14/4 là một ngày trọng đại tại Ấn Độ, năm mới theo tôn giáo của người theo đạo Hindu và đạo Sikh. Còn với người Hồi giáo, đó cũng là ngày đầu tiên của tháng ăn chay Ramadan. Khắp nơi trên đất nước, người dân tụ tập cùng nhau ăn mừng và tổ chức lễ hội.
Ở thị trấn Haridwar, nơi tổ chức lễ hội Kumbh Mela của năm nay, khoảng 3 triệu người chen lấn, xô đẩy tham gia các nghi thức tôn giáo. Họ cùng nhau ngâm mình dưới dòng nước của sông Hằng, một nghi lễ không thể thiếu trong ngày đầu năm.
Những lễ hội với hàng nghìn, hàng triệu người tham gia như vậy, đã ươm mầm cho thảm kịch y tế đang càn quét khắp Ấn Độ.
Các thi thể chờ được đưa vào lò hỏa táng ở New Delhi hôm 20/4. Ảnh: AP.
Hậu quả nhãn tiền cho thế giới
Ngày 14/4 là lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên cả nước vượt 200.000 trong một ngày. Số người nhiễm bệnh liên tục tăng nhanh. Chỉ trong một tuần, số ca mới mỗi ngày đã chạm ngưỡng 315.000, phá kỷ lục thế giới.
Người chết vì dịch bệnh cũng theo đà tăng nhanh, nhiều ý kiến hoài nghi dữ liệu chính thức của chính quyền chỉ phản ánh một phần rất nhỏ diễn biến dịch bệnh thực tế. Những nghi ngờ ấy có lý, nếu xét tới vô số điểm hỏa thiêu tạm thời ngay trên hè đường các thành phố lớn.
Dữ liệu từ các cơ sở hỏa táng và truyền thông địa phương cho thấy những bằng chứng xác thực hiện tượng dữ liệu người tử vong vì Covid-19 thấp hơn nhiều lần so với số thi thể được hỏa táng do mắc dịch bệnh.
Làn sóng dịch bệnh khủng khiếp không chỉ đang càn quét Ấn Độ, nó còn là thảm họa cho toàn thế giới. Khi virus lây lan không kiểm soát, nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm sẽ tăng lên.
Một biến chủng đáng lo ngại đã được phát hiện ở Ấn Độ mang theo "đột biến kép" B.1.617. Biến chủng này tới nay đã lây lan sang nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngay trong lúc này, khi các nhà khoa học đang tìm hiểu biến chủng B.1.617 nguy hiểm tới mức nào, nhiều khả năng các biến chủng khác đã tiếp tục xuất hiện.
Hậu quả ngay tức khắc mà làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Ấn Độ tạo ra cho phần còn lại của thế giới là gián đoạn nguồn cung vaccine.
Ấn Độ từng được kỳ vọng sẽ trở thành xưởng thuốc của thế giới. Nhưng khi số ca mắc bệnh bùng nổ, chính phủ nước này đã siết chặt xuất khẩu vaccine.
Trong nửa đầu tháng 4, Ấn Độ mới chỉ phân phối 1,2 triệu liều vaccine cho nước ngoài, so với 64 triệu liều trong giai đoạn 3 tháng trước.
Tập đoàn dược phẩm Serum Institute, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca tại Ấn Độ, đã lỡ hẹn giao vaccine cho Anh, EU, chương trình COVAX của WHO, cũng như các khách hàng châu Phi.
"Trừ khi làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Ấn Độ nhanh chóng được kiểm soát, nếu không cả thế giới sẽ phải trả giá", tờ Economist bình luận.
Ấn Độ sai lầm như thế nào?
Với những siêu đô thị đông đúc và hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn, không dễ kiềm chế dịch bệnh một khi virus đã bùng phát.
Vài tháng trước, một số khu vực tại Ấn Độ vẫn được coi là khá thành công khi ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Số ca tử vong trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên thấp một cách đáng ngạc nhiên, nếu so với các ổ dịch lớn khác trên thế giới như Mỹ và Brazil.
Cho tới đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ vẫn duy trì được thành tích không đến nỗi thảm họa trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng khi tình hình vừa được cải thiện, New Delhi đã quá chủ quan, khiến dịch bệnh một lần nữa bùng lên, và lần này vượt ngoài tầm kiểm soát.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ "không chỉ giải quyết vấn đề của mình mà còn giúp thế giới chiến thắng đại dịch".
Đầu tháng 3, thay vì có biện pháp trợ giúp thiết thực, chính quyền của ông Modi công kích bang Maharashtra, nơi do đảng đối lập NCP điều hành, khi số ca mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại.
Các lò hỏa táng hoạt động không ngừng nghỉ ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở West Bengal, ông Modi và các cộng sự đã tổ chức vô số cuộc vận động cử tri, thu hút hàng nghìn người tham dự. Những chiến dịch vận động này hoàn toàn không tuân thủ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang bắt buộc hay giãn cách xã hội.
Không chỉ làm virus lây lan mạnh hơn, những cuộc vận động cử tri khiến các thành viên chính phủ của ông Modi xao nhãng nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh. Một trong các thân tín của Thủ tướng Modi, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, tham gia một chuỗi các sự kiện vận động kéo dài 12 ngày đầu tháng 4.
Điều đó có lẽ phần nào lý giải vì sao chính sách tiêm chủng của New Delhi bị chỉ trích là "lộn xộn".
Tới giữa tháng 2, Ấn Độ đã đặt hàng đủ vaccine để tiêm chủng cho 3% dân số. Với tham vọng thúc đẩy sức mạnh khoa học quốc gia, nhà chức trách phê chuẩn Covaxin, một loại vaccine do Ấn Độ phát triển, trước khi loại vaccine này vượt qua tất cả quy trình thử nghiệm cần thiết.
Đến nay, chưa đến 10% dân số Ấn Độ được nhận ít nhất một liều vaccine, con số được miêu tả là gây thất vọng trong bối cảnh nước này là nhà sản xuất vaccine lớn và đã được chuyển giao công nghệ sản xuất.
Tình trạng thiếu hụt vaccine hiện đã xuất hiện ở phần lớn khu vực trên cả nước. Nhiều bang đã cạn kiệt nguồn cung vaccine. Tốc độ tiêm chủng ở Ấn Độ hiện là 3 triệu người/ngày, tương đương 0,2% dân số.
Một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi nguồn vaccine có được bổ sung, làn sóng dịch bệnh lúc này đã quá nghiêm trọng và không thể bị ngăn chặn chỉ bằng tiêm chủng.
Thủ tướng Modi đang đứng sức ép phải thay đổi cách ứng phó với dịch bệnh, siết chặt các sự kiện tập trung đông người, trong đó có những lễ hội tôn giáo của người Hindu, lực lượng cử tri nòng cốt của ông.
Ngoài ra, New Delhi cũng đối mặt yêu cầu hạn chế di chuyển của người dân để tránh virus tiếp tục lây lan, đồng thời loại bỏ các quan chức từng tuyên bố "nước tiểu của bò có thể chữa Covid-19".
Theo Zing