Góc khuất sau một cuộc sống giàu có....

Thời gian vừa qua, Cún bông - Vũ Hồng Phúc khiến nhiều người ngỡ ngàng với bộ sưu tập Hermes "khủng" hơn cả Ngọc Trinh.

Cún bông có hơn 10 chiếc túi Hermes "đắt và độc", trong đó, giá trị nhất là chiếc Hermes birkin da cá sấu màu đỏ sẫm giá 1,3 tỷ đồng; chiếc Hermes 3 màu giá 700 triệu, 3 chiếc túi khác khoảng 500 triệu, những chiếc còn lại giá hơn 300 triệu.

Cô sở hữu chiếc xe Audi đỏ, giá hơn 3 tỷ với biển số tứ quý đẹp. Số điện thoại cũng không ngoại lệ với 5 số cuối là 88888. Sau khi chia tay chồng, cô gái sinh năm 1986 đang một mình nuôi 3 con.


Hình ảnh hạnh phúc của 3 mẹ con Cún bông - Vũ Hồng Phúc.

Cún bông là con gái con gái duy nhất trong gia đình không hạnh phúc. Mẹ Cún bông đã vất vả nuôi nấng cô trưởng thành.

Một người bạn của Cún bông cho biết, nếu những người ít biết về Phúc hẳn sẽ choáng ngợp bởi thú chơi Hermes "khủng".

Nhưng ai chơi và gắn bó với cô lâu năm thì đều phải thừa nhận rằng, đằng sau hình ảnh một dân chơi hàng hiệu đích thực, cô còn khiến anh em, bạn nè nể nang về phong cách sống và sự hy sinh về người khác.

Đem lời nhận xét này hỏi Cún bông, cô đáp ngắn gọn: "Mang lại hạnh phúc cho người khác chính là niềm vui của tôi".

Rồi trong cuộc trò chuyện, bỗng dưng Cún bông nhắc tới mẹ. Và cô bật khóc ngon lành như một đứa trẻ.

Ngay từ khi mới sinh, Cún bông đã thiếu thốn tình cảm của bố. Bố mẹ cô chia tay nhau khi cô sinh ra được vài tháng tuổi. Sau đó, mẹ gửi cô cho ông bà nội, 1 thân một mình vào Sài Gòn kiếm sống.

Cún bông nói rằng, cái tên Cún bông của cô là do mẹ đặt và nó gắn với quá nhiều kỷ niệm xót xa...




3 đứa con là tài sản đáng giá nhất của Cún bông.

"Tôi nhớ mẹ, khóc nhiều đến lạc cả giọng..."


"Mẹ tôi một mình tạo lập nên sự nghiệp, giờ đang làm chủ của công ty vận tải Phúc Thành Đạt và kinh doanh xe máy.

Để có sự nghiệp thành công như hôm nay là cả 1 quãng đời dài khổ cực, lang bạt từ Bắc vào Nam của mẹ.

Tôi được mẹ kể lại rằng, ngày bố mẹ chia tay, mẹ đã đi chiếc xe đạp Sài Gòn cũ kỹ, một tay xách làn quần áo, một tay cầm lái, địu tôi bằng tã cuốn chặt vào người, cọc cạch đi từ Bắc Ninh lên Hà Nội.

Suốt chặng đường dài mấy chục cây số, mẹ xót tôi mà không cầm nổi 2 hàng nước mắt. Trời thì rét căm căm, tôi lại quá bé nhỏ, mỏng manh, mẹ lo tôi chết rét.

May sao, lúc đó có chiếc áo bông cuốn kín người nên tôi chỉ tím tái đôi chút. Mẹ bảo, ngày ra đi trong rét mướt đó, nếu không có chiếc áo bông mẹ dành dụm tiền mua cho tôi, có lẽ tôi đã chết vì cái giá rét.

Từ đó mẹ gọi tôi là "Cún bông". Cái tên gắn với kỷ niệm khổ đau nhất trong cuộc đời mẹ.

