Tai tiếng Vpop 2018: Đạo nhạc, kiện tụng, lạm dụng tiêu đề phản cảm

Đằng sau những thành tích là mặt trái của Vpop với lùm xùm liên tiếp nổ ra, từ việc đạo nhạc, ý tưởng tới vấn đề bản quyền âm nhạc và sử dụng tiêu đề, hình ảnh phản cảm.

Thành tích của giới underground, những MV chất lượng quốc tế hay những ca khúc hàng trăm triệu lượt nghe... không thể thay đổi một thực tế rằng Vpop năm qua vẫn còn nhiều tranh cãi, lùm xùm.

Thời gian có thể khiến những ồn ào dần rơi vào quên lãng. Nhưng trước khi lùi vào quá khứ, chúng cũng để lại trong sự nghiệp của người nghệ sĩ những tai tiếng, vết nhơ.

Đạo nhạc: Bất cập muôn thuở

Một vấn đề đã trở thành “truyền thống” của Vpop, đó là: Càng nhiều bài hát được ra mắt, nghi án đạo nhạc càng gia tăng. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, Vpop có ít nhất 4 lùm xùm.

Tổng kết cuối năm, con số tăng lên trên 20 lần. Trong đó có những gương mặt mới và cả ca sĩ nổi tiếng. Ngay tại các cuộc thi âm nhạc, chẳng hạn sân chơi dành cho đối tượng biết sáng tác như Sing My Song cũng có 3 thí sinh vướng ồn ào.

Càng nổi tiếng như Sơn Tùng càng dễ vướng thị phi, chỉ một lần trở lại của anh trong năm 2018 đã kéo theo không ít tai tiếng.

MV Chạy ngay đi được nam ca sĩ phát hành vào tháng 5 do ê-kíp Hàn Quốc thực hiện với hình ảnh, kỹ xảo ấn tượng. Tuy nhiên, khán giả tìm ra điểm tương đồng giữa Chạy ngay đi với các MV Hàn Quốc, đặc biệt là Body của Mino.

Tai tiếng Vpop 2018: Đạo nhạc, kiện tụng, lạm dụng tiêu đề phản cảm-1
Sơn Tùng, Phúc Bồ cùng vướng ồn ào vì sản phẩm giống Body của Mino. Tuy nhiên, Sơn Tùng sớm được thanh minh trong khi Phúc Bồ khiến dư luận tức giận.

Sau đó, thông tin các MV được thực hiện cùng một ê-kíp có tên KOINRUSH đã giải thích tất cả những điểm giống nhau. Điểm chung trong rất nhiều MV do ê-kíp này thực hiện chính là tông màu đỏ đen cùng sự xuất hiện của ly rượu, bật lửa, quân bài...

Tranh cãi nổ ra với những mức độ khác nhau tùy thuộc vào độ giống nhau giữa các sản phẩm, có thể là những nét tương đồng về bối cảnh, cảnh quay trong MV hoặc giai điệu. Giống về giai điệu là mức độ nghiêm trọng khiến cộng đồng bức xúc hơn cả. Nhiều vụ việc làm dấy lên tranh cãi trong cả cộng đồng khán giả quốc tế.

Trong một chương trình, Phúc Bồ có tới 2 lần bị tố đạo nhạc. Hai ca khúc mà anh nhận tự mình sáng tác là Cưa cẩm và Rap binh đoàn hổ lần lượt vướng ồn ào vì giống của Body, Okey Dokey của Mino.

Sự giống nhau không chỉ một đoạn, mà gần như cả bài và rõ ràng đến mức khán giả dễ dàng nhận thấy. Khi tranh cãi nổ ra, Phúc Bồ thừa nhận anh đã nghe ca khúc của Mino để phát triển sản phẩm của riêng mình, do đó bị ảnh hưởng trong quá trình sáng tác.

Tai tiếng Vpop 2018: Đạo nhạc, kiện tụng, lạm dụng tiêu đề phản cảm-2
Vừa trở lại với ca khúc mới, Orange đã vướng ồn ào.

Mới đây, Orange phát hành ca khúc mới là Tình nhân ơi. Không những không thể vượt qua hiệu ứng của Người lạ ơi, ca khúc còn bị nghi đạo nhạc Nước mắt phát hành cách đây 12 năm của nhóm nhạc V4Men. Giải thích vấn đề này, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cho biết lý do nằm ở vòng hòa âm.

"Âm nhạc chỉ có bằng đó vòng hòa thanh mà hàng trăm bài hát ra mỗi năm. Do đó, tôi không dám tự tin rằng bài hát của mình khi ra mắt sẽ không vô tình có một vài điểm tương đồng với ca khúc khác”, anh nói.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm được giới trẻ yêu thích năm qua như Cô gái M52, MV Hey Girl (Monstar), Anh thích thả thính (Troine), Que A Du (Han Sara), Thằng Điên... làm bùng nổ những ồn ào tương tự.

Nam ca sĩ ít nổi Đinh Đại Vũ thậm chí đưa cả cảnh quay trong MV DNA của BTS vào Em muốn cái gì đây. Hay Đừng như thói quen tuy là bản hit nổi tiếng đầu năm nhưng có giai điệu giống hit của Trịnh Thăng Bình. Ngay cả ca sĩ thể hiện là JayKii cũng thừa nhận sự tương tự giữa hai ca khúc.

