian khó.
Nhà nhỏ nên mỗi khi mua già anh đều phải tính toán đau đầu. Anh muốn
có 1 cái bàn thờ gia tiên nhưng cũng chẳng biết đặt vào đâu và cả nỗi lo cháy nhà.
Một thời gian sau, anh Hải cũng lập gia đình mới. Nhưng chẳng lâu sau, anh không may bị tai biến, sức khỏe giảm sút. Mọi việc lớn nhỏ trong ngôi nhà đều do một tay người vợ hai chăm lo.
Nhưng tính tình cũng chẳng được nhanh nhẹn, người vợ hai chẳng đủ sức cáng đáng nổi gia đình. Thương chồng, thương con, người vợ đầu lại quay trở lại phụ chồng, phụ con.
Thế là căn nhà 4m2 ấy là nơi sinh sống của 5 người. Anh và người vợ hai ở gian dưới, còn vợ cả và 2 con ở gác xép bên trên. Nhưng anh may mắn khi hai người vợ hòa thuận, thương yêu, cùng nhau làm ăn xây dựng gia đình.
Anh bảo: “Giờ tôi cũng chỉ ngồi một chỗ thế này, chẳng làm ăn được gì. Cuộc sống gia đình cũng nhờ cậy vào hai cô ấy. Lấy tôi, họ khổ quá”.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng anh vẫn bảo mình may mắn vì không có con trai chứ không cũng lo chuyện nó không lấy được vợ. “Thuyền theo lái, gái theo chồng, hy vọng 2 đứa con gái lớn lên sẽ có chỗ rộng rãi để ở, không phải khổ như bố mẹ nó” anh Hải tâm sự.
Cuộc sống chật trội, bất tiện là vậy nhưng nhiều gia đình vẫn cố bám trụ phần vì nghèo, phần vì “ở lâu cũng thành quen”. Họ bảo: “Ở khu phố này dẫu chật hẹp nhưng cũng dễ làm ăn hơn, cuộc sống cũng đông vui, nhộn nhịp hơn. Giờ có chuyển ra ngoài thì họ cũng chẳng biết phải làm gì.
Theo Khám Phá