Mẹ tôi là người phụ nữ nghị lực và kiên cường. Mẹ đã bươn trải rất nhiều để có được ngày hôm nay.

Ngày bố mẹ chia tay, cuộc sống của mẹ khó khăn và vì quá yêu con gái, mẹ phải để lại tôi cho ông bà nội chăm sóc trong 3 năm, một mình lao vào Sài Gòn kiếm sống.

Trong 3 năm đó, tôi lúc nào cũng nhớ mẹ, tôi khóc nhiều, khóc lạc cả giọng vì thiếu thốn tình cảm. Còn mẹ tôi cũng có sướng gì đâu, xa nhà, xa con vẫn phải cắn răng chịu đựng.


Mẹ của Cún bông - Vũ Hồng Phúc.

Tôi biết mẹ nhớ tôi nhưng âm thầm chịu đựng. Mà buồn cười thật, tôi nhớ mẹ, tôi khóc... rồi khóc quá thì ngủ. Còn mẹ, mẹ nhớ tôi, mẹ cũng khóc rồi...càng lao vào công việc nhiều hơn.

Mẹ làm đủ các việc như chở hàng thuê, buôn bán nhặt nhạnh mọi thứ để gửi tiền về cho tôi.

Tôi chẳng bao giờ quên được cảm giác mỗi lần được các bác ở Hà Nội đón ra chơi vui thế nào. Vì mỗi lần ra Hà Nội, tôi sẽ được nói chuyện điện thoại với mẹ.

Hồi đó tôi còn đang học mẫu giáo. Mỗi lần nói chuyện, 2 mẹ con đều khóc thút thít. Cuộc sống thì khó khăn, mà lần nào gọi điện mẹ cũng hỏi tôi thích gì, thích dây chuyền hay vòng vàng mẹ mua rồi gửi về.

Còn tôi lúc đó ư, buồn cười lắm, tôi chả thích gì, cứ gào khóc lên kêu rằng chỉ muốn mẹ thôi.

Tôi khóc nhiều đến nỗi đau bụng quá và qua điện thoai, mẹ động viên rằng sẽ sớm về với tôi. Tôi tin vào điều mẹ nói đến nỗi trở nên ma mãnh, nghĩ ra cả chiêu giả đau bụng mỗi lần gọi điện để mẹ sớm về.

Đến năm học lớp 3, mẹ tôi quay trở ra Hà Nội và quyết định ở nhà chăm sóc tôi - dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi nữa.

Ngày mẹ từ Sài Gòn ra chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng. Mẹ quyết định xuống bến xe vận tải bán hàng ăn, sau khi vay mượn được 15 triệu đồng.

Buôn bán ở bến xe, mẹ có nhiều các mối quan hệ có thể làm ăn được và từ đó, chuyển sang làm vận tải chứ không bán hàng nữa.

Và rồi không biết từ lúc nào, ông trời thương mẹ, cho mẹ những thành công, trở thành bà chủ của công ty vận tải Phúc Thành Đạt, đồng thời kinh doanh cả lĩnh vực xe máy.

Dù cuộc sống đã đổi thay, nhưng mẹ vẫn giản dị, không bao giờ phung phí bất cứ thứ gì. Thậm chí đến ăn bát phở đôi khi cũng tiếc tiền.

Nhưng có 1 điều, mẹ vẫn chưa bao giờ thay đổi, là con gái thích gì mẹ đều chiều hết, không bao giờ tiếc.

Suốt mấy chục năm qua, mẹ không đi bước nữa mà ở vậy nuôi tôi khôn lớn. Đó là sự hy sinh quá lớn lao.

Mẹ bảo tôi rằng, nếu lấy chồng, có thể mẹ sẽ có lại được hạnh phúc, nhưng con gái sẽ chịu thiệt thòi nhiều. Và mẹ mãi mãi không bao giờ muốn thế".

"Bỏ mặc" bạn bè trong sinh nhật tuổi 29!


Đây là câu chuyện theo kiểu "bực lắm nhưng không thể giận" mà bạn bè Cún bông vẫn thường kể mỗi khi nhắc tới chuyện làm từ thiện của cô.

