Những ngày gần Tết Nguyên đán, Trần Anh Tim gọi điện về quê cho mẹ nhiều hơn. Tuy nhiên, anh không lần nào dám giữ máy quá 2 phút bởi chỉ cần “dông dài” thêm mấy câu, mẹ sẽ hỏi ngay sang chuyện yêu đương, lấy vợ.

“Năm nay mình 30 tuổi, hầu hết bạn bè cùng trang lứa đã cưới xin, sinh con từ khá lâu. Mỗi dịp Tết mình về nhà, mẹ sốt ruột nên càng gây áp lực, tìm cách để giới thiệu, mai mối”, Tim thở dài chia sẻ.

Chờ con về Tết để hỏi chuyện yêu đương

Theo Tim, hiện tại anh còn độc thân, cũng chưa có duyên gặp được người phù hợp. Trước đây, mỗi lần gia đình nhắc nhở về việc hẹn hò, anh đều cố gắng giải thích, động viên để làm yên lòng bố mẹ.

Nhưng giờ đây, khi tần suất bị hối thúc càng tăng lên, anh không biết làm gì hơn ngoài việc “vâng, dạ” cho qua rồi đánh trống lảng sang chủ đề khác.

Mình về nhà đón Tết, mẹ liền khuyên ngay rằng phải nhanh chóng có người yêu. Những ngày trong Tết, khi họ hàng đến thăm nhà, mình chắc chắn sẽ phải nghe thêm nhiều lời giục giã như vậy”, Tim nói.

Tết về nhà, ngại nhất bố mẹ giục yêu đương-1
Anh Tim không dám gọi điện cho mẹ lâu vì sợ bị hỏi chuyện yêu đương, lấy vợ.

Tương tự Anh Tim, Nguyễn Bảo Trân (24 tuổi), một cô gái chỉ mới tốt nghiệp đại học và đi làm khoảng một năm, cũng liên tục bị bố mẹ nhắc nhở chuyện yêu đương khi về nhà ăn Tết.

Sau thời gian làm việc tại TP.HCM, Trân trở về Hà Nội đoàn viên cùng gia đình, vui vẻ kể về công việc và những thành tựu mà mình đạt được nơi đất khách.

Nhưng trái với kỳ vọng của Trân, bố mẹ cô không mấy hào hứng. Cả nhà khuyên cô nên trở về làm việc gần nhà và nhanh chóng lấy chồng để “ổn định”.

“Dịp cuối năm sum họp gia đình, mình chỉ muốn bố mẹ nhìn nhận thành quả đi làm của bản thân. Nhưng mẹ mình lại nói ‘con gái bươn chải để làm gì, sớm hẹn hò rồi lấy chồng cho nhàn thân’. Mình cảm giác với bố mẹ, những cố gắng của mình không bằng một đứa con trai từ đâu rơi xuống”, Trân tâm sự.

Sau nhiều lần nghe bố mẹ, người thân hỏi sâu về chuyện tình cảm, Trân quyết định kiếm lý do để ra đường vui chơi. Cô liên tục hẹn bạn bè đi cafe, mua sắm,... chỉ về nhà vào các bữa cơm hoặc khi giờ đã muộn.

Mẹ không thẳng thừng giục mình phải lấy chồng sớm, nhưng hay nói bóng gió hoặc giới thiệu cho mình con trai của một số người quen. Mình mới ra trường, đi làm một thời gian ngắn, nghe chuyện lập gia đình thật sự rất áp lực”, Trân cho hay.

Tết về nhà, ngại nhất bố mẹ giục yêu đương-2
Những câu hỏi dồn dập về việc hẹn hò, cưới xin ngày Tết khiến người trẻ mệt mỏi. Ảnh: Phạm Thắng.

Phải làm thế nào?

Tháng 5/2020, Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" nhấn mạnh việc khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi.

Theo đó, quyết định chỉ ra cần hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…

Quyết định nêu trên mới được phê duyệt vào năm 2020, thế nhưng tâm lý muốn con cái sớm lập gia đình, sinh con đẻ cái từ lâu đã ăn sâu vào tư tưởng của rất nhiều bậc phụ huynh lớn tuổi.

Tết về nhà, ngại nhất bố mẹ giục yêu đương-3
Khánh Linh áp lực khi bị bố mẹ giục giã yêu đương.

“Nhìn con nhà người ta đã yên ổn gia thất, nhìn sang con mình mà xót hết cả ruột”, đó là lời giục giã quen thuộc mà bố thường nói với Nguyễn Khánh Linh (23 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội).

Cận kề Tết Nguyên đán, Linh càng nghe nhiều hơn những lời nhắc nhở như vậy. Cô hứa rằng năm 27 tuổi sẽ lấy chồng, thế nhưng vẫn không đủ khiến bố mẹ yên tâm.

