Thông tin nhóm Monstar tuyên bố tan rã ngay sau khi tung sản phẩm comeback không khỏi khiến khán giả ngỡ ngàng và hụt hẫng.

Khi Monstar ra teaser MV Có Hẹn Với Thanh Xuân, cùng với sự quay trở lại của thành viên Đoàn Thế Lân, người yêu nhạc khấp khởi mừng thầm, tưởng đâu Monstar vẫn cố gắng trụ lại. Tưởng đâu mô hình nhóm nhạc vẫn còn những chiến binh dũng cảm đeo bám.

Không ngờ, cũng như các đàn anh đàn chị trước, Monstar không thoát khỏi sự đào thải khắc nghiệt của thị trường nhạc Việt.

Sự đào thải khắc nghiệt ở giới giải trí Việt-1
Hình ảnh Monstar khi nói lời chia tay.

Trong thông cáo chính thức, công ty chủ quản của nhóm cho biết: “Đây là quyết định được đưa ra sau khi ST.319 Entertainment và Monstar cân nhắc kỹ lưỡng và thảo luận tích cực. Các thành viên đi theo con đường riêng để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Sau MV Có Hẹn Với Thanh Xuân, Monstar sẽ tổ chức online fanmeeting và phát hành album vào ngày 30/7. Đây là hai hoạt động nhóm cuối cùng của Monstar".

Sau tất cả, các nhóm nhạc Việt tan rã hết

Lại một lần nữa, chuyện hợp tan của các nhóm nhạc ở Việt Nam nhận được những tiếng thở dài đầy tiếc nuối.

Trước Monstar, nhiều nhóm nhạc được thành lập và cũng đã trở thành kỷ niệm, như 365daband, VMusic, Zero9, Lime…

Nhóm nhạc nữ hiếm hoi còn trụ lại đến thời điểm này là Lip B cũng đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, gần như không có hoạt động gì. Hai năm trước, Lip B thừa nhận khủng hoảng trầm trọng khi mất đi hai thành viên là Na Whan và Mei.

Nhóm đã nỗ lực củng cố đội hình 4 thành viên với 2 nhân tố mới. Tưởng ổn thỏa, một thời gian sau, tới Yori rời đi, người hâm mộ lại không khỏi lo lắng cho số phận của các cô gái lận đận.

Sự đào thải khắc nghiệt ở giới giải trí Việt-2
Nhóm nhạc Lip B của Ông Cao Thắng có mô hình hoạt động như nhóm nhạc Kpop, nhưng cũng chật vật tìm chỗ đứng. Các thành viên lần lượt rời nhóm, thay đổi.

Bền bỉ nhất cho đến thời điểm này là UNI5. Hoạt động từ 2016, nhóm được trang bị đầy đủ tiêu chuẩn mà một boygroup cần. Các thành viên đều có ngoại hình sáng sân khấu, có giọng hát, vũ đạo, rap… mỗi người một thế mạnh.

Các sản phẩm được đầu tư mạnh tay, chiến lược quảng bá bài bản, một số bài hát khá bắt tai, được yêu thích. UNI5 còn có cộng đồng fandom đông đảo, cuồng nhiệt. Nhưng sau 5 năm miệt mài khẳng định mình, UNI5 vẫn không thể tạo nên cơn sốt nhóm nhạc tại Vpop, điều mà mô hình này đang khuynh đảo Hàn Quốc, châu Á, thậm chí là cả thế giới.

Khi UNI5 ra mắt, ông bầu Ông Cao Thắng chia sẻ rằng anh tự tin những mô hình ''hot hit'' tại Hàn Quốc sớm muộn cũng lan đến Việt Nam. Kiểu như nghiễm nhiên Kpop chuộng nhóm nhạc thì rồi Vpop cũng sẽ như vậy.

Đón đầu xu thế đó, công ty 6th Sense Entertainment đã tung ra khoản chi mạnh tay và dài hơi cho UNI5 và Lip B. Thời đó nhiều công ty khác cũng lao vào đầu tư cho nhóm nhạc. Đã có lúc các nhóm nhạc cũng có thị phần riêng của mình. Vậy nhưng, tất cả nhóm đó, bây giờ đều tan rã hết.