Số là, Cún bông muốn có một sinh nhật tuổi 29 thật ý nghĩa nên giấu nhẹm bạn bè, âm thầm lên vùng cao Phù Yên, Sơn La tặng quần áo, nấu cơm cho học sinh nghèo.

Ở Hà Nội, bạn bè thân thiết muốn dành tặng cô bất ngờ nên âm thầm tổ chức sinh nhật không báo trước. Mọi người định bụng buổi tối Cún bông sẽ phải ngỡ ngàng đến... phát khóc vì xúc động.

Ai rè, chiều muộn, Cún bông cập nhật trên facebook đang ở Phù Yên, Sơn La khiến nhóm bạn té ngửa ra và biết bị...."hố to". Nhưng chẳng ai có thể giận vì "chuyện đó tử tế quá".




Hình ảnh Cún bông trong những chuyến từ thiện ở vùng cao.

Nhớ lại câu chuyện đặc biệt này, Cún bông bộc bạch: "Nơi đây xung quanh đều là vùng núi hoang vu, sương mù dày đặc, phủ kín vạn vật xung quanh.

Chúng tôi phải trèo đèo, băng qua những con suối và men theo đường đất đá sạt lở. Chặng đường chỉ dài 20km mà đoàn từ thiện phải đi mất khoảng 3 tiếng trời.

Bản thân tôi đi làm từ thiện rất nhiều nhưng chưa bao giờ đến 1 nơi xa xôi và nguy hiểm như thế. Khi gặp thầy cô, các em học sinh, tôi xót xa và buồn vô cùng.

Ở đây, nước không có để uống, điện không có để dùng, các bé nhỏ thì gần như là mù chữ..."

Nói đến đây, hai hàng nước mắt của Cún bông lại lăn dài trên má. Cô nói tiếng trong sụt sùi: "Món quà sinh sinh nhật ý nghĩa nhất đời tôi là được chia sẻ, tặng quần áo đẹp cho các em bé vùng cao, được nấu ăn cho các em học sinh.

Điều đó thật tuyệt vời! Đó có lẽ là sinh nhật hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi".

Cún bông làm từ thiện cách đây khoảng 8 năm. Cô thường xuyên đi các tỉnh xa Hà Nội để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Vì thế, rất nhiều bạn bè facebook - khi gặp ai đó bất hạnh thường tag Cún bông. Sau khi tìm hiểu kỹ, cô luôn sẵn lòng giúp đỡ - nếu cảm thấy việc đó thực sự cần thiết.


Vũ Minh Hải - một người bạn luôn đồng hành cùng Cún bông trong tất cả các chương trình từ thiện. "Dù bận rộn đến mấy, lúc trời nắng hay mưa thì chưa bao giờ Hải từ chối mỗi khi tôi nói sẽ đi từ thiện", Cún bông nói.

Từ chối nói "sâu" về những việc thiện nguyện, Cún bông kể lại câu chuyện ám ảnh và thay đổi cuộc đời cô suốt hơn 20 năm qua.

Cô bảo, khi lên 6 tuổi, trên đường đi học gặp một cụ già ngồi trước cổng trường đang nhặt mẩu bánh mì thừa của học sinh vứt đi.

Khi đó, sau khi cân nhắc, "tính toán" nhu cầu tiết kiệm, ăn sáng rất trẻ con cô đã quyết định tặng 1 nghìn đồng tiền ăn sáng cho cụ.

"Cả buổi học ngày hôm đó tôi lả đi vì chết đói. Nhưng tôi nhận ra được một điều ý nghĩa tuyệt vời cho bản thân: tên tôi là Vũ Hồng Phúc.

Tôi sẽ mang lại hạnh phúc cho người kém may mắn hơn! Ước mơ cả đời tôi đó là xây viện cô nhi và trại dưỡng lão cho những cụ già neo đơn. Tôi đang phấn đấu để làm được điều đó", cô nói và mỉm cười tươi tắn.

Theo Tri Thức Trẻ