Tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, số ca mắc mỗi ngày tăng nhanh theo cấp số nhân, nhiều người tử vong, nhà hỏa táng hoạt động hết công suất khi mỗi ngày tiếp nhận hàng chục thi thể bệnh nhân Covid-19.
Ấn Độ đang dần rơi vào cảnh thiếu thốn, người dân trải qua nhiều mất mát đau khổ khi phải tận mắt chứng kiến người thân từng người ra đi mà không thể làm gì.
Tình trạng thiếu oxy ở Ấn Độ khiến người dân phải cầu xin sự giúp đỡ. Nguồn Sky News
Bi kịch chồng chất bi kịch
Đầu tuần trước, anh Vishwaroop Sharma (22 tuổi, đang là sinh viên) đã chở người cha mắc Covid-19 trong tình trạng nguy kịch đến một bệnh viện ở thủ đô New Delhi.
Vào thời điểm đó, bệnh viện không còn giường bệnh cũng như bình dưỡng khí cho bệnh nhân nên hai cha con anh buộc phải đợi ở bên ngoài. Cuối cùng, cha anh Sharma không đủ sức trụ được nữa. Ông trút hơi thở cuối cùng trên tay anh.
"Họ chẳng cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và cha cứ như vậy mà qua đời ngay trước mắt tôi, ngay trên tay tôi", Sharma nói với CNN.
Những ngày qua, các lò hỏa táng tại Ấn Độ đã hoạt động hết công suất
Chưa nguôi nỗi đau mất cha, khi trở về nhà, anh Sharma thấy mẹ mình cũng nhiễm Covid-19, bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó thở. Lần này, anh Sharma quyết định bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đối với gia đình anh để mua bình oxy từ chợ đen cho mẹ.
Sharma kiên trì đưa mẹ đi khắp các bệnh viện trong vài ngày, cho đến khi tìm được cho bà một giường trống ở cách nhà 100km. "Tôi thực sự đã bất lực hoàn toàn. Tôi sợ lắm, tôi đã vô cùng kinh hãi. Tôi không muốn mất cả cha lẫn mẹ. Nếu không còn mẹ, tôi sẽ chẳng thể nào sống tiếp", anh Sharma cho hay.
Ông Harsh Mander, nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền ở Ấn Độ, lên tiếng chỉ trích rằng đất nước rơi vào tình trạng thiếu hụt đặc biệt nghiêm trọng dù đã có nhiều thời gian để chuẩn bị.
“Người ta đã có cả năm để làm việc đó... Và đột nhiên chúng tôi phát hiện ra tình trạng thiếu hụt thực sự nghiêm trọng này xảy ra trên khắp đất nước. Khi người ta bắt đầu tìm kiếm nguồn thuốc men, thiết bị y tế thì mới bàng hoàng nhận ra rằng các đơn hàng không hề được đặt từ trước", ông Harsh Mander nói.
Nhiều người bệnh phải nằm ngoài chờ vì không có giường bệnh
Cũng theo lời ông Harsh Mander, bi kịch và sự tuyệt vọng của người dân lúc này rất có thể sẽ để lại rạn nứt sâu sắc giữa công chúng và Chính phủ kể cả sau khi đại dịch dịu xuống.
“Nhiều thứ đã đổ vỡ vào năm ngoái, một trong số đó là sự tin tưởng. Những người dân nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của Ấn Độ từng tin rằng khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ, họ sẽ được chính phủ và những người sử dụng lao động bảo vệ. Niềm tin đó hoàn toàn tan vỡ... Không có cách nào khác là phải tự lo cho chính mình", ông Mander phân tích.
Dân chúng cảm thấy bị bỏ rơi, nằm thoi thóp ngoài đường
Mới đây, mở đầu trong bài viết phản ánh khủng hoảng của Ấn Độ trên tờ tin tức Sky News, phóng viên Alex Crawford có viết: "Có tiếng la hét. Có lời cầu xin. Có tiếng khóc. Và có cái chết". Qua đây có thể thấy làn sóng Covid-19 đang hoành hành tại Ấn Độ vô cùng hung hãn khiến cả hệ thống y tế sụp đổ, trở tay không kịp.
"Hàng chục phương tiện chen chúc nhau trên một con đường hẹp bên ngoài một ngôi đền của đạo Sikh ở phía Đông thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Tất cả họ đều là những người rất yếu hoặc sắp chết đang tuyệt vọng để được cung cấp oxy.
