Gần đây, nhiều trang mạng xã hội chia sẻ một trường hợp chữa khỏi ung thư phổi nhờ uống nước nấu từ lá đu đủ tươi khiến dư luận quan tâm, nhiều người xem xong còn khuyên nên thử chữa ung thư bằng phương pháp này. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, đến nay Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào công nhận tác dụng điều trị của lá đu đủ tươi.

su-that-chuyen-la-du-du-tuoi-tri-duoc-ung-thu-phoi
Nhiều trường hợp khẳng định hết bệnh ung thư phổi nhờ uống lá đu đủ tươi.

Ung thư là bệnh ác tính của tế bào, hay di căn nên việc điều trị ung thư ở tất cả các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều phải dựa vào cơ sở khoa học hết sức chặt chẽ.

Người mắc ung thư phải được điều trị theo phác đồ mang tính khoa học, mỗi loại ung thư và mỗi giai đoạn của bệnh đều có phác đồ cụ thể, chính vì thế việc chữa ung thư bằng các phương pháp chưa nghiên cứu cần phải được cân nhắc.

Bất cứ loại thuốc nào đưa ra thị trường phải tiến hành theo 3 bước, bao gồm nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật - thử nghiệm trên người tình nguyện theo dõi trong thời gian 5 năm. Cuối cùng, sau khi thuốc được hội đồng thẩm định đánh giá có hiệu quả, đơn vị đứng ra nghiên cứu mới xin đăng ký bản quyền và đưa ra thị trường.

Về lá đu đủ tươi, Viện Dược liệu và Hội Đông y Việt Nam đã có đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc lá đu đủ nhưng không đi đến kết luận và chưa có công bố chính thức vì chưa tìm được giá trị điều trị ung thư từ loại lá này. Việc công bố lá đu đủ tươi trị ung thư vẫn chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở người may mắn khỏi bệnh sau khi dùng thử lá đu đủ tươi.

Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ thuộc Viện Y học dân tộc cũng khẳng định đây chỉ là cách chữa trị được lan truyền trong dân gian chứ không có bằng chứng và chưa từng được nghiên cứu thành công. Ngoài lá đu đủ, nhiều người còn cho rằng lá diếp cá và các loại nấm có công dụng như "thuốc thần" đối với bệnh ung thư, tuy nhiên tất cả đều chưa được nghiên cứu và chưa có khẳng định cụ thể nào được ngành Y tế Việt Nam công nhận.

"Vẫn có thể một số trường hợp may mắn khỏi bệnh nhưng đó chỉ là hy hữu. Thêm nữa vẫn có một số ít người bị ung thư nhưng sau đó bệnh không tiến triển do cơ thể tự khắc chế, những trường hợp này vì thế chưa chắc là do dùng các loại thảo dược mà khỏi bệnh. Đến nay, các phương pháp điều trị ung thư vẫn là phẫu trị, hóa trị, xạ trị", một bác sĩ chuyên ngành ung bướu khẳng định.

Về tính dược của lá đu đủ, một số nghiên cứu khẳng định trong lá đu đủ có chất Papain, chất này có khả năng phá hủy các protein giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa nguồn chất đạm này trong dạ dày. "Chất Papain còn có khả năng trung hòa các độc tố, do côn trùng cắn, tăng cường hệ miễn dịch chống lại dị ứng thức ăn... Có lẽ vì điều này mà một số thầy lang khẳng định với bệnh nhân của mình công dụng thần kỳ của lá", một bác sĩ Đông y đang làm việc tại TP HCM nói.

Không phủ nhận công dụng điều trị bệnh của một số loại thảo dược trong đó có lá đu đủ xanh, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo cần cẩn trọng khi điều trị lâu dài từ các loại cây lá và củ quả trong thiên nhiên. "Nhiều thứ dùng nhiều không có hại nhưng vẫn có nhiều thứ nếu dùng kéo dài sẽ gây hại. Cụ thể là lá đu đủ, nếu dùng nhiều và dùng trong thời gian kéo dài có thể gây kích ứng, viêm loét dạ dày thậm chí xuất huyết bao tử.

Không đề cập đến phương pháp điều trị của dân gian và cũng không phủ nhận các phương pháp điều trị này, thế nhưng theo Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM ngay cả thuốc điều trị ung thư đã được chứng minh an toàn và đang được sử dụng điều trị vẫn có những tác dụng phụ không mong muốn. Chính vì thế người bệnh nên cẩn trọng khi tự điều trị và tốt nhất là nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo Ngoisao