Tại sao mô hình nhóm hấp dẫn cả thế giới mà Việt Nam thì không?

Một trong những nguyên cơ bản để mô hình nhóm nhạc khó duy trì tại Việt Nam đó là bài toán kinh tế.

Lợi nhuận không hấp dẫn, nếu không muốn nói là thu không đủ bù chi. Điều này tồn tại nhiều thập kỷ qua, không thay đổi. Ngày xưa kinh phí đầu tư ít mà nhóm nhạc còn xoay xở vất vả. Huống chi ngày nay, làm gì cũng phải đẹp, hoành tráng, kinh phí đầu tư cho một nhóm nhạc thực sự rất nhiều. Quần áo, đi lại, sinh hoạt phí gấp 4-5 lần so với các ca sĩ solo, trong khi cát-xê có khi chỉ bằng 1/3, 1/5.

Điều khó khăn thứ hai, đó là tính chuyên nghiệp trong quản lý nhóm, cũng như ý thức hoạt động nhóm của các nghệ sĩ chưa cao.

Do chưa có nhóm nào thành công rầm rộ tại thị trường Việt Nam, nên bản thân các nhà đầu tư cũng không đủ quyết liệt để đeo bám mô hình này đến cùng. Đa phần các dự án nhóm đều mang tính cầm chừng, là giai đoạn đầu cho mục tiêu tách ra solo về sau của cả công ty đào tạo lẫn các nghệ sĩ. Nếu các nhóm nhạc xứ Hàn được xem là dự án sinh tử của công ty, các nhóm nhạc Việt lại như màn chào sân, đông tay thì vỗ nên kêu.

Sự đào thải khắc nghiệt ở giới giải trí Việt-3
Nhóm nhạc UNI5 gồm 5 thành viên có giọng hát, ngoại hình, vũ đạo và khả năng rap. 

Còn thị trường?

Nhu cầu nghe, xem các nhóm nhạc của khán giả Việt chưa đủ nhiều, đủ mạnh để các nhà đầu tư vượt qua những trở ngại.

Tại sao fan Việt đầy cuồng nhiệt, bùng nổ cổ vũ BTS, EXO, rủ nhau ra nước ngoài xem concert của BlackPink, nhưng lại ơ hờ với các nhóm nhạc trong nước đến vậy? Do khán giả không chuộng mô hình nhóm nhạc trong nước hay do trong nước chưa có nhóm nào đủ hấp dẫn khán giả?

Đó là câu hỏi mà những người kinh doanh âm nhạc cần tìm câu trả lời. Là họ đang bỏ qua một thị trường tiềm năng, hay do mặc định nhóm nhạc Việt không hấp dẫn của khán giả quá lớn?

Monstar tan rã, thật là một sự chùng lòng. Buồn nhưng không quá ngạc nhiên. Những kỳ vọng cho mô hình nhóm nhạc ở Việt Nam khởi sắc hơn, lại một lần nữa, thiếu đi chỗ bám víu. Quá nhiều yếu tố cản trở mô hình nhóm nhạc ở Việt Nam tồn tại. Trong khi, một thị trường phải phong phú và đa dạng mới là thị trường mạnh.

Trên thế giới, BTS đang khuynh đảo không chỉ châu Á mà tấn công cả Billboard và Grammy. Thực tế nhiều năm nay, vẫn có những nhóm nhạc nỗ lực tìm chỗ đứng như SGO48. Vẫn có nhiều dự án đã lên kế hoạch, bàn thảo, thậm chí cũng đã có vài dự án tăm tia casting, như dự án Vote45 của Wepro, tìm kiếm 5 gương mặt để lập nhóm nhạc nam.

Nhưng thành công hay không vẫn tiếp tục là ẩn số. Hy vọng vẫn có những nhà đầu tư mạo hiểm để thị trường âm nhạc Việt có cơ hội nhìn thấy sự khởi sắc mạnh mẽ của các nhóm nhạc trong thời gian tới.

Theo Zing