Những ngày qua, giới siêu giàu trên thế giới đều đến Ấn Độ dự tiệc trước hôn lễ của Anant Ambani - con trai tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani - cùng vị hôn thê Radhika Merchant (29 tuổi) - con gái tỷ phú người Ấn Viren Merchant. Ước tính số tiền bỏ ra cho bữa tiệc kéo dài ba ngày lên tới 150 triệu USD.

Những khoản tiền đáng kinh ngạc đã được chi cho trang phục, đồ ăn từ những đầu bếp hàng đầu thế giới và những địa điểm sang trọng. Ambani và Merchant thậm chí mời Rihanna biểu diễn với mức thù lao khoảng 6,5 triệu USD.

Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-1
Anant Ambani (phải) và hôn thê Radhika Merchant. Ảnh: Getty.

Sự phô trương quyền lực và tiền bạc

Sự hoành tráng trong tiệc cưới không chỉ đến từ giới tinh hoa Ấn Độ. Theo CNN, đất nước đông dân nhất thế giới có tới 12 triệu đám cưới mỗi năm. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, họ càng tổ chức các nghi lễ xa hoa để phô trương địa vị xã hội.

Người trong ngành ước tính ngành công nghiệp đám cưới của Ấn Độ chi hơn 75 tỷ USD mỗi năm. Khoảng một nửa số vàng được mua ở nước này hằng năm đều dành cho các vật dụng dùng trong lễ cưới.

Theo nhà xã hội học Parul Bhandari công tác tại Trường nội trú St Edmund's College cho biết đám cưới ở Ấn Độ là sự kiện đặc biệt quan trọng vì là mang biểu tượng của sức mạnh và địa vị, tầng lớp xã hội.

“Đối với nhiều xã hội, đặc biệt là Ấn Độ, hôn nhân không chỉ đơn giản là sự kết hợp giữa hai cá nhân. Cuộc hôn nhân đánh dấu sự kết hợp của nhóm cộng đồng lớn. Hôn nhân như nghi thức báo hiệu địa vị của cá nhân và gia đình họ, ở mặt kinh tế, xã hội, chính trị”.

Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-2
Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-3Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-4
Giới tài phiệt khắp nơi trên thế giới được mời đến đám cưới của con trai tỷ phú giàu nhất châu Á. Ảnh: IG, Getty.

Tiệc trước đám cưới của Anant Ambani và Radhika Merchant chính xác để nói về thuật ngữ “Big Fat Indian wedding” - mô tả lễ cưới xa hoa, quy mô hoành tráng với lượng khách mời đông đảo. Cụm từ này thường có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa.

Nghi lễ phức tạp

Những đám cưới hoành tráng của người Ấn Độ không bao giờ chỉ diễn ra trong một ngày. Hầu hết kéo dài từ vài ngày, có khi cả tuần, bất kể địa vị xã hội.

Đám cưới của người nổi tiếng gây chú ý vì sự hào nhoáng nhưng đều mang đậm nét truyền thống. Đám cưới của người theo đạo Hindu chiếm khoảng 80% các nghi lễ kết hôn ở Ấn Độ, trong đó đám cưới của người theo đạo Sikh, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo chiếm phần lớn còn lại.

Mặc dù có sự khác biệt theo vùng, một số nghi lễ phức tạp đã trở nên phổ biến đối với hầu hết đám cưới của người theo đạo Hindu trên khắp đất nước.

Ví dụ, nghi lễ Mehndin hay “Mehendi” - hình thức làm đẹp nghệ thuật - trở thành một phần không thể tách rời của lễ cưới. Tay và chân cô dâu được trang trí bằng những hoa văn phức tạp.

Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-5
Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-6Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-7
Nghệ thuật vẽ tay cô dâu trước lễ cưới.

Vào buổi sáng ngày cưới, cô dâu và chú rể bôi “haldi” (nghệ, được trộn với sữa thành dạng sệt) lên tay và mặt để xua đuổi tà ma. Lễ cưới thường diễn ra bên dưới “mandapa” - sảnh trang trí bằng những tấm màn và đồ vật sang trọng.

Đây là nơi cô dâu và chú rể nói lời thề nguyền, bên ngọn lửa thiêng được coi là nhân chứng cho buổi lễ.

Cô dâu chú rể phải đi vòng quanh đống lửa bảy lần và đọc những lời cam kết hôn nhân của người Hindu, như sức mạnh, sự thịnh vượng, trí tuệ, sức khỏe, con cái và ràng buộc cuộc sống.

Khi kết thúc nghi lễ, chú rể bôi “sindoor” (bột son đỏ) dọc theo phần tóc rẽ ngôi của cô dâu và đeo “mangalsutra” (vòng cổ) để minh chứng là phụ nữ đã có gia đình.

Phụ nữ theo đạo Hindu thường chọn trang phục sari thêu hoa văn phức tạp hoặc “lehenga” - loại váy dài, kết hợp với áo cánh phù hợp và “dupatta” - khăn choàng dài quàng qua đầu và vai.

Sự phô trương quyền lực và tiền bạc-8
Chú rể hỗ trợ cô dâu đeo mangalsutra. Ảnh: Getty.

Màu đỏ được các cô dâu yêu thích - đặc biệt là trong các nghi lễ của đạo Hindu. Màu sắc này tượng trưng cho sự sinh sản và thịnh vượng, đại diện cho sao Hỏa, hành tinh của hôn nhân trong chiêm tinh học Ấn Độ giáo.

Thời điểm tổ chức các hôn lễ thường vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 2, được coi là thời kỳ tốt lành trong lịch Hindu. Cặp cô dâu chú rể thường dựa vào các vì sao và cung hoàng đạo của họ để chọn ngày đảm bảo cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc.

Cái nhìn của cộng đồng

Nhiều đám cưới rình rang của giới siêu giàu tại Ấn Độ dấy lên làn sóng phản ứng trên mạng xã hội. Một số người cho rằng những bữa tiệc lãng phí quá mức và phô trương, trái ngược với tình trạng nghèo đói và điều kiện sống tồi tàn ở nhiều nơi trên khắp Ấn Độ.

Để dung hòa tình hình, gia đình giới siêu giàu đã tính đường đi nước bước. Đám cưới con gái nhà Ambani năm 2018, đại diện gia đình nói với CNN rằng họ đã thành lập khu trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân địa phương, đồng thời tuyên bố quyên góp đủ lương thực để nuôi hơn 5.000 người dân ba bữa một ngày trong khoảng thời gian bốn ngày.

Mới nhất, tỷ phú giàu nhất châu Á cũng mở tiệc chiêu đãi 50.000 người dân tại thị trấn quê nhà Reliance trong ba ngày liên tiếp, mừng tiệc trước đám cưới của con trai.

Theo Tiền Phong