Bản quyền âm nhạc chưa được giải quyết

Nhiều tháng cuối năm, giới nhạc sĩ liên tục bức xúc tố công ty Sky Music vi phạm bản quyền nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Hoài An, Võ Thiện Thanh, Thế Hiển, Trần Minh Phi,… tức giận khi bị sử dụng tác phẩm trái phép.

Sau quá trình trao đổi với các nhạc sĩ, ngày 19/12, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) quyết định khởi kiện Sky Music, yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng vì vi phạm bản quyền. Theo VCPMC, công ty đã vi phạm bản quyền của 700 tác giả trong nước và quốc tế, 2.000 tác phẩm thuộc VCPMC quản lý.

Trước khi nhờ cậy đến pháp luật, đôi bên đã có nhiều buổi trao đổi trực tiếp nhưng không đạt được kết quả.

Tai tiếng Vpop 2018: Đạo nhạc, kiện tụng, lạm dụng tiêu đề phản cảm-3
Vụ kiện giữa Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Zack Hemsey chưa ngã ngũ.

Cũng vì vấn đề bản quyền, Noo Phước Thịnh dính vào kiện tụng vì MV phát hành từ năm 2017. Vì sử dụng đoạn nhạc trong ca khúc The Way đưa vào Chạm khẽ tim anh một chút thôi, nam ca sĩ bị nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey gửi đơn khởi kiện tới Toà án Nhân dân TP.HCM vì lý do vi phạm bản quyền.

Zack Hemsey yêu cầu phía Noo Phước Thịnh công khai xin lỗi, bồi thường 500 triệu đồng thiệt hại vật chất, 50 triệu đồng thiệt hại tinh thần và 300 triệu chi phí thuê luật sư. Tổng cộng, Noo Phước Thịnh phải chi trả 850 triệu đồng nếu muốn giải quyết dứt điểm vụ việc.

Vào tháng 10, khi vụ kiện gây xôn xao trên truyền thông, Noo Phước Thịnh xuất hiện với vẻ ngoài tiều tuỵ, hốc hác. Nam ca sĩ thừa nhận vụ kiện có ảnh hưởng khá lớn tới cuộc sống cũng như công việc của anh.

Tiêu đề, hình ảnh phản cảm

Như lời đồn do Khắc Hưng sáng tác đã dấy lên cuộc tranh cãi ở Vpop, kéo theo sau là nhiều ca khúc cũng có tiêu đề thiếu văn minh như Thu dẩm, Anh đếch cần gì ngoài em (ra mắt năm 2018) hay trước đó có Xếp hình, Như cái lò…

Dương Cầm từng nói nếu có quyền sẽ cấm ca khúc có tiêu đề phản cảm như Như lời đồn. “Đặt tiêu đề là 'Như lời đồn', tất cả chúng ta đều hiểu là có ngụ ý như thế nào, rõ ràng nó không đẹp. Đây cũng không phải là lần đầu tiên của Khắc Hưng. Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên kích động như vậy. Nó làm mất đi sự đẹp đẽ, trong sáng của âm nhạc”, nhạc sĩ cho biết.

Tai tiếng Vpop 2018: Đạo nhạc, kiện tụng, lạm dụng tiêu đề phản cảm-4
Cả hình ảnh, tiêu đề và ca từ của Như lời đồn đều gây tranh cãi.

Lợi dụng tâm lý tò mò của người nghe, xu hướng đặt hoặc viết tắt tiêu đề kiểu úp mở, thậm chí tương đồng với từ ngữ nhạy cảm đang nở rộ ở Vpop. Như lời đồn từng được ê-kíp quảng bá bằng cách viết tắt NLD, tương tự Hương Tràm khi chuẩn bị tung MV Duyên mình lỡ sử dụng hashtag #DML hay Erik mới đây giới thiệu bài hát Đừng có mơ với từ khoá #DMC.

Trên mạng xã hội, cả DML lẫn DCM thường được dùng như một từ chửi thề có ý nghĩa dung tục. Dư luận chỉ trích việc cố tình dùng tiêu đề viết tắt nhạy cảm để PR sản phẩm là ý tưởng tồi tệ. Họ cũng đặt câu hỏi, phải chăng ê-kíp không tự tin sản phẩm của mình sẽ thành công nên buộc lòng phải quảng bá theo cách đó.

Năm qua, yếu tố nhạy cảm được giới ca sĩ tận dụng từ tiêu đề, ca từ tới phần hình ảnh. Thách thức dư luận, những MV bị đánh giá là có hình ảnh khiêu khích vẫn ra mắt đều đặn, chẳng hạn Như lời đồn hay đỉnh điểm phải kể đến Mời anh vào team em của Chi Pu.

MV ngập tràn những cảnh quay bị đánh giá là có tính gợi dục, mở màn là phân đoạn Chi Pu trong trang phục ren mỏng manh, đưa ngực vào cận mặt nam diễn viên. Tiếp đó, cô lột nội y, bán khỏa thân và ôm một con lợn. Nhiều hành động của cựu hot girl trong MV khiến khán giả liên tưởng đến hành vi tế nhị.

Có thể thấy, giới ca sĩ đang mải chạy theo hiệu ứng viral trên mạng xã hội bằng những chiêu trò truyền thông không mấy tích cực. Nhưng, kết quả cho thấy, cách làm này chỉ mang lại tai tiếng, tranh cãi. Và sự ghi nhận của khán giả hay những thành tích nổi bật trên bảng xếp hạng phải phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm.

Theo Zing


đạo nhạc Vpop phản cảm

Tin tức mới nhất