Tết không chỉ là đón chào năm mới mà còn là dịp để sum vầy, quây quần bên gia đình. Với những nàng dâu lấy chồng xa nhà lại càng mong ngóng được về với bố mẹ sau bao ngày xa cách. Tuy nhiên không phải ai cũng được chào đón, như trường hợp của cô gái dưới đây.

Chia sẻ câu chuyện của mình trong một hội nhóm, cô cho hay đã làm dâu được 4 năm, năm nào cũng ăn Tết nhà chồng.

Mỗi năm cô chỉ tranh thủ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 để về thăm bố mẹ 1 lần. Còn lại, sẽ về thăm bố mẹ chồng khoảng 3, 4 lần lễ Tết.

Về nhà ăn Tết, cô gái sững người khi bị bố đẻ nói lời ruồng bỏ-1

Năm nay dịch bệnh phức tạp, cả năm mới về nhà chồng được 2 lần, còn nhà mẹ đẻ thì chưa lần nào.

Bố mẹ chồng cũng hiểu điều đó nên bảo cô: “Thôi năm nay con T về nhà mẹ đẻ mà ăn Tết, một mình chồng mày về nhà với ba mẹ là được rồi. Đi cả năm không về chắc ông bà bên ấy cũng trông lắm”.

Nghe vậy cô mừng lắm, vội gọi điện báo cho mẹ. Hai mẹ con cũng lên kế hoạch biết bao nhiêu thứ mua sắm, ăn uống. Thế nhưng đùng một cái, mọi thứ thay đổi từ cuộc gọi từ người bố.

"Câu đầu tiên bố nói với mình là 'Mày mà về đây, tao phang chết'.

Mình chưa kịp hiểu gì, sau đó nghe ông giảng đạo lý: 'Thằng K là con trai một bên đó, nhà nó có mỗi mình nó là con trai, mày là con dâu, Tết nhất không ở nhà chồng lo phụ nhà chồng dọn dẹp này nọ, cứ hở ra là đòi về ngoại. Mày như thế mẹ chồng lại đâm ra ghét bỏ, sau này có muốn sống tốt cũng không được đâu con ạ'.

Và bố mình nói suốt 20 phút đồng hồ những cái đạo lý từ thuở xưa ơi là xưa… Chuyện đạo làm dâu, tam tòng tứ đức,…".

Cô biết tính bố mình gia trưởng, những điểu ông nói cũng chỉ muốn tốt cho con, để đỡ khó xử với nhà chồng. Thế nhưng mỗi năm được một dịp Tết, mẹ mong, em mong, cô cũng chỉ muốn được về nhà mẹ đẻ cho thoải mái.

"Cảm giác ở nhà mình nó sung sướng như thế nào. Sung sướng ở đây không phải về vật chất hay nhàn hạ, vì về nhà mẹ đẻ thì cũng phải quét tước dọn dẹp, làm mâm làm cỗ cả thôi. Mà cảm giác sướng ở đây là về mặt tinh thần ấy.

Dù cho có làm sai cái gì, bị mẹ mắng thì vẫn có thể nhe răng cười hi hi, mẹ cũng chẳng giận lâu. Nhưng về nhà chồng làm bát nước mắm cũng phải để ý xem mình cắt ớt như vậy đã đúng chưa.

Nghĩ năm nay bố mẹ cũng ngoài 60 rồi, nếu ông bà sống thọ đến 80 tuổi, thì mình chỉ được gặp ông bà chưa đến 20 lần nữa mà thôi… Và chẳng lẽ mình sẽ không còn được ăn cái Tết nào cùng bố mẹ nữa?".

Cô cũng cho hay, hoàn cảnh hai vợ chồng cũng không dư dả. Nếu ăn Tết bên nhà nội trước rồi về nhà ngoại thì rất tốn kém tiền di chuyển, đi lại.

Vợ chồng làm việc ở Sài Gòn, quê vợ ở ngoài Bắc, quê chồng ở miền Tây. Hơn nữa, chồng cô là con trưởng nên cũng tốn khá nhiều tiền sắm Tết cho gia đình.

"Chồng mình bảo cứ về đi, bố bảo thế chứ về rồi thì bố không đuổi đi đâu. Nhưng bố mình tính cách như nào mình biết chứ. 

Ngày trước chị gái mình lỡ có bầu trước khi cưới mà bố mình cắt tên chị ra khỏi gia phả, lập bàn thờ coi như chị đã chết. Tết nhất được mấy ngày vui vẻ, nếu mình cứ cố chấp về, chỉ sợ trong nhà gà bay chó sủa, không khí lại u ám nặng nề".

Về nhà ăn Tết, cô gái sững người khi bị bố đẻ nói lời ruồng bỏ-2

Bài viết sau khi đăng tải đã gây xôn xao cư dân mạng. Nhiều người bất bình với người cha gia trưởng, quá máy móc mà không nghĩ đến cảm xúc của con gái. Trong khi chính phía nhà chồng cũng muốn con dâu về nhà mẹ đẻ ăn Tết chứ không phải nặng nề hay cấm cản gì.

Tuy nhiên, một số lại đứng về phía bố cô nàng, cho rằng ông làm tất cả cũng chỉ vì thương con, không muốn con sống khổ sở với nhà chồng.

Cư dân mạng cũng đã đưa ra những giải pháp trong tình huống éo le này, đồng thời khuyên cô vẫn về ăn Tết với bố mẹ đẻ, vì dù sao, cũng chẳng mấy khi có dịp như vậy.

- "Thời nào rồi mà còn đặt nặng vấn đề cổ hủ như thế không hiểu nổi, chỉ khổ con khổ cháu mình vì những suy nghĩ áp đặt như vậy"

- Theo mình, bạn bảo chồng gọi điện nói chuyện với bố. Bố bạn chỉ lo bạn về thì nhà chồng bạn không thích thôi, chứ bố mẹ nào cũng mong con về"

- "Mình không rơi vào hoàn cảnh nhà ngoại như bạn nhưng đọc đến đoạn cắt ớt thấy đồng cảm quá. Mình cũng đã có thời gian áp lực tương tự vậy, đi đứng thôi cũng phải để ý từng bước chân. Ngột ngạt kinh khủng".

- "Ôi sống thoải mái đi bạn ơi, chắc gì người ta đã khó hay bạn lại tự gán mác khó lên người ta. Chính bạn đang trói buộc một số tư tưởng lên người bạn đấy"

- "Sợ mấy người cổ hủ, gia trưởng thật! Thế kỉ bao nhiêu rồi mà còn không tân tiến lên"

Lem
Theo Vietnamnet