Khi con gái đến tuổi lấy chồng ai cũng lo sợ, nghĩ ngợi nhiều về chuyện làm dâu. Chẳng biết từbao giờ cặp từ mẹ chồng – nàng dâu lại trở thành câu cửa miệng đầy định kiến. Cũng vì những suy nghĩ “của chung” ấy mà trước khi quyết định lấy chồng tôi cũng đã mất ăn, mất ngủ bao ngày. Khi thì lo về làm dâu gặp mẹ chồng khó tính, xét nét sẽ đe nạt, vì vốn “khác máu tanh lòng”, khi thì cũng lo ngại bản thân chưa đủ đảm đang để làm dâu nhà người. Ngày thường sống với mẹ đẻ, chính bố mẹ tôi còn chê con gái “Con gái lớn mà ăn không nên đọn, nói không nên lời. Vụng thối vụng nát, bữa cơm cũng không nấu nổi, sau này làm sao đi làm dâu được…”.

Ấy thế mà thời gian trôi đi cũng nhanh, mới ngày nào còn nơm nớp lo sợ làm dâu thì nay tôi cũng đã bước sang tuổi 38. 5 năm làm dâu xứ người giúp tôi trưởng thành hơn. Có làm dâu rồi mới biết, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” chứ chẳng nhà ai nhất nhất như một, “nhân bất thập toàn” chẳng gia đình nào là toàn vẹn cả.

 Tá hỏa khi mẹ chồng đang độ “hồi xuân” - 1

Cứ thế gia đình tôi trở nên “nhộn nhịp” vì cảnh mẹ chồng “hồi xuân”. (Ảnh minh họa).

Mẹ chồng tôi không dữ dằn như những bà mẹ chồng mà người ta vẫn hay “vẽ” lên. Cũng không đối xử với con dâu kiểu “khác máu tanh lòng”. Đối với bà con nào cũng là con, dâu con, trai gái đều là một. Chẳng vì thế mà sống chung với gia đình chồng suốt ngần ấy năm nhưng trước nay mẹ chồng, nàng dâu gia đình tôi không hề có điều tiếng gì. Thậm chí hễ tôi và mẹ chồng đi cùng nhau ai không biết lại hỏi “con gái đó à, con gái đi lấy chồng giờ về thăm mẹ à. Con gái giống mẹ quá cơ…”. Có lẽ sự thân thiết của hai mẹ con tôi đã đánh tan sự ngăn cách quan niệm mẹ chồng – nàng dâu ấy.

Cho đến gần đây gia đình tôi bước dần đến cơn sóng gió. Chuyện cũng chẳng có gì nếu không phải là việc mẹ chồng tôi thay đổi 180 độ. Lý do không phải vì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, cũng chẳng phải vợ chồng lục đục…

Cơn nguyên bắt đầu từ việc mẹ chồng tôi thay tính, đổi nết, đã gần bước sang tuổi ngũ tuần mà nay lại thích “hồi xuân”. Từ cách ăn mặc, nói năng, hành động của mẹ chồng tôi hệt như nhữngphụ nữ đương độ “hồi xuân”. Những chiếc áo, quần trước đây mẹ tôi vẫn hay mặc, thậm chí còn khen đẹp nay bà vứt bỏ đi không thương tiếc, thay vào đó là ăn vận những bộ quần áo lòe loẹt, trẻ trung và coi đó là hợp thời trang. Hễ ai góp ý là mẹ tôi tỏ ý dỗi hờn, còn không ngừng nói “Bố con chúng mày giờ hùa nhau bắt nạt mẹ. Tôi muốn ăn mặc gì nay phải hỏi ý kiến anh chị sao???...”.

Chưa dừng lại ở đó, mẹ chồng tôi còn chăm chỉ tô son trát phấn, xanh đỏ lòe loẹt khắp mặt. Bà thường xuyên đi mua sắm, đổi điện thoại, thay dây chuyền, nhẫn vòng… Nhiều khi nhìn mẹ chồng mà tôi ngỡ mình đang đi lạc vào lễ hội hóa trang. Đã bao lần bố chồng tôi phản ứng gay gắt “Bà nên soi gương lại mình đi, nhìn kệch cỡm khó chịu lắm. Già phải ra đạo già, trẻ phải sống đúng đọa trẻ. Giờ mình già rồi không thể bắt chước con trẻ được…”. Nghe xong cứ thế là mẹ tôi đùng đùng nổi giận, khóa cửa phòng, nhịn ăn nhịn uống mấy ngày. Ai nói gì bà cũng không nghe, bà chỉ khóc, than vãn rằng “Bây giờ ông chê tôi già, tôi xấu nên mới xỏ xiên tôi, còn mấy đứa tụi con giờ đủ lông đủ cánh nên muốn bay đi hết chứ gì, không ai bênh mẹ hết. Như thế này tôi còn sống làm gì…”.

Mẹ chồng tôi cứ “sáng nắng chiều mưa” như thế mãi cho đến khi bố chồng tôi phải lên tiếng và xin lỗi bà mới chịu nghe. Cứ thế gia đình tôi trở nên “nhộn nhịp” vì cảnh mẹ chồng “hồi xuân”. Ngày nào cũng to tiếng, lời qua tiếng lại của người này người kia, khi thì phải nịnh lên nịnh xuống mẹ tôi mới chịu. Trước kia hễ mua gì là mẹ chồng lại nhờ tôi, còn bây giờ bà luôn chê tôi không biết mua sắm, gu thẩm mỹ kém, có khi lại nặng lời nói “ra là chị không muốn mẹ chồng xinh đẹp nên mới mua cho tôi mấy thứ đồ già khắm khú này chứ gì?”.

Chán chẳng buồn khuyên vợ, khuyên mẹ nên cả bố chồng và vợ chồng tôi đành nhắm mắt cho qua, chờ đến lúc mẹ chồng thôi không “hồi xuân” nữa. Thế nhưng đỉnh điểm của nỗi chán chường khi có mẹ chồng đang độ “hồi xuân” là việc mẹ chồng tôi thường xuyên tự ý vào phòng tôi dùng mỹ phẩm của tôi, hay mặc đồ của tôi. Nhiều khi bạn bè tôi hỏi “hai mẹ con mặc đồ chung của nhau à, vừa hôm trước nhìn thấy mẹ chị mặc chiếc váy hệt chiếc váy chị đang mặc”. Lúc đó tôi ngượng tím mặt nên đành phải đánh trống lảng.

Tôi không biết mình nên làm gì để mẹ chồng có thể thay tâm đổi tính, sống đúng đạo già. Chứ nếu mẹ chồng tôi cứ tiếp tục như vậy thì cả gia đình tôi sẽ khó có một ngày sống yên ổn.

Theo Đời sống pháp luật