"Ý tôi là, tôi sẽ phải banh cả não để quan tâm việc phải mặc cái gì, đưa cô ta đi chơi ở đâu... Thật sự là hơi bị phiền", Nakamura nói.
Cậu trai 18 tuổi này cảm thấy không có bất cứ vấn đề gì với chuyện tới tận bây giờ mà vẫn chưa có "gấu". Nakamura thà ở nhà chơi điện tử, nhắn tin tán dóc với bọn bạn con trai còn hơn là phải đi hẹn hò. Cậu sinh viên cũng chưa hề biết đến mùi vị "mây mưa" là gì, nhưng cậu ta cũng không hề phiền muộn. Đôi lúc Nakamura tưởng tượng về việc sẽ lấy vợ năm 30 tuổi, tuy nhiên ảo tưởng đó nhanh chóng bị dập tắt đi, rằng: "Mà thôi, chắc chẳng có chuyện ấy đâu".
Nakamura cũng chỉ là một trường hợp trong số bộ phận lớn những người trẻ Nhật Bản đang hướng đến lối sống tiêu cực, gọi chung là "tầng lớp thanh niên ăn cỏ": không yêu đương, không tình dục, không hôn nhân. Và nếu cái tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, chẳng mấy chốc dân số Nhật Bản sẽ tuột dốc không phanh.
Thanh niên Nhật Bản giờ không mấy mặn mà với chuyện trai gái.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt yếu tố dẫn tới tư tưởng sống này của thanh niên Nhật Bản. Đó có thể là sự phát triển quá lớn của mạng lưới Internet khiến họ trở nên thụ động hơn với cuộc sống bên ngoài, hoặc mối lo ngại về khả năng tài chính so với người khác giới.
Theo số liệu khảo sát tháng 1/2015 bởi hãng tư vấn hôn nhân O-net, khoảng 74.3% thanh niên độ tuổi 20 Nhật vẫn chưa chịu yêu đương gì, so với con số chỉ 50% vào năm 1996. Một khảo sát khác trong năm 2015 của hãng Cabinet Office trên 7.000 đối tượng thanh niên độ tuổi 20-30 cho thấy 40% số người độc thân độ tuổi 20 "không tìm kiếm một mối quan hệ" và nghĩ rằng yêu đương thật là phiền toái, việc đắm mình trong các thú vui của bản thân sẽ đáng được ưu tiên hơn nhiều.
Gọi thế hệ thanh niên Nhật Bản bây giờ là thế hệ "ăn cỏ" quả thực chẳng sai. Năm 2014, Uỷ ban kế hoạch hoá gia đình Nhật Bản JFPA đã có khảo sát về chuyện chăn gối của lớp thanh niên độ tuổi 20 nước này. Theo đó, số lượng thanh niên không có bất kỳ hứng thú tình dục chiếm tới 21.6%, so với con số chỉ 8.3% trong năm 2008. Bên cạnh đó, số nam giới trẻ không muốn có con đã tăng vọt từ 8.6% trong năm 2002 lên tới 15.8% chỉ trong đúng 1 thập kỷ. Con số ấy ở nữ giới là 7.2% lên 11.6%.
Không giống như thế hệ trước đây, thanh niên Nhật Bản hiện nay lớn lên với sự ám ảnh về sự đổ vỡ hôn nhân của bố mẹ là rất nhiều. Dần dà, họ mất dần niềm tin vào các mối quan hệ, tình yêu xung quanh.
"Không phải chỉ do bố mẹ họ bất hoà ra mặt với nhau, hoặc chấm dứt hôn nhân, mà cả khi họ không tỏ ra hạnh phúc khi ở bên cạnh nhau", Megumi Ushikubo, tác giả của cuốn "Renai Shinai Wakamonotachi" (Những người trẻ chẳng chịu yêu đương) cho biết.
Có nhiều yếu tố khiến thanh niên Nhật thích tận hưởng sự cô đơn.
Cũng theo kết quả khảo sát của JFPA, 44.6% các cặp vợ chồng Nhật Bản chẳng thèm đụng đến nhau trong suốt một khoảng thời gian dài.
Cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ, kèm theo sự biến mất của những bộ phim truyền hình tình cảm trong thời kỳ bùng nổ kinh tế cuối thập niên 80 tới đầu những năm 1990 đã khiến người trẻ Nhật Bản hoàn toàn mất đi hình mẫu về quan hệ tình cảm. Và từ đó, thay vì yêu đương, người Nhật trẻ tìm đến những thú vui khác trong thế giới ảo hiện đại, nơi họ đắm chìm trong truyện tranh và những thước phim hoạt hình, những trò chơi điện tử mô phỏng hẹn hò mà quên đi thế giới thực.
Thêm vào đó, nền giáo dục giới tính của Nhật Bản đã quá chú trọng vào mặt tiêu cực của tình dục như những nguy cơ liên quan đến cưỡng hiếp và phá thai đã khiến người trẻ Nhật cảm thấy sợ sex nhiều hơn.
Cậu sinh viên Nakamura cũng vậy. Có thể về thực tiễn cậu chẳng biết gì, thế nhưng về thế giới ảo, cậu là một chuyên gia. Nakamura cho rằng những cô gái trong anime đều vô cùng hoàn hảo, và nhân vật nam thì mạnh mẽ, đẹp trai. Cậu trai 18 tuổi mơ ước rằng cuộc sống của mình có thể thú vị được như thế giới anime, đồng thời cảm thấy thất vọng với bề ngoài của các nữ sinh viên xấu xí ở trường đại học. Và thay vì ân ái với một cô gái thực sự, Nakamura thích "tự thân vận động" với phim khiêu dâm hơn.
Bỏ quên thế giới thực, nhiều thanh niên đắm chìm vào thế giới tưởng tượng.
Một lý do khác cho việc thanh niên Nhật Bản lười yêu đương hơn có thể chính là sự suy thoái kinh tế quốc gia và những mối lo ngại về tài chính. Chính sự thiếu thốn tiền bạc đã khiến giới trẻ, hầu hết là nam giới cảm thấy việc tiếp cận người khác giới trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Điển hình như trường hợp của Yosuke Hiwatashi, 23 tuổi.
Hiwatashi độc thân, sống chung với bố mẹ, thu nhập chủ yếu là từ công việc chạy day cáp quang tới các hộ gia đình. Mỗi tháng Hiwatashi nhận 150.000 yên tiền lương (khoảng 28 triệu VNĐ) thì chỉ còn 20-50.000 yên sau khi mua các thiết yếu phẩm và nộp cho bố mẹ. Nếu muốn đi chơi, đi nhậu với bạn bè, Hiwatashi phải xin phép bố mẹ trước. Vì tính chất công việc, chàng trai 23 tuổi cũng chẳng thể gặp được bạn bè nhiều, chủ yếu ở nhà lướt mạng và xem anime.
"Với từng ấy lương, tôi phải dành dụm từng đồng. Tôi đã phải nghỉ làm thêm để nhận công việc hiện tại, thế nhưng lại chẳng có đủ khả năng mua cho mình quần áo ra hồn. Người như tôi thì phụ nữ có thèm để ý không?", Hiwatashi chia sẻ.
Trong khi đó, nữ giới lại có lý do riêng của họ để từ chối kết hôn. Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Nhật đang mở cửa đón khá nhiều nhân công nữ vào làm việc. Không còn cái cảnh như trước đây, cứ đến 30 tuổi là phụ nữ bị ép nghỉ việc đi lập gia đình, vì thế họ lại càng có cơ hội để theo đuổi sự nghiệp và gác lại chuyện hôn nhân. Một số phụ nữ khác vì kén chọn nên nhất quyết "không yêu để tìm người trong mộng", nhưng con số thành công là rất hiếm.
"Ai quyết định được tôi phải làm vợ, làm mẹ trong tương lai chỉ vì sinh ra là nữ giới?", Rika, một sinh viên 21 tuổi độc thân thắc mắc. Cô này hiện cũng đang giường không gối chiếc chẳng chịu yêu ai.
Thực chất, không phải ai cũng tiêu cực như 3 cô cậu trên. Vẫn còn rất nhiều người trẻ chỉ vì nhút nhát mà không dám tiếp cận đối tượng trong mơ mặc dù trong lòng khao khát được yêu đương cháy bỏng.
Theo Kênh 14/Trí thức trẻ