Nghiên cứu vừa công bố trên Science Advances cuối cùng đã tìm ra sự thật thảm khốc đằng sau việc Liangzhu (Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) biến thành "thành phố ma" chỉ trong một thời gian cực ngắn, dù nó đã được xây dựng kỳ công suốt 1.000 năm với trình độ không thể tưởng tượng nổi vào thời điểm đó.
Măng đá trong hang Shennong chứa đựng bằng chứng về sự "bốc hơi" của những con người thuộc nền văn minh Lương Chử huyền thoại - Ảnh: Đại học Giao thông Tây An
Theo các giả dẫn đầu bởi Đại học Innbruck (Áo), người dân Liangzhu đã hứng chịu một đợt mưa gió khó tin, kéo dài hàng thập kỷ - khoảng 4.354 năm trước đến 4.324 năm trước.
Kết luận được đưa ra từ những bằng chứng địa chất "không thể nhầm lẫn" mà họ đã tìm thấy quanh khu vực thành phố lẫn một vùng rộng lớn ở phía Đông Trung Quốc.
Cuộc khám phá nguyên nhân người dân Liangzhu bỏ hoang đại đô thị của mình để sống lưu vong vĩnh viễn còn giúp khám phá thêm nhiều bằng chứng để xác thực sự giàu có về vật chất mà người dân ở đây từng có.
Theo Acient Origins, Liangzhu, tức Lương Chử, từ lâu đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Đại đô thị thời đồ đá này nằm ở đồng bằng sông Dương Tử, cách Thượng Hải chỉ 160 km và được mệnh danh "thành Venice thời đồ đá" với rất nhiều bằng chứng về một nền nông nghiệp quy mô lớn được duy trì một cách tiên tiến.
Di tích Liangzhu - Ảnh: Ủy ban quản lý hành chính khu vực - Khảo cổ học Hàng Châu - Liangzhu
Cuộc nghiên cứu lần này đã tiết lộ trọn vẹn hơn một hệ thống tưới tiêu không khác mấy thời hiện đại ở thành phố cổ này, bao gồm hệ thống kênh đào, hồ chứa, đập nước quy mô lớn đủ cung cấp cho một vùng nông nghiệp trù phú bao quanh những bức tường thành.
Bên trong các ngôi mộ may mắn còn nguyên vẹn, người ta cũng tìm thấy những vật dụng tùy táng được làm ra với sự tinh xảo khác thường, với một trình độ gần như vô lý so với thời đại.
Bởi lẽ, Liangzhu đã 5.300 tuổi và thời điểm nó bị bỏ hoang là 4.300 năm trước. Các kiến trúc của thành phố cũng mang nhiều đặc điểm "vượt thời gian".
Các bằng chứng về những năm mưa gió khó tin đã được thu thập thông qua những thứ tưởng chừng không liên quan - măng đá trong các hang động quanh khu vực.
Thạch nhũ thực ra lưu giữ những bằng chứng hóa học rất rõ ràng cho phép các nhà khoa học xác định hang động đó có từng bị ngập lựt hay không, thông qua dữ liệu đồng vị carbon.
Thảm họa lớn đến nỗi người Liangzhu, dù có trình độ khoa học và xây dựng vượt thời gian, cũng không thể tạo ra một hệ thống thủy lợi đủ mạnh mẽ để chống chọi. Các bằng chứng cho thấy sau khi rời bỏ thành phố vào 4.300 năm trước, họ chưa từng quay trở lại.
Theo Người Lao Động