Gần như chắc chắn, hầu hết họ lẽ ra nên ở trong bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa chữa trị. Vậy mà thay vào đó, họ phải vật vã nương nhờ vào những bình oxy (số lượng có hạn) do một tổ chức từ thiện của người Sikh cung cấp miễn phí", Alex Crawford mô tả thực tế tình hình tại Ấn Độ thời điểm này.
Vì không có giường bệnh nên băng ghế xe hơi hay phía sau xe tuktuk là nơi các bệnh nhân nằm chờ
Do người bệnh không còn sức lực để đứng dậy đi nên nhiều người khi đến nhận oxy miễn phí phải nằm trên băng ghế sau xe hơi, hoặc ở phía sau một chiếc xe tuktuk (xe 3 bánh). Thậm chí một vài người đã bất tỉnh, trong khi những người khác đang cúi xuống, cố gắng thở.
Đây không phải là địa điểm cấp cứu hay chữa trị Covid-19 của một bệnh viện nào đó. Nó cũng không phải là một điểm cung cấp oxy chính thức do chính phủ tổ chức. Đây là một hoạt động tự nguyện do tổ chức từ thiện Sikh Khalsa Help International điều hành.
Bà Siddiqui Ahmad đã đưa con trai 32 tuổi Abu Sadat đi khắp các bệnh viện để cầu xin được chữa trị và cung cấp bình oxy. "Tất cả mọi nơi đều quay lưng với chúng tôi, không ai giúp đỡ chúng tôi cả".
Không chỉ riêng gia đình bà Siddiqui Ahmad mà rất nhiều người dân Ấn Độ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ dần cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, không biết phải đi về đâu khi sức khỏe không còn đủ để tiếp tục đi.
Bệnh viện rút ống thở của bệnh nhân già để cứu người trẻ
Sau khi được gia đình các bệnh nhân đồng ý, bác sĩ tại Bệnh viện Gorakhpur (Ấn Độ) đã quyết định rút máy thở của các bệnh nhan lớn tuổi mắc Covid-19 nặng để cứu những người bệnh trẻ và bị bệnh nhẹ hơn.
Chia sẻ trên nhật báo Indian Express, tiến sĩ Manoj Yadav, chủ sở hữu Bệnh viện Gorakhpur cho biết: "Tình trạng của cả 3 bệnh nhân này không hề tiến triển trong suốt tuần qua, họ phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và tổn thương phổi lên đến 90%, hầu như không còn hi vọng cứu chữa. Do đó, chúng tôi đã trao đổi với gia đình để nhường cơ hội cho những bệnh nhân khác".
Đối với Bệnh viện Gorakhpur, sự hi sinh và đồng cảm của người nhà với các bệnh nhân khác là điều vô cùng quý giá.
Bình oxy trở thành thứ "hàng hóa" xa xỉ nhất tại Ấn Độ thời điểm này
"Tình trạng thiếu hụt oxy ở Gorakhpur đang rất trầm trọng. Người nhà bệnh nhân đã chờ hàng giờ ngoài kia để được nạp oxy, nhưng oxy tại các kho dự trữ của bệnh viện hiện còn rất ít", bác sĩ Yadav nói.
Việc thiếu hụt oxy khiến nhiều người nhà bệnh nhân trở nên tuyệt vọng, họ buộc phải tìm đến chợ đen mua một bình oxy 50 lít với giá 50.000 rupee (khoảng 15 triệu đồng), đắt gấp 10 lần so với bình thường. Sự tuyệt vọng trong đại dịch biến dân thường thành mồi ngon cho những kẻ bất lương ở chợ đen.
Ghi nhận của đài NBC News, không chỉ thiếu oxy mà hầu hết các bệnh viện tại nhiều thành phố của Ấn Độ không còn cả giường bệnh.
"Tôi đã đưa em trai đi khắp 12 bệnh viện nhưng đều bị từ chối, tôi thậm chí còn cầu xin họ cho em tôi nằm trên sàn thôi cũng được, nhưng câu trả lời vẫn là không" - đài BBC dẫn lời anh Ujwala Dupare, người nhà một bệnh nhân mắc Covid-19 tại thành phố Chandrapur.
HT (tổng hợp)
Theo Vietnamnet