Tôi thực sự hiểu cái khó của những gia đình phải chi tiêu với mức 10 triệu đồng một tháng ở Hà Nội đắt đỏ, bởi vợ chồng tôi có tổng thu nhập 13 - 14 triệu đồng/tháng nhưng nhiều lúc tài khoản trống không.
Là tay hòm chìa khóa, tôi luôn sẵn sàng “bật chế độ ăn uống đặc biệt” khi sắp hết sạch tiền: Mua 1kg lạc, 50 - 100 quả trứng tùy túi tiền, chuẩn bị cho những ngày trường kỳ điệp khúc trứng chiên – lạc rang – đậu rán, đậu sốt… cho đến lần “ting ting” (tiền về tài khoản) kế tiếp.
Gia đình tôi 4 người, con cái một đứa học lớp 6, một đứa lớp 4. Mỗi tháng, chúng tôi phải trả tầm 3 triệu đồng tiền thuê nhà và điện, nước, internet.
Các con đều học bán trú, tính cả tiền học thêm, ngoại khóa và các khoản đóng góp, mua sắm khác liên quan đến việc học thì mỗi tháng tốn khoảng 5 triệu đồng. Tiền xăng xe, điện thoại của hai vợ chồng mỗi tháng 1,5 – 1,8 triệu đồng.
Trong hơn 4 triệu đồng còn lại, tôi phải chi cho bữa ăn gia đình (bữa sáng và bữa tối của cả gia đình, bữa trưa mang đi cho hai vợ chồng cũng như thức ăn ngày cuối tuần), tiền hiếu hỷ ngoại giao, tiền sữa cho con, thuốc men chữa bệnh, chi phí sửa chữa những hỏng hóc của xe cộ hay đồ đạc… cùng những khoản phát sinh khác.
Nhiều gia đình ở Hà Nội đau đầu với bài toán chi tiêu khi giá các loại hàng hoá, thực phẩm ngày càng leo thang. (Ảnh: Viên Minh)
Có tháng con cái khỏe mạnh, đồng nghiệp hay bạn bè không có ai ốm đau hay cưới hỏi, tôi để dành được 1-2 triệu đồng.
Nhưng có những tháng con ốm đau, việc hiếu hỷ nhiều, hay cái xe máy “dở chứng” cần đại tu, tôi chẳng những tiêu sạch số tiền tiết kiệm được mà còn phải vay thêm.
Bữa cơm gia đình là nơi thể hiện rõ nhất tình hình tài chính “trong thời gian thực”. Hễ sắp hết sạch tiền là tôi cứ nấu đi nấu lại những món rẻ nhất, cố gắng để có đủ protein cho sự phát triển của bọn trẻ.
Các món đậu phụ chế biến xoay vòng nhiều kiểu, trứng vịt hay trứng gà công nghiệp hết chiên lại sốt, cá khô, nhộng tằm, lạc rang… cứ thế quay đi quay lại trên mâm. Có những đợt cả tuần liền, mâm cơm gia đình chỉ có trứng và đậu, lạc.
Thật ra, gia đình vẫn luôn có một khoản tiết kiệm mà tôi không cho phép mình đụng đến trừ khi có tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng.
Đó là tất cả các khoản thưởng mà hai vợ chồng có được trong những ngày lễ tết, tiền mừng tuổi của các con. Trong 11 năm kể từ khi lấy nhau, đã hai lần “quỹ khẩn cấp” này trở về điểm xuất phát, một lần là khi đứa nhỏ bị viêm phổi, lần khác khi mẹ chồng ngã gãy chân.
Lướt mạng xã hội, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những bài viết về tài chi tiêu của một số bà nội trợ, rằng họ có lương 5-7 triệu đồng nhưng vẫn đảm bảo cho gia đình ăn uống ngon lành đủ chất và để dành ra được một khoản để tích cóp mua nhà.
Tôi thán phục vô cùng, cũng muốn cố gắng học hỏi nhưng khi áp dụng vào gia đình mình thì kiểu gì cũng không khả thi, hễ tiết kiệm được khoản này thì lại phát sinh những khoản khác cần tiêu.
Người lớn có thể sống tằn tiện ở mức chỉ cần ăn đủ no, nhưng trẻ con thì phải ăn đủ chất và phải được đi học, mà tiền học ở thành phố đâu chỉ có học phí.
Học sinh ngày nay có khá nhiều buổi ngoại khóa, dã ngoại mà nếu bố mẹ không đóng tiền, con sẽ không thể tham gia, sẽ mặc cảm vì bị lạc lõng, ra rìa. Vậy mà đã vài lần, tôi phải xin lỗi con vì không xoay được tiền đóng.
Tuy nhiên đó chỉ là trường hợp cực chẳng đã, còn thì vợ chồng tôi tâm niệm luôn cố hết sức để các con được học hành đầy đủ, vì chỉ có học tốt, sau này các cháu mới có tương lai sáng sủa, có thu nhập và mức sống tốt hơn.
Theo VTC