Không chỉ con người, hóa ra một số loài thực vật cũng có thể xuất hiện “mụn nhọt” khi bị sâu hoặc côn trùng tấn công.
Cây muối (Rhus chinensis Mill) thường là nơi lý tưởng để sâu ngũ bội tử sinh sống. Sâu cái sẽ đẻ trứng vào lá hoặc cành non, từ những vị trí bị sâu tác động sẽ xuất hiện tổ sâu.
Những tổ sâu này giống như “mụn nhọt” trên cây, nhiều tổ tụ lại thành chùm khổng lồ. Người ta gọi chúng là “ngũ bội tử”. Thực chất, đây chính là một dược liệu nổi tiếng trong Đông y.
Ở nước ta, ngũ bội tử được tìm thấy ở một số tỉnh thành phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai và một số tỉnh vùng Tây Bắc. Ngoài ra, chúng còn xuất hiện ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Sâu ngũ bội tử sẽ đẻ trứng vào khoảng tháng 5-6. Đến tháng 9, người ta sẽ thu hái ngũ bội tử, xử lý sâu con ở trong tổ bằng cách hấp, sau đó đem phơi khô.
Theo y học cổ truyền, ngũ bội tử có vị chua, tính bình, có công dụng chữa ho, trị ngoại, đổ mồ hôi, mụn nhọt, giải độc gan. Trong y học hiện đại, ngũ bội tử là một trong những vị thuốc có tác dụng cầm máu và giải độc hữu hiệu.
Ngoài ra, chúng còn được ứng dụng làm nguyên liệu để chế mực, nhuộm màu đen, thuộc da.
Ở Việt Nam, ngũ bội tử sấy khô có giá khoảng 430.000 - 500.000đ/kg. Còn ở Trung Quốc, vị thuốc này cũng là mặt hàng giúp nhiều người dân nông thôn kiếm thêm thu nhập.
Vào tháng 9-10 hàng năm, người dân nơi đây sẽ lên rừng hái ngũ bội tử và đem bán với giá khoảng 17 NDT (56.000đ)/kg, đem lại thu nhập khoảng hơn 100 NDT (329.000đ) một ngày.
Đặc biệt, ngoài việc cung cấp ngũ bội tử, cây muối còn có một số công dụng hữu ích khác như lá non dùng làm thức ăn cho gia súc, nhựa cây dùng để giải nọc độc của ong.
Theo Người đưa tin