Những ngày mùa hè oi ả, có một bát thạch đen (người miền Nam còn gọi là sương sáo) mát lạnh, sảng khoái thì chẳng còn gì bằng. Đây là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc cũng như cách người ta làm ra thạch đen như thế nào.

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-1
Thạch đen là món ăn yêu thích trong những ngày nóng nực. (Ảnh minh họa)

Thạch đen được tạo ra từ loại cây cùng tên, được trồng rất nhiều ở vùng như Tràng Định (Lạng Sơn), Thạch An (Cao Bằng),  Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Bình Minh (Vĩnh Long)…

Theo kết quả nghiên cứu, thạch đen trồng ở Tràng Định cho chất lượng tốt nhất so với những nơi còn lại.

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-2
Cây thạch đen mà nhiều người không biết. (Ảnh minh họa)

Trong khoa học, thạch đen có tên là Mesona Chinensis Benth. Đây là cây thân thảo, cao 40 - 60cm, thân 4 cạnh, phân nhánh nhiều, tỏa ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Nhiều người thường nhầm thạch đen là cây dại vì chưa từng nhìn thấy ở ngoài bao giờ.

Thông thường, người dân vùng cao sẽ thu hoạch thạch đen sau 4 tháng chăm sóc, khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn.

Cây được cắt sát gốc, bó lại thành từng bó rồi đem đi phơi khô. Khi nào muốn ăn, người ta sẽ đem lá thạch đen đi nấu với nước trong 3 - 4 tiếng cho nhừ hẳn, sau đó đem ra vò, lọc đi lọc lại lấy nước trong rồi đun sôi.

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-3
Nông dân thu hoạch thạch đen. (Ảnh minh họa)

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-4
Thạch đen được đem phơi khô và bó thành từng bó thế này. (Ảnh: K.T)

Khi nước thạch đen sôi, đầu bếp sẽ cho thêm một ít đường để tạo vị ngọt. Sau đó hạ nhỏ lửa liu riu, rồi từ từ cho bột năng vào khuấy đều. Một số gia đình còn bỏ thêm nước tro (hòa từ tro rơm rạ) để thạch đen nhanh đông và giòn hơn.

Sau khoảng 30 - 45 phút khuấy đều tay, thạch đen được đổ vào khuôn, chờ nguội thì đem đi ủ lạnh.

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-5
Nước thạch đen được đun sôi rồi đem đi đổ vào khuôn. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình chế biến, người đầu bếp không thêm bất kỳ phụ gia nào khác, từ chất bảo quản đến màu thực phẩm. Vì thế, thạch đen được làm thủ công hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe.

Thế nhưng cũng vì đặc điểm này, món đặc sản của Lạng Sơn chỉ nên được bảo quản trong 3 - 5 ngày trong tủ lạnh.

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-6
Thạch được làm thủ công hoàn toàn. (Ảnh: minh họa)

Thạch đen mềm, giòn, đen bóng, ăn vào có vị thơm nhẹ, thanh mát. Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà bạn có thể ăn thạch riêng hoặc kết hợp với sữa tươi, sữa chua, nước cốt dừa, làm topping trong các món chè, tào phớ, sữa đậu...

Đây là món ăn vừa ngon vừa mát, có công dụng mát gan, thanh nhiệt, nhuận tràng, trị cảm mạo, hỗ trợ người bị tiểu đường, ổn định huyết áp, chống lão hóa.

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-7
Thạch đen được kết hợp với nhiều nguyên liệu, tạo thành món ăn giải khát. (Ảnh minh họa)

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-8

Thạch đen được làm từ loại cây này, có người còn nhầm là cây dại-9

Theo VTC