Tiến Linh và đội tuyển Việt Nam đã trải qua trận đấu đáng buồn với đội tuyển Trung Quốc. Công bằng mà nói, trình độ của đội tuyển đất nước tỷ dân không hơn so với đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, chúng ta cầm nhiều bóng hơn đối thủ. Nhưng vấn đề ở chỗ, họ sắc sảo hơn so với đội bóng của HLV Troussier ở thời điểm quyết định.

Thẻ đỏ của Tiến Linh và bài học xương máu của đội tuyển Việt Nam-1
Tấm thẻ đỏ của Tiến Linh là bài học cho các cầu thủ Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Trong khi đó, đối với riêng Tiến Linh, 10 phút xuất hiện trên sân vận động Đại Liên trước khi nhận thẻ đỏ vì tình huống thúc cùi chỏ với Jiang Guangtai là quãng thời gian đáng quên nhất trong sự nghiệp của cầu thủ này.

Nhưng ở góc nhìn tích cực hơn, trận thua đội tuyển Trung Quốc mang tới nhiều bài học đáng giá cho bóng đá Việt Nam. Trong đó, các cầu thủ Việt Nam (không riêng gì đội tuyển quốc gia) cần phải có thái độ đúng đắn và biết cách tiết chế hơn trong những trận đấu quốc tế.

Chẳng nói đâu xa, cách đây vài tháng, cầu thủ Nguyễn Hồng Phúc của U23 Việt Nam đã có tình huống thúc cùi chỏ vào mặt cầu thủ U23 Indonesia trong trận chung kết giải U23 Đông Nam Á.

Hồng Phúc may mắn hơn Tiến Linh khi ở giải đấu đó Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) không áp dụng VAR. Nhưng tài năng trẻ của Việt Nam cũng không tránh khỏi sức ép và sự chỉ trích của dư luận Việt Nam cũng như Đông Nam Á.

Thẻ đỏ của Tiến Linh và bài học xương máu của đội tuyển Việt Nam-2
Đội tuyển Việt Nam từng không ít lần tự làm khó khi thi đấu trong điều kiện có VAR ở vòng loại World Cup 2022 (Ảnh chụp màn hình).

Cần nói thêm rằng trong nhiều cầu thủ ở cấp độ quốc tế (kể cả giao hữu), VAR đã được áp dụng để tạo nên những trận đấu công bằng hơn. Trong một giây phút không kiềm chế được mình, Tiến Linh đã lĩnh hậu quả.

Người hâm mộ Việt Nam cũng không thể nào quên được tấm thẻ đỏ của Duy Mạnh sau tình huống "vung tay trúng mặt" cầu thủ của Oman tại vòng loại World Cup 2022. Sau đó, trọng tài đã tham khảo VAR và truất quyền thi đấu cầu thủ Việt Nam (cũng như trao phạt đền cho Oman).

Nói vậy để thấy, sự ra đời của VAR khiến cho những tình huống tiểu xảo, đánh nguội đối thủ ít đất diễn hơn. Đội tuyển Việt Nam không phải không có bài học trong quá khứ, điển hình là trường hợp của Duy Mạnh. Thống kê cũng chỉ ra rằng "Rồng vàng" đã chịu tới 7 quả phạt đền ở vòng loại World Cup 2022 khi VAR được áp dụng.

Thẻ đỏ của Tiến Linh và bài học xương máu của đội tuyển Việt Nam-3
Tấm thẻ đỏ của Tiến Linh là bài học xương máu với đội tuyển Việt Nam (Ảnh: VFF).

Tấm thẻ đỏ của Tiến Linh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các cầu thủ Việt Nam. Công nghệ VAR mới được áp dụng ở V-League trong thời gian ngắn, ở mức độ rất hạn chế. Do đó, nhiều cầu thủ vốn chưa quen với việc thi đấu trong điều kiện có VAR. Do đó, không ít người còn giữ thói quen cũ, với những tình huống tiểu xảo.

Không còn cách nào khác, nếu muốn vươn xa, các đội tuyển Việt Nam cần thích nghi với điều kiện thi đấu có VAR. Chỉ như vậy, bóng đá Việt Nam mới thực sự chuyên nghiệp và hướng tới bước phát triển cao hơn. Nếu không, chúng ta có thể thêm nhiều lần nữa tự làm khó mình khi bước ra đấu trường quốc tế.

Theo Dân Trí