Với người yêu âm nhạc, bản hit I Will Always Love You là cái tên quá đỗi quen thuộc. Được mệnh danh là tình ca đi cùng năm tháng, bài hát trở thành "thương hiệu" gắn bó với tên tuổi của diva Whitney Houston.
Tuy nhiên, ít người biết rằng trước đó, vào năm 1974, bài hát được sáng tác và thể hiện lần đầu tiên bởi huyền thoại nhạc đồng quê Dolly Parton và bản sau này chỉ là bản cover.
Trên thực tế, lịch sử âm nhạc thế giới từng chứng kiến không ít trường hợp các bài hát lại trở nên nổi tiếng, có sức hút và được nhiều người ưa thích hơn cả bản thu gốc.
Các bản cover hit nổi tiếng luôn được tìm nghe và các hiện tượng cover được mến mộ không kém ngôi sao nào. Ảnh: Sam Tsui.
Trên mạng xã hội Quora, lý giải vì sao nhiều người có xu hướng thích nghe nhạc cover, người dùng Murali TS đưa ra giải thích: “Các bản cover rất hay vì thực tế là chúng đem lại nhiều cách hát khác nhau với cùng một bài hát”.
“Yêu thích và nghe đi nghe lại một bản nhạc đến đâu rồi sẽ có lúc bạn phát chán chúng. Và thế là tôi tìm đến các bản cover, giúp tôi thưởng thức cùng một nội dung nhưng theo nhiều phong cách đa dạng. Cảm giác đó thật tuyệt”.
Với một bài hát nổi tiếng, người nghe có thể tìm thấy hàng chục bài hát lại của nhiều người khác nhau.
Đồng quan điểm, người dùng Natali Jakarian chia sẻ thêm lý do các bài cover trên YouTube lại được ưa chuộng và có lượt view "khủng" đến vậy.
“Có nhiều bài hát mà tôi chỉ thích ca từ, còn giai điệu lại không lọt tai chút nào. Vấn đề này được giải quyết kha khá bởi các ‘thánh’ cover. Mỗi người có kiểu hát riêng và chính điều đó giúp bài hát trở nên đẹp và ý nghĩa hơn. Nhiều khi, họ làm còn tốt hơn ca sĩ chuyên nghiệp”, cô cho hay.
Mộc mạc, nhiều tình cảm cũng là lý do khiến người nghe đề cao các bài hát được làm lại.
“Một số nghệ sĩ hát chỉ vì đấy là nhiệm vụ của họ. Bạn chỉ cảm nhận được mặt kỹ thuật, còn cảm xúc từ người hát trống rỗng. Trong khi đó, những người hát không chuyên xuất phát từ việc chính họ yêu thích bài hát đó. Bạn cảm nhận rõ tình cảm trong từng câu từ tại các bản cover”, Natali viết.
Bên cạnh đó, không hiếm các hiện tượng cover được yêu thích nhờ có giọng hát hay, nội lực.
Ngoài ra, với những người yêu âm nhạc, nghe các bản hát lại cũng là cách học hỏi việc hát, biểu diễn từ người khác.
Trên thực tế, nhiều bản cover thậm chí còn được cộng đồng mạng cho là chất lượng hơn cả bài hát gốc.
BBC có riêng chương trình Live Lounge chuyên dành cho các nghệ sĩ nổi tiếng hát lại bài của những ca sĩ khác.
“Nhiều bản cover nổi tiếng hơn hẳn bản gốc vì người hát đem lại màu sắc, ý nghĩa cũng như giai điệu hoàn toàn mới mẻ. Bằng sự khác biệt hoàn toàn so với những gì người ta vẫn nghe, bản cover đã ‘lật đổ’ bản thu chính”, BBC viết.
Các bản cover luôn đề cao tính sáng tạo. Việc lạm dụng kỹ thuật phòng thu khi cover bị nhiều khán giả chỉ trích là thiếu sáng tạo, làm mất chất bài hát. Ảnh: J.Fla.
Tuy nhiên, không phải mọi bản cover và hiện tượng cover đều nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng mạng.
“Thánh nữ cover” J.Fla nổi tiếng với loạt clip cover triệu view. Cô là ngôi sao mạng xã hội với kênh riêng hơn 13,5 triệu lượt đăng ký.
Trên kênh cá nhân của J.Fla, không khó để bắt gặp một loạt các bản hit mới nhất của nhiều ca sĩ nổi tiếng nhất hiện nay như Taylor Swift, Ed Sheeran, Camila Cabello…
Những video này thu hút hàng chục triệu lượt xem, cùng nhiều bình luận trái chiều từ cư dân mạng. J.Fla hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng người hâm mộ nhạc US-UK.
Giọng hát của J.Fla luôn là thứ khiến cô bị "anti" và chế giễu dữ dội nhất. Nhiều người nhận xét giọng cô yếu, mỏng, nhạt nhòa, lạm dụng auto-tune (kỹ thuật làm méo tiếng).
Cách luyến láy và phát âm của J.Fla khi hát cũng khiến nhiều người khó chịu khi nó làm mất cảm xúc vốn có của bài hát.
Thay vì hát theo phong cách acoustic, cô lại chọn hát chèn lên phần nhạc nền từ các beat có sẵn trên mạng. Cách làm thiếu sáng tạo này bị chê bai là làm mất chất bài hát.
Theo Zing