Từ hồi còn học tiểu học, tôi đã về ở cùng ông bà ngoại vì bố mẹ ly hôn. Tôi biết mình chẳng phải một đứa con may mắn, nhưng lại là một đứa cháu hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ông bà.

Ngày ấy, tôi ngại ngùng, ít nói ít cười. Nét lo lắng luôn hiện lên trên gương mặt tôi. Tôi thường bị ám ảnh bởi những trận xô xát hay cãi vã của bố mẹ.

Khi ở cùng ông bà, mọi chuyện đã được thay đổi ít nhiều. Tuy lớn tuổi nhưng ông bà ngoại dành hết tình cảm, thời gian của mình để chăm sóc tôi. Mỗi sáng, ông tôi thường dậy trước, pha nước rồi gọi tôi dậy sau. Bà thì dậy từ sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho tôi. Nhìn dáng bà tất tả quay đi sau khi thấy tôi vào lớp học, tôi thấy thương bà quá.

Tôi không chơi với trẻ xung quanh, thường tôi chỉ thích đọc sách và nghe ông kể chuyện cổ tích. Tôi nhớ nhất là lần ông kể chuyện cô bé bán diêm. Tôi khóc nhiều. Rồi nằng nặc bắt ông phải sửa kết truyện cho bé em được ăn giáng sinh với cả nhà. Ông cười hiền vuốt tóc tôi.

Tết đến con lại nhớ ông bà

Ông bà hiền lắm, nhưng mỗi khi tôi phạm lỗi cũng rất nghiêm khắc. Ông bà không muốn vì tôi không được sống cùng bố mẹ mà trở thành đứa trẻ hư nên luôn tạo cho tôi những thói quen tốt.

Một thời gian sau, mẹ tôi về ở cùng ông bà để chăm sóc cho tôi. Cũng khoảng thời gian ấy, ông tôi phát hiện bị bệnh nặng. Ông chịu đựng những cơn đau vật vã, những lần đi tiêm, những lần xét nghiệm với đủ loại ống kim tiêm cắm đầy chi chít tay. Tôi thường len lén đến bên giường ông, nắn nắn đôi tay ông đỡ mỏi. Đôi tay ấy giờ đây gầy và yếu vô cùng.

Một buổi chiều buồn, ông tôi đã ra đi. Ông đến một nơi sẽ không còn phải chịu đau đớn vì bệnh tật. Rồi bà tôi cũng già, bà bảo muốn được ở cạnh để chăm sóc ông.

Bây giờ, mỗi dịp sắp Tết tôi lại nhớ ông bà. Nhớ ông bà tự tay lau chùi bàn thờ, sai tôi đem bộ lư đồng và chân đèn đi đánh bóng. Nhớ mỗi sáng mùng một, ông bà mừng tuổi cho tôi bằng hai phong bao đỏ. Nhớ những lúc đi sắm cành mai cùng ông, đi chợ Tết phụ bà đem dưa hấu, bánh chưng về nhà.

Tết đang đến gần, còn ông bà tôi đâu?

Theo Blog radio