BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, nhót thường được trồng lấy quả để ăn và nấu canh. Lá, rễ và quả nhót có thể làm thuốc chữa bệnh.

Trong đông y quả nhót vị chua, chát, tính bình, tác dụng thu liễm, trừ ho suyễn chống chảy máu. Dùng chữa tiêu hoá kém, lị, ho suyễn, băng huyết, sán khí, trĩ lở loét.

Lá nhót vị chua, tính bình, vô độc, dùng chữa các chứng phế hư khí đoản, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt.

Rễ cây nhót vị chua, tính bình, tác dụng chỉ khái, chỉ huyết, trừ phong thấp, tiêu tích trệ, lợi yết hầu. Dùng chữa chứng bệnh ho suyễn, thổ huyết, khạc ra máu, đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều, phong thấp khớp xương đau nhức, hoàng đản, tả lỵ, trẻ nhỏ cam tích, yết hầu sưng đau.

Tác dụng chữa bệnh của cây nhót-1
Một số tác dụng chữa bệnh của cây nhót.

Một số bài thuốc từ cây nhót

- Chữa các chứng ho nói chung: Lá nhót tươi 30g, sắc với nước, thêm chút đường và uống.

‎‎- Lao phổi ho ra máu: Lá nhót tươi 24g, đường 15g; dùng nước sôi hãm như nước trà; ngày uống 2 lần sau bữa ăn.

- Nhọt độc phát ở sau lưng, các vết thương chảy máu: Lá nhót tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh.

- Bị ong đốt, rắn cắn: Lá nhót tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt với rượu uống, còn bã đem đắp vào chỗ bị bệnh.

- Thổ huyết, đau họng khó nuốt: Rễ cây nhót 30g sắc với nước uống

‎ - Phát cơn suyễn do bị nhiễm lạnh: Rễ cây nhót 30g, đường đỏ 15g, sắc nước uống sau bữa ăn cơm. ‎‎

- Nôn ra máu, khạc ra máu, đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều: Rễ cây nhót 30 - 60g, sắc nước uống sau bữa ăn cơm. ‎‎

- Phong thấp đau nhức: Rễ cây nhót 120g, hoàng tửu 60g, chân giò 500g, đổ nước vào nấu kỹ, thành món chân giò hầm; ăn thịt và uống nước thuốc.

- Vàng da: Rễ cây nhót 15 - 18g, sắc nước uống ‎‎

- Phụ nữ sau khi đẻ đau bụng, đi ngoài kèm theo đồ ăn không tiêu hoá: Dùng rễ cây nhót 60g, đường đỏ 30g, sắc nước uống. 

- Trị lỵ trực khuẩn và bệnh tiêu chảy, viêm đại tràng mạn tính: 20 - 30g lá nhót tươi hoặc 6 - 12g lá nhót khô, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày, trước các bữa ăn 1,5 giờ. Bạn có thể uống liền 1 - 2 tuần đến khi hết các triệu chứng, hoặc dùng dưới dạng bột khô lá nhót, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 12g, uống với nước cơm, có thể phối hợp đồng lượng với bột của vỏ cây đỗ trọng nam.

Lưu ý, khi uống cần kiêng các thức ăn tanh, lạnh như cá cua, ốc, ếch.‎‎

Trị ho, nhiều đờm, hen suyễn: Lá nhót 16g sao vàng, lá táo chua 12g sao vàng, hạt cải củ, hạt cải bẹ, mỗi thứ 6g, sao vàng, giã dập. Hạt cải củ, cải bẹ gói vào miếng vải sạch, cho vào cùng sắc nước với lá nhót và lá táo. Sắc 2 - 3 lần, gộp dịch nước sắc lại, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.‎‎

- Trị ho, hen, khó thở: Có thể dùng quả nhót 6 - 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột. Uống nhiều ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.‎‎

Trị ho ra máu, hoặc nôn ra máu, chảy máu cam: Rễ nhót 16g sao đen, sắc uống ngày một thang. Có thể phối hợp với cỏ nhọ nồi, ngải diệp, trắc bách diệp. Tất cả đều sao đen, sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn 1,5 giờ. Trong khi uống thuốc, cần kiêng các thứ cay nóng như rượu, bia, ớt...‎‎

Bác sĩ Vũ cho biết, cây nhót tuy được sử dụng để trị nhiều loại bệnh, nhưng không dùng cho phụ nữ có thai.

Theo VTC