Cư dân Polillo đã quen với thời tiết khắc nghiệt trên hòn đảo nằm ở phía đông bắc Philippines, rìa Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bản thân họ vẫn choáng ngợp trước cường độ của Noru, với tên địa phương là Karding.

Noru “nâng cấp” thành siêu bão chỉ trong vòng 6 giờ trước khi đổ bộ vào khu vực hồi đầu tuần qua.

“Chúng tôi quá quen với các cơn bão" bởi vị trí địa lý của hòn đảo, Armiel Azas Azul - 36 tuổi, người sở hữu Sugod Beach and Food Park, một quán rượu dưới tán cọ, nơi du khách uống nước dừa trong những túp lều nhỏ - chia sẻ.

“Nhưng mọi thứ trở nên rất khó đoán. Và (Noru) tới rất nhanh”, anh nói.

Philippines chứng kiến ​​trung bình 20 cơn bão nhiệt đới mỗi năm. Mặc dù Noru không gây ra nhiều thiệt hại về người và của như các cơn bão đổ bộ vào nước này trong những năm gần đây, siêu bão này gây chú ý vì nó mạnh lên rất nhanh.

Các chuyên gia nhận định khi cuộc khủng hoảng khí hậu thúc đẩy những hiện tượng thời khắc nghiệt, các cơn bão mạnh lên nhanh chóng sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều. Thế nhưng, giới khoa học cũng khó dự đoán cơn bão nào sẽ mạnh lên và hướng đi của chúng.

“Thách thức hiện tại chính là dự báo chính xác cường độ và tốc độ thay đổi của thiên tai, chẳng hạn như từ một khu vực áp suất thấp mạnh lên thành xoáy thuận nhiệt đới”CNN dẫn lời Lourdes Tibig - nhà khí tượng học và khí hậu học thuộc Viện Khí hậu và Thành phố bền vững - cho biết.

Mỹ cũng chứng kiến tình huống tương tự vào tuần trước khi bão Ian mạnh lên từ cấp 1 thành cấp 4, trước khi đổ bộ dọc theo bờ biển phía tây nam của Florida hồi giữa tuần.

Sự thay đổi cường độ nhanh chóng như vậy khiến người dân và chính quyền rơi vào thế khó, khi họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

"Chúng tôi phải nhặt từng mảnh"

Khi Azul nhận được cảnh báo bão Noru đang tiến đến gần Philippines vào hôm 24/9, anh chỉ phòng chống ở mức cơ bản như lắp đặt máy phát điện và buộc đồ đạc lỏng lẻo.

Vào thời điểm đó, Noru ở cấp 1 được dự đoán đổ bộ vào hôm 25/9. Tuy nhiên, khi ngày càng tiến gần, cơn bão mạnh lên thành siêu bão, tương đương cấp 5.

Azul cho biết cộng đồng anh may mắn vẫn nhận được tín hiệu truyền hình trong khu nghỉ mát. Ngay sau khi phát hiện cơn bão mạnh hơn nhiều so với dự báo, nhân viên của anh đã thu dọn tất cả đồ đạc ngoài trời của quán rượu, sau đó cột mái nhà, giữa lúc cơ quan chức năng sơ tán người sống gần bờ.

“Tuy nhiên, nhiều khu vực khác của hòn đảo không có kết nối Internet và chỉ dựa vào tín hiệu vô tuyến. Họ có thể đã không nhận được thông báo kịp thời”, anh nói.

Noru đã tàn phá thị trấn nghỉ mát, khi gió mạnh quật đổ các túp lều trên bãi biển và làm hư hại các lồng đánh cá gần đó.

Azul cho biết thêm những cây dừa trồng trên đảo cách đây khoảng một thập niên sau khi cơn bão Ketsana ập đến mới bắt đầu ra quả đã bị Noru xóa sổ hoàn toàn.

“Chúng tôi phải nhặt từng mảnh vụn vỡ và xây dựng lại thêm lần nữa”, anh nói.

Trên hòn đảo Luzon, Noru tàn phá tỉnh Nueva Ecija, nơi được mệnh danh là “vựa lúa” của đất nước.

Ruel Ladrido - 46 ​​tuổi, nông dân ở Laur, Nueva Ecija - cho biết dù ruộng lúa của ông không bị ngập, gió mạnh đã khiến mùa màng hỏng hết.

Sự bất thường của siêu bão Noru-1
Cảnh tan hoang trên hòn đảo Polillo sau cơn bão Noru. Ảnh: CNN.

“Khu vực tôi mưa không to, nhưng gió đã làm hư hại mùa màng. Điều này làm ảnh hưởng tới vụ thu hoạch, nhưng chúng tôi có thể làm gì bây giờ? Tôi chưa ước tính được mức độ thiệt hại, nhưng chúng tôi sẽ phải trồng lại”, ông nói.

Tính đến ngày 27/9, Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính tổn thất về nông nghiệp của nước này trong siêu bão Noru, có tên địa phương là Karding, là 1,29 tỷ peso (21,9 triệu USD), lớn hơn gấp 9 lần so với ước tính 160 triệu peso một ngày trước đó, Bloomberg và Inquirer đưa tin.

Theo Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Philippines, (NDRRMC), tính đến 30/9, siêu bão Noru khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 5 nhân viên cứu hộ ở tỉnh Bulacan. Hơn 104.500 nông dân và ngư dân, cùng hơn 166.630 nghìn ha đất trồng trọt, bị ảnh hưởng theo NDRRMC.

Khó đoán

Theo nghiên cứu năm 2018, Philippines - quốc gia gồm hơn 7.600 hòn đảo - vốn đã dễ bị ảnh hưởng bởi bão, nhưng khi mực nước biển dâng cao và nhiệt độ đại dương ấm lên, cường độ bão dự kiến ​​mạnh hơn.

Một nghiên cứu khác công bố vào năm ngoái từ Viện Sáng tạo Khí tượng Thâm Quyến và Đại học Trung Quốc Hong Kong cho thấy các cơn bão ở Đông và Đông Nam Á tồn tại thêm 2-9 giờ. Ngoài ra, chúng cũng di chuyển sâu hơn vào đất liền trung bình 100 km so với bốn thập niên trước. Vào cuối thế kỷ này, dự báo các cơn bão có sức công phá gấp đôi.

Do đó, đường đi của những cơn bão này trở nên khó đoán hơn. Không chỉ vậy, cũng khó để biết trước việc cường độ của chúng gia tăng nhanh chóng - khi tốc độ gió tăng ít nhất 56 km/giờ trong vòng 24 giờ, thậm chí ít hơn.

Theo Gerry Bagtasa - giáo sư từ Viện Khoa học Môi trường và Khí tượng, Đại học Philippines, mặc dù hiếm gặp, Philippines không lạ gì với hiện tượng này khi 28% trong số xoáy thuận nhiệt đới đổ bộ vào nước này từ năm 1951 đã trải qua gia tăng cường độ nhanh chóng.

Ông Bagtasa cho biết các yếu tố như độ ẩm cao, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm và gió đứt tầng thấp xác định quy mô bão gia tăng cường độ nhanh chóng, dù giá trị các chỉ số trên “không cần phải khác biệt” để tạo ra hiện tượng này.

Ông nhận xét đường đi của bão Noru qua biển Philippines trước khi đổ bộ là "ở mức trung bình trong mùa này", trong khi sức gió đứt cũng không quá thấp.

Vị giáo sư cũng cho hay giới khí tượng sẽ khó dự đoán hiện tượng bão gia tăng cường độ nhanh chóng ở Thái Bình Dương, vì dù hệ thống giám sát vệ tinh đã được cải thiện, hiện vẫn không có đủ dữ liệu dự báo khi hiện tượng thời tiết xấu đi.

“Có rất nhiều sự kiện chưa từng xảy ra trước đây xuất hiện ở quy mô toàn cầu. Và do họ thường dựa vào kinh nghiệm quá khứ để dự báo, những kiểu thời tiết mới ảnh hưởng tới điều này”, ông nói.

Luôn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất

Mirian Abadilla - bác sĩ ở Cabangan, tỉnh Zambales, trên đảo Luzon của Philippines - đã tham gia vào hoạt động ứng phó thiên tai từ năm 1991. Bà cho biết các cơn bão trở nên khó đoán hơn, và cộng đồng địa phương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Sự bất thường của siêu bão Noru-2
Khu vực Trung Luzon bị ngập hôm 26/9. Ảnh: Twitter/@Bongbongmarcos.

“Các cơn bão chắc chắn đang mạnh dần lên do biến đổi khí hậu và ngày càng khó đoán”, bà nói. “Nhưng mỗi khi gặp bão, chúng tôi cố gắng tiếp tục cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai”.

Bà cho biết chính quyền địa phương đã tổ chức họp khi bão Noru tiếp cận để lên kế hoạch cứu trợ và cứu nạn. “Người Philippines đang được trang bị nhiều kỹ năng ứng phó với thiên tai. Chúng tôi buộc phải làm vậy”, vị bác sĩ nói.

Theo luật áp dụng vào năm 2010, mọi tỉnh, thành phố, đô thị và barangay (đơn vị hành chính nhỏ nhất) ở Philippines phải tuân theo hệ thống quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia.

Dựa trên cảnh báo từ cơ quan thời tiết quốc gia, chính quyền địa phương phải sơ tán trước. Ngoài ra, họ cần thường xuyên tổ chức diễn tập ứng cứu thiên tai và tổ chức hội thảo cộng đồng.

Trong cuộc họp báo hôm 26/9, Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr ca ngợi chính quyền địa phương đã làm tốt trong việc thông tin tới người dân địa phương khi Noru đến gần và tiến hành sơ tán để ngăn chặn thương vong hàng loạt.

Tuy nhiên, dường như ông cũng thừa nhận tính chất ngày càng khó đoán của các cơn bão sẽ đổ bộ vào Philippines trong tương lai, do đó nước này cần phải luôn trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị.

“Tôi nghĩ ít nhất lần này, chúng ta đã gặp một chút may mắn”, ông nói.

Theo Zing