Cuộc điện thoại lúc 0h
Tối 16/5, bà Vũ Thị Chi (48 tuổi) háo hức khi nghe tin chuyến bay của con gái sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài chỉ vài tiếng nữa, mang theo chiếc huy chương vàng của SEA Games 32.
Người bà 92 tuổi liên tục mong ngóng cháu gái, thấy có người vào nhà lại hỏi: "Nhã về à?".
"Tôi rất tự hào khi con gái cùng đồng đội đã làm nên lịch sử cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam", bà Chi xúc động nói.
Tối hôm trước, gia đình, người thân và hàng xóm tập trung tại nhà bà ở thôn Ba Lăng (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) cùng theo dõi trận chung kết giữa Việt Nam và Myanmar.
Phút 12, đội trưởng Huỳnh Như mở tỷ số. Mọi người hò hét trong sự phấn khích, nói rằng chiếc huy chương vàng thứ 4 liên tiếp của đội tuyển đang rất gần.
Phút 58, Nguyễn Thị Thanh Nhã vào sân. Bố cô, ông Nguyễn Kim Sáng (50 tuổi) hồi hộp dõi theo con gái. Chưa đầy 20 phút sau, nữ cầu thủ số 19 có pha đi bóng đầy tốc độ bên cánh phải vượt qua hậu vệ Myanmar.
Cô bất ngờ sút về góc hẹp, pha lốp bóng qua đầu thủ môn đội bạn, nâng tỷ số lên 2 - 0. Những phút còn lại của trận đấu, Thanh Nhã tiếp tục bứt tốc ấn tượng.
"Tôi không tin vào mắt mình vì bàn thắng đến nhanh và bất ngờ quá", ông Sáng nhớ lại. Cả gia đình hò reo, chìm đắm trong hạnh phúc tột độ ngay khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu lúc 21h.
Bà Vũ Thị Chi, mẹ cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã (Ảnh: Minh Nhân).
Thanh Nhã là con gái thứ hai trong gia đình không ai theo nghiệp thể thao (Ảnh: Minh Nhân).
Đêm đó, ông Sáng và bà Chi không thể ngủ, thức đến nửa đêm xem đi xem lại màn trình diễn tuyệt vời của tuyển nữ, đồng thời đợi điện thoại của "người đặc biệt". Sau mỗi trận đấu, dù thắng hay thua, Thanh Nhã đều gọi điện cho bố mẹ.
0h, điện thoại bà Chi reo lên. "Bố mẹ đã ngủ chưa, đang làm gì vậy ạ?", nghe giọng con gái, vợ chồng bà xúc động, gửi lời chúc mừng chiến thắng. Đây là kỳ SEA Games thứ hai của Thanh Nhã, cũng là đáng nhớ nhất.
Không riêng chiến thắng trong trận chung kết, Thanh Nhã còn gây ấn tượng mạnh ở các trận đấu khác của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 32.
Trong trận gặp Philippines ở vòng bảng, lối chơi lăn xả, không ngại va chạm của cô gái 22 tuổi đã hoàn toàn thuyết phục người hâm mộ. Họ gọi cô là "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam.
"Thanh Nhã đã phát huy được khả năng chạy nhanh, sút tốt. Bàn thắng của Nhã có lẽ là đẹp nhất SEA Games 32", Huấn luyện viên Mai Đức Chung không tiếc lời khen ngợi khi nói về cô học trò nhỏ.
Thanh Nhã tỏa sáng trong trận chung kết SEA Games 32 (Ảnh: Mạnh Quân).
Video tuyển nữ Việt Nam 2-0 Myanmar: Thanh Nhã ghi siêu phẩm.
"Con gái ngày thường dịu dàng, mà lên sân như một chiến binh"
Thanh Nhã sinh ra trong gia đình không ai theo nghiệp thể thao, nhưng tuổi thơ của cô may mắn được "nuôi dưỡng" bởi phong trào bóng đá nữ của huyện Thường Tín. Khi mới là cô bé lớp 4, Nhã đã theo chị họ sang xã bên tập bóng.
Mỗi chiều sau khi tan học, đứa trẻ vội dắt xe đạp, đặt quả bóng trong giỏ, rồi chở theo em trai 2 tuổi ra sân vận động "thách đấu". Thời gian đầu, bà Chi chiều lòng con gái, coi bóng đá như một cách rèn luyện sức khỏe.
Tại đây, Thanh Nhã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của "ông bầu" Dương Khắc Kiểm - người thành lập đội bóng sân làng tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín).
Một khoảng sân trống trước nhà văn hóa được ông tận dụng làm sân bóng. Các vật dụng như quần áo, giày dép, bóng, lưới,… đều do "lão nông" này tự bỏ tiền túi chuẩn bị.
Nhận thấy đam mê và năng khiếu vượt trội của Thanh Nhã, thầy Kiểm đã giới thiệu cô lên Trung tâm huấn luyện ở Hà Đông. Đứng trước quyết định quan trọng của cuộc đời con gái, vợ chồng ông Sáng nhiều đêm mất ngủ.
Ngay cả thầy cô giáo ở trường làng cũng khuyên Nhã nên chọn con đường học vấn, thay vì đánh cược số phận với bóng đá.
(Thanh Nhã từ cầu thủ sân làng vụt sáng thành chiến binh của tuyển nữ Việt Nam).
Vóc dáng nhỏ nhắn, thể lực yếu của Thanh Nhã khiến người mẹ lo lắng. Nhưng thấy con gái say sưa tập luyện, ông Sáng đành thuyết phục vợ: "Con có năng khiếu, thì hãy để nó đi". Người cha liên tục động viên con phải mạnh mẽ để theo đuổi trọn vẹn đam mê.
Năm 13 tuổi, Thanh Nhã rời nhà lên Hà Đông, bắt đầu cuộc sống xa gia đình và tự lập sớm. Hành trang giá trị nhất bà Chi chuẩn bị cho con gái là niềm tin và một khoản tiền nhỏ để "con tiện mua gì thì mua".
Từ đó, Thanh Nhã dần biết đến bóng đá chuyên nghiệp, tập luyện cùng đội trẻ của Câu lạc bộ Hà Nội, tham gia các đội tuyển U14, U19 Quốc gia.
Khi Thanh Nhã được ra sân thi đấu, vợ chồng ông Sáng nói không bỏ lỡ bất kỳ trận nào. Những trận ở Hà Nội và các tỉnh lân cận gia đình đều trực tiếp đi cổ vũ. Các giải đấu ở nước ngoài ông sẽ xem trên truyền hình.
"Con gái ngày thường nhỏ nhẹ, dịu dàng, mà lên sân như một chiến binh, hễ bóng đến chân là bứt tốc", bà Chi tâm sự.
Thanh Nhã thể hiện bản lĩnh "chiến binh" trong trận chung kết (Ảnh: Mạnh Quân).
Tháng 9/2021, Thanh Nhã được HLV Mai Đức Chung gọi lên tuyển nữ Việt Nam tham gia vòng loại Asian Cup 2022 tại Tajikistan. Ngay lập tức, cô đã tỏa sáng với một bàn thắng trong chiến thắng 16 - 0 trước Maldives.
Trong vòng chung kết Asian Cup 2022 diễn ra tại Ấn Độ, nữ tiền đạo tiếp tục có mặt trong đội hình của HLV Mai Đức Chung.
Dù không thể tập luyện do mắc Covid-19, hai lần ra sân bị chuột rút, nhưng cô vẫn chạy không ngừng. Nghị lực đó đã giúp Thanh Nhã và đồng đội thi đấu tốt, xuất sắc giành tấm vé lịch sử dự World Cup 2023.
Tại Gala Quả bóng vàng 2021, Thanh Nhã được vinh danh Cầu thủ trẻ tiêu biểu của năm.
Tự hào con gái luôn nỗ lực mỗi lần ra sân nhưng chứng kiến cảnh Nhã bị cầu thủ đội bạn giật tóc trong một lần thi đấu, bà Chi xót con, không kìm được nước mắt. Đôi lúc thấy con chán nản, mệt mỏi, sức khỏe sụt giảm, ông Sáng lại trấn an, dặn "phải đi trọn vẹn con đường đã chọn".
Nhờ có bố mẹ là hậu phương vững chắc, cái tên Thanh Nhã dần tỏa sáng, được kỳ vọng là thế hệ kế cận của bóng đá nữ Việt Nam, sau đàn chị: Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Tuyết Dung, thủ môn Kim Thanh.
Mỗi lần giành chiến thắng, cô tặng lại huy chương cho bố mẹ, như một lời cảm ơn sâu sắc cho quyết định năm xưa của họ.
Căn nhà nhỏ của Thanh Nhã ở Thường Tín "ngập" huy chương và bằng khen (Ảnh: Minh Nhân).
"Chỉ tiêu" lấy chồng năm 25 tuổi
Hàng ngày, ông Sáng làm nghề mộc cách nhà 1km, còn bà Chi trước làm nghề thêu tay, giờ có máy móc hỗ trợ. Mỗi lần nghỉ phép sau giải đấu, Thanh Nhã về nhà đỡ đần mẹ vận hành dàn máy thêu vi tính. Cô từng nói đùa: "Làm thêu còn khổ hơn đá bóng".
Ngoài sân cỏ, nữ tuyển thủ Việt Nam cũng thích "làm điệu", sống ảo như bạn bè cùng lứa. Cô thường xuyên đăng tải những khoảnh khắc dễ thương hàng ngày lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Sở hữu chiều cao 1m62, vóc dáng thanh mảnh, khuôn mặt ưa nhìn, mái tóc dài cùng nụ cười duyên dáng, Thanh Nhã đốn tim cư dân mạng, được phong là "vợ quốc dân".
Bà Chi tiết lộ từng "giao chỉ tiêu" cho Thanh Nhã phải lấy chồng năm 25 tuổi. Nhưng hiện giờ người mẹ không còn gây áp lực về vấn đề này, thoải mái để con gái theo đuổi đam mê đến cùng.
Sau SEA Games 32, Thanh Nhã và đồng đội được nghỉ ngơi một tuần trước khi trở lại tập luyện từ ngày 22/5 để chuẩn bị cho World Cup 2023 khởi tranh cuối tháng 7.
Thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ đi Ba Lan và Đức tập huấn trước khi sang New Zealand.
Biết rằng thách thức phía trước đang chờ đợi con gái, vợ chồng ông Sáng luôn động viên: "Nhã ơi, cố lên! Bố mẹ mãi là điểm tựa của con".
Thanh Nhã, từ cô gái nhỏ nhắn đến "cơn lốc đường biên" của tuyển nữ Việt Nam
Theo Dân Trí