Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các địa phương chủ động phòng chống sốt xuất huyết (SXH). Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 13.000 ca mắc SXH (tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2022 cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc SXH, 133 ca tử vong. Chuyên gia dịch tễ cho rằng điều kiện thời tiết thuận lợi cho lăng quăng/bọ gậy, muỗi truyền bệnh phát triển; tốc độ đô thị hóa nhanh; gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân, ngoài ra ý thức của người dân trong phòng chống dịch chưa cao là những yếu tố khiến dịch bùng phát, lây lan.

Sở Y tế TP HCM cho biết tính từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 5.488 ca mắc SXH, tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 28% so với cùng kỳ trung bình giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, có khoảng 287 ổ dịch SXH xuất hiện rải rác tại các phường, xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, các địa phương có số ca mắc cao là huyện Bình Chánh (588 ca), TP Thủ Đức (568 ca), quận Bình Tân (507 ca), quận 12 (356 ca), quận Bình Thạnh (341 ca). Từ đầu năm đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca mắc SXH tử vong.

Sốt xuất huyết tăng 2 - 3 lần, cảnh giác với dịch-1
Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại một bệnh viện ở TP HCM Ảnh: HẢI YẾN

Các chuyên gia khuyến cáo tại khu vực phía Nam, SXH không còn xảy ra theo mùa mà lưu hành quanh năm. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa mỗi ngày bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế muỗi sinh sôi, phát triển.

Phòng tránh mỗi ngày được xem là giải pháp căn cơ để gia tăng số ca bệnh. Bên cạnh đó, nếu mắc bệnh, người dân cần theo dõi và điều trị kịp thời nhằm tránh xảy ra biến chứng.

Ngành y tế TP HCM đã cập nhật và bổ sung nội dung phản ánh nơi có nhiều lăng quăng, muỗi trong ứng dụng "Y tế trực tuyến". Người dân có thể phản ánh đến Sở Y tế những địa điểm trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh SXH qua chụp ảnh, quay clip hoặc nhắn tin với địa chỉ cụ thể.

Khi nhận được những phản ánh này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) sẽ xác nhận và chuyển thông tin đến chính quyền địa phương để xử lý, trong đó có việc xử phạt hành chính theo quy định.

Sau khi có báo cáo kết quả xử lý tại địa phương, chuyển thông tin phản hồi ngay trên ứng dụng "Y tế trực tuyến" đã xử lý hoàn tất để tất cả người dân có thể biết kết quả và HCDC sẽ lên lịch đi kiểm tra, giám sát lại. Ứng dụng này đã giúp ngành y tế TP HCM có thêm kênh thông tin sâu sát trong cộng đồng hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.

Các địa phương tổ chức những đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống SXH tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong phòng chống dịch.

Đề phòng bệnh do virus Marburg

Liên quan bệnh SXH do virus Marburg gây ra, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết đây không phải bệnh mới mà đã được phát hiện năm 1967 tại Đức, sau khi các nhà nghiên cứu đưa một số cá thể khỉ ở châu Phi về nước này.

Sau từ 1 đến 5 ngày ủ bệnh, bệnh xuất hiện các triệu chứng như khó thở, phát ban, dễ nhầm lẫn với viêm não. Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 13, xuất hiện tình trạng suy cơ quan, xuất huyết gây biến chứng như suy gan, suy thận… và tử vong.

Nhận định về khả năng lây lan bệnh tại Việt Nam, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng khó có thể xảy ra. Bởi bệnh khó lây nhiễm hơn COVID-19. Cơ chế lây đầu tiên là do động vật tại vùng dịch tễ lây sang người, sau đó từ người sang người khi tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể như nước bọt, mồ hôi, dịch nôn ói, máu… hoặc có quan hệ tình dục với người mắc bệnh.

Đặc biệt, khi người bệnh có triệu chứng nếu nhập cảnh sẽ được theo dõi, cách ly theo quy định. Do đó, khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người cũng rất thấp.

Tuy nhiên, cần lưu ý nhiều loại virus (trong đó có Marburg) có khả năng tồn tại trong tinh hoàn của người sau khi hết bệnh. Vì vậy, virus có thể có trong dịch tiết khoảng 2 tháng sau khi mắc bệnh.

Theo ngành y tế TP HCM, bệnh SXH do virus Marburg gây SXH có tỉ lệ tử vong 88%, chưa xuất hiện tại Việt Nam. Marburg là virus cùng họ với virus Ebola, hiện bệnh SXH do virus Marburg vẫn chưa có vắc-xin hoặc các phương pháp điều trị đặc hiệu.

Để phòng ngừa bệnh, các chuyên gia y tế lưu ý cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với các nguồn lây nghi ngờ. Đồng thời, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này. 

Hà Nội: Số ca bệnh thủy đậu tăng cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 đến 17-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 548 ca thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca). Số ca mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận, huyện của TP Hà Nội.

Theo CDC TP Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm nhưng thời điểm số người mắc bệnh tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan. Do đó, số ca mắc thủy đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Theo Người Lao Động