Việc hầm xương thường mất khá nhiều thời gian. Vì thế, để rút ngắn thời gian chế biến món này, nhiều người cho vào vài miếng đu đủ xanh, xương sẽ nhanh nhừ hơn.

Tại sao xương hầm nhanh nhừ khi cho thêm đu đủ xanh?

Đu đủ xanh là một loại rau củ giàu dinh dưỡng, ứng dụng phổ biến nhất trong ẩm thực là làm nộm, dưa góp ăn kèm thịt nướng, chả nướng để chống ngán, hoặc dùng trong các món xào.

Ngoài ra, từ xưa, người Việt còn phát hiện công dụng giúp món hầm xương, thịt nhanh mềm của đu đủ xanh và tận dụng điều này để giảm thời gian đun nấu. Chưa kể, đu đủ xanh cũng giúp nước hầm có thêm vị ngọt tự nhiên, thanh nhẹ của rau củ quả.

Tại sao xương hầm nhanh nhừ khi cho thêm đu đủ xanh? Đó là vì đu đủ xanh chứa nhiều enzyme papain. Chất này sẽ có tác dụng cắt phân tử protein thành các chuỗi peptide ngắn hơn, nhờ đó mà món xương, thịt hầm của bạn sẽ nhừ rất nhanh. Đồng thời, nó làm cho phân tử collagen nhanh chóng bị thủy phân, tiết kiệm thời gian cũng như năng lượng dành cho việc đun nấu.

Tại sao món hầm nhanh nhừ khi nấu cùng đu đủ xanh?-1
Tại sao xương hầm nhanh nhừ khi cho đu đủ xanh? (Ảnh: Bahama Spice Ltd)

Trên báo Người Lao Động, Bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng, Khoa Nội Cơ xương khớp Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, cho biết: “Dân gian thường dùng trái đu đủ xanh hầm chung với xương, thịt để mau mềm vì đu đủ xanh có chứa nhiều loại enzym, đặc biệt là enzym papain có khả năng thủy phân protein thành các axít amin và polypeptid có trọng lượng phân tử thấp”.

 Tại sao món hầm nhanh nhừ khi nấu cùng đu đủ xanh?-2
Trong đu đủ xanh có enzyme papain. Chất này phân giải protein thành các chuỗi peptide ngắn hơn, đồng thời làm phân tử collagen nhanh bị thủy phân. (Ảnh: Benchmarks and Babies)

Cách làm nộm từ đu đủ xanh

Nguyên liệu: Một quả đu đủ xanh, nửa củ cà rốt, nửa chén lạc rang giã dập. Gia vị gồm muối, đường, giấm, chanh, tỏi, ớt. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị các loại rau thơm như kinh giới, húng láng, rau mùi.

Cách chế biến: Châm hoặc khứa nhẹ vài lát trên bề mặt quả đu đủ xanh cho nhựa chảy ra bớt, sau đó rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt và nạo thành sợi. Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, nạo sợi.

Cho đu đủ, cà rốt đã bào sợi vào ngâm với nước muối loãng khoảng 30 phút nhằm loại bỏ bớt nhựa và giúp món nộm giòn hơn. Sau đó, bạn vớt đu đủ, cà rốt ra, rửa sạch, vắt ráo nước và gỡ tơi.

Pha sốt trộn nộm: Cho vào bát 1 thìa canh nước cốt chanh, 2 thìa canh giấm trắng, 3 thìa canh đường, 1/2 thìa canh muối; trộn đều cho muối và đường tan hoàn toàn rồi thêm tỏi ớt băm vào.

Tiếp theo, bạn rưới hỗn hợp nước trộn nộm vào đu đủ, cà rốt bào dợi, trộn đều, để khoảng 10 phút cho ngấm gia vị rồi vắt ráo nước, điều chỉnh lại gia vị nếu chưa thực sự vừa miệng. Sau đó, bạn gỡ tơi đu đủ, cà rốt, cho rau thơm, lạc rang vào trộn đều là có món nộm giòn, ngon.

Ngoài lạc rang và rau thơm, bạn có thể bổ sung vào món nộm đu đu xanh các loại "topping" khác theo sở thích như gà xé sợi khô, bò khô...

Theo VTC