Tiền mất, tật mang vì bán thận để mưu sinh
Ở Philippine, tình trạng buôn bán thận đã trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay.
Nhiều người dân nghèo ở khu ổ chuột Baseco, Manila chấp nhận bán thận để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Số tiền kiếm được sau khi bán thận quá lớn, che mờ con mắt khiến họ chấp nhận đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng để mưu sinh.
Nhiều đàn ông ở Baseco, Manila sẵn sàng bán thận vì khoản tiền kếch xù trước mắt (Ảnh: Internet)
Dù ở cách trung tâm thủ đô không xa nhưng cuộc sống ở Baseco hoàn toàn đối lập với sự phồn hoa của Manila. Nơi đây chỉ có những ngôi nhà lụp xụp chẳng khác gì lều tranh dựng tạm, môi trường sống ô nhiễm, bẩn thỉu. Nghèo đói bủa vây người dân Baseco buộc họ bán thận để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo thống kê, ít nhất có 200 người đàn ông ở khu vực này bán thận cho giới đại gia Nhật và Ả Rập trong suốt 2 thập kỷ qua. Cách đây khoảng 20 năm, có một người Nhật đến đây để thương lượng chuyện mua bán thận với giá khoảng 150.000 peso (tương đương với 60 triệu đồng)/ một quả thận.
Từ đó việc mua bán thận bắt đầu diễn ra tại đây. Nhưng hiện tại, số tiền trả cho một quả thận đang ngày càng giảm. Mỗi người bán thận chỉ nhận được khoảng 75.000 Peso (hơn 30 triệu đồng) mà thôi.
Norberto Papa (30 tuổi) là một trong những người đầu tiên bán thận ở đây. Chia sẻ về khoản tiền nhận được, Papa nói: "Với số tiền đó, tôi có thể mua gỗ dựng nhà, mua tivi, một dàn karaoke". Nhưng không may, những gì anh sắm sửa được nhờ bán quả thận đã tiêu tan sau một cơn bão.
Sau khi bán thận, Papa nộp hồ sơ xin đi làm ở một công ty nhưng sức khỏe của anh không đáp ứng đủ điều kiện công tác. Mất thận, mất nhà, mất cả việc, Papa trở thành người đàn ông không chỉ kiệt quệ về sức khỏe, tài chính mà còn thất nghiệp. Cuộc sống sau khi bán thận của anh còn tồi tệ hơn trước.
Sức khỏe sa sút trầm trọng sau khi bán thận
Cũng chung hoàn cảnh như Papa, Rolando Roldan, một lái xe 40 tuổi cho hay tình trạng sức khỏe của anh trở nên tồi tệ sau khi bán thận. Mỗi khi thời tiết thay đổi hay trở lạnh, anh phải quấn thêm một chiếc khăn ở ngoài phần sẹo - chỗ vết mổ để lấy đi quả thận. Những khi thời tiết trở trời, vết mổ lại khiến anh đau đớn.
Roldan nói: "Trước kia, tôi có thể mang 2 bao gạo cùng lúc nhưng bây giờ chỉ có thể mang 1 bao mà vẫn cảm thấy nặng nề. Công suất làm việc của tôi ngày càng kém".
Theo Roldan, nhiều hàng xóm của anh cũng gặp phải tình trạng tương tự sau khi bán thận. Một số người vì quá yếu đã tử vong không lâu sau đó. Dù Roldan không tiết lộ tên nạn nhân nhưng anh cho biết có 4 trong số 10 người bán thận đã chết.
Trái gió trở trời, vết mổ lại hành hạ những người bán thận (Ảnh: Internet)
Có những người chấp nhận mạo hiểm tính mạng để bán thận lấy tiền trang trải cuộc sống, nhưng có những người bán thận chỉ để kiếm tiền ăn chơi. Một số người ở khu ổ chuột này dùng tiền kiếm được để đánh bạc, rượu chè. Khoản tiền lớn kiếm được cũng nhanh chóng tiêu tan.
Khó khăn chồng chất khó khăn, sức khỏe giảm sút, chưa thoát được nghèo đói họ lại phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong cuộc sống. Tiền không có, sức khỏe không có, họ không kiếm nổi được một công việc để kiếm tiền lo miếng sinh nhai.
Sau khi tình trạng bán thận diễn ra ở Phillippines đến mức báo động, năm 2008 Bộ trưởng Y tế Francisco Duque đã thành lập một ủy ban giám sát việc cấy ghép và hiến tặng thận đẻ tránh tình trạng mua bán thận bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Esperanza Cabral đề nghị cấm vĩnh viễn việc cấy ghép thận cho người nước ngoài ở quốc gia này.
Bình An
Theo Vietnamnet