“Mình không ế, thậm chí có khá nhiều người theo đuổi. Nhưng cũng chính vì vậy mà bố mẹ cho rằng mình chỉ yêu cho vui, không nghiêm túc nên càng lo lắng hơn”, Linh cho biết.

Trên Channel News Asia, nhà tâm lý học lâm sàng Vyda S Chai của Think Psychological Services (Singapore), cho biết người trẻ có thể đối mặt với những tình huống khó xử khi gặp mặt phụ huynh, họ hàng vào ngày Tết, đặc biệt khi liên quan đến chuyện tình yêu cá nhân.

Những câu hỏi từ người lớn khiến người trẻ không mấy vui vẻ, nhưng rất khó để né tránh hoặc kiểm soát cảm xúc của mình.

Tuy vậy, vẫn có một số cách giúp các bạn trẻ có thể đề phòng, ứng xử.

Gặp mặt ngắn hơn:

Theo bà Chai, người trẻ không nên "trốn" những buổi ăn uống, gặp mặt bởi điều này có thể khiến các mối quan hệ gia đình trở nên tồi tệ.

Nhưng thay vào đó, họ có thể lên kế hoạch về việc mình sẽ tham gia buổi tiệc trong bao lâu. Những cuộc gặp ngắn sẽ phần nào giúp bạn tránh được các câu hỏi quá sâu về đời sống riêng tư.

Thiết lập ranh giới:

Theo chuyên gia tâm lý, nếu bạn không muốn bố mẹ, người thân gây áp lực về việc kết hôn, hãy nói ra điều này một cách rõ ràng, phải phép.

“Khi bạn thiết lập trước ranh giới cho riêng mình, bạn sẽ dễ dàng nói ‘không’ khi ai đó đặt ra câu hỏi nhạy cảm. Ví dụ, khi một người họ hàng hỏi bạn về vấn đề hôn nhân, bạn có thể tự tin từ chối trả lời bởi trước đó đã vạch ra ranh giới”, bà nói.

Nếu người thân vẫn phớt lờ?

Bà Chai cũng lưu ý việc đặt ra ranh giới với phụ huynh sẽ đi đôi với hậu quả. Một số người lớn vẫn sẽ kiên quyết hỏi đến cùng về chuyện hôn nhân, không dừng lại mặc cho bạn né tránh.

“Những lúc như thế, hãy đứng lên và tìm cách rời khỏi phòng một cách lễ phép”, bà khuyên.

Theo bà, sự rời đi lịch sự nhưng kiên quyết sẽ giúp bạn thể hiện thái độ của mình. Tuy nhiên, biện pháp này cần sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, mỗi người cần nghĩ ra cách linh hoạt để rời bỏ cuộc hội thoại.

Tết về nhà, ngại nhất bố mẹ giục yêu đương-4
Việc né tránh những câu hỏi khó xử của bố mẹ, họ hàng vào ngày Tết là điều không dễ. Ảnh: Phạm Thắng.

Duy trì khoảng cách mối quan hệ

Bà Chai cho biết trong một số trường hợp, việc ít chia sẻ, kể chuyện với người thân, họ hàng sẽ giúp bạn tránh được những câu hỏi đào sâu vào cuộc sống riêng tư.

Chiến thuật gìn giữ hòa bình

Một cách khác để xoa dịu các tình huống khó xử là đánh lạc hướng và thay đổi chủ đề.

Ví dụ, khi gặp phải câu hỏi không muốn trả lời, bạn hãy nói sang một chuyện khác hoặc khen món ăn ngon. Ngoài ra, bạn cũng có thể rủ các thành viên trong gia đình sang một phòng khác để chơi bài, hát karaoke hoặc đứng lên giúp đỡ ai đó làm việc.

Hành động này sẽ làm người hỏi hiểu được lời nói của mình không được hoan nghênh.

Quản lý kỳ vọng

Sau cùng, dù đã làm cách nào, bạn cũng cần thừa nhận rằng có một số thành viên trong gia đình mình không thể thay đổi quan điểm. Họ vẫn sẽ đặt các câu hỏi gây khó, thúc giục chuyện yêu đương hoặc yêu cầu con mình kết hôn.

Bạn nên chấp nhận người thân mình như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận không có nghĩa là nghe theo, đồng tình.

“Bạn sẽ không thể kiểm soát người thân, nhưng bạn có thể kiểm soát mức độ ảnh hưởng của họ đối với tương lai của mình. Bạn có thể lắng nghe lời khuyên của cha mẹ, tham khảo điều đó cho quyết định riêng”, bà Chai cho hay.

Theo Zing