Lời nhận định này của chuyên gia trang điểm có cơ sở khi nhìn sang dàn HLV của The Face - Gương mặt thương hiệu 2017, có Hoàng Thuỳ là quán quân mùa hai phiên bản Việt Nam và Minh Tú là á quân mùa năm phiên bản châu Á. 

Anh tình cờ nghe được cuộc nói chuyện mà theo anh là của Thuỳ Dương, đề cập đến việc cô có nguyện vọng làm giám khảo và huấn luyện viên. Tuy Thùy Dương khá bối rối và lên tiếng phủ nhận, nhưng Nam Trung đã động viên thí sinh của mình. 

Sau đó, anh còn trao quyền ngồi ghế nóng cho Cao Ngân, để cô được nhận xét và hiểu cảm giác khi làm giám khảo - một công việc mà thí sinh Next Top Model có thể làm được nếu đã trau dồi đủ kỹ năng và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dường như chỉ duy nhất phiên bản The Face của Việt Nam mới có ngoại lệ khi vị trí huấn luyện viên đa phần là những cái tên quá trẻ, thuộc thế hệ 9X như Phạm Hương, Lan Khuê, Hoàng Thuỳ. Và ba trong số đó còn là thí sinh từ Next Top Model.

Tranh cãi giám khảo của Gương mặt thương hiệu 

So với Next Top Model, The Face đề cao vai trò của HLV hơn hẳn. Sự đề cao ở đây không thