Thầy giáo trẻ khiến học sinh mê tít thò lò chỉ bằng vài câu phê bình 'duyên tận nóc'

Thầy Nguyễn Đăng Viết Du, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM mỗi khi viết lời phê đều khiến các "con dân" phải cười ngất.

Thầy Du chia sẻ, trước ngày họp phụ huynh đã dành riêng buổi chiều để ngồi “ngẫm nghĩ, suy tư” những ngôn từ để nhận xét vào cuốn sổ liên lạc cho 27 em học sinh lớp thầy chủ nhiệm. Những lời nhận xét khiến cả phụ huynh và học sinh đều phải bật cười khi đọc được.

Với thầy Du, việc đánh giá, nhận xét một học sinh không phải chỉ qua bảng điểm mà cái chính là qua ấn tượng và cảm nhận của bản thân về con người của học sinh đó mới chính xác và công bằng.

Thầy sử dụng những lời lẽ dí dỏm hài hước như “Cô gái vàng trong làng lãnh đạo” (trong cuốn sổ liên lạc của cô học sinh đạt 9.2 điểm trung bình cả năm) hay “Một người đàn ông hoàn hảo, ngoại trừ việc còn xa cách với lớp” (dành cho một nam sinh đạt 9.3 điểm trung bình cả năm) vừa là lời khen vừa ẩn ý mong muốn bạn nam đó hòa nhập hơn với lớp.

Thầy giáo trẻ khiến học sinh mê tít thò lò chỉ bằng vài câu phê bình duyên tận nóc-1
Lời nhận xét của thầy Du dành cho một nữ sinh

Thầy giáo trẻ khiến học sinh mê tít thò lò chỉ bằng vài câu phê bình duyên tận nóc-2
Nam sinh được thầy nhắc khéo hòa đồng với lớp hơn

Thầy giáo trẻ khiến học sinh mê tít thò lò chỉ bằng vài câu phê bình duyên tận nóc-3
Lời nhận xét của thầy Du dành cho một nam sinh

Thực tế, ý tưởng này của thầy Du khá sáng tạo, khá hay, điều quan trọng có thể giúp cả học sinh và phụ huynh bớt áp lực hơn sau mỗi kỳ họp phụ huynh. Cách thức này đã được thầy Du áp dụng từ năm 2019 và đều khiến học sinh “mê tít”.

Thầy Du tâm sự: “Từng lời phê đều là cảm nhận và tình cảm tôi muốn dành cho các học sinh. Không phải bạn nào cũng được những lời nhận xét độc đáo như vậy bởi đôi khi các em chưa gây được ấn tượng với thầy. Hay nói cách khác, các em ấy chưa có cá tính. Vậy nên khi cầm sổ liên lạc, tôi mong các em hãy đọc kỹ lời phê để có thể thay đổi bản thân nếu có thể.

Bình thường tôi rất ít khi nói hay nhắc nhở trong giờ sinh hoạt tập thể, khiến nhiều em tưởng thầy đang thờ ơ với các bạn. Tôi chỉ mong qua những lời nhận xét này, các em sẽ có suy nghĩ khác”.

Có những lời nhận xét khiến thầy trăn trở vì sợ học sinh của mình không hiểu sẽ khiến các em tự ái như “xa cách với lớp”. Nhưng thực tế thầy chỉ muốn nam sinh đó hiểu trong tương lai, sự hòa đồng là một trong những yếu tố có thể giúp tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau.

Thầy giáo trẻ khiến học sinh mê tít thò lò chỉ bằng vài câu phê bình duyên tận nóc-4
Thầy Du và học trò của mình trong buổi du lịch

Theo thầy Du, sự thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các học sinh là điều quan trọng nhất. "Thông thường chủ nhiệm là công tác kiêm nhiệm, nên các thầy cô do quá đầu tư vào chuyên môn mà không có nhiều thời gian để tìm hiểu tâm tư của từng em học sinh. Bởi vậy khoảng cách giữa các em học sinh và thầy cô chủ nhiệm sẽ ngày càng xa cách. Khi ấy sự giáo dục của giáo viên chủ nhiệm sẽ trở thành mệnh lệnh, rất khó khiến các em tiếp nhận. Với tôi, học sinh như những đứa con, đứa em trong gia đình nên sự gần gũi và đồng cảm chính là yếu tố quan trọng nhất".

Đứng lớp từ năm 1995 có lẽ thầy Du cũng như bao thế hệ thầy cô khác luôn mong muốn những điều tốt nhất đến với những học trò trên “con đò” mà thầy cầm mái chèo. Những lời nhận xét có thể khiến các em hứng thú, vui vẻ nhưng lại là cả bầu trời tâm sự, mong muốn và hi vọng của người thầy tận tâm.

Hiếu Thảo (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/thay-giao-tre-khien-hoc-sinh-me-tit-tho-lo-nho-cach-phe-binh-cuc-duyen-n-228898.html

Thầy giáo trẻ giáo viên

Tin tức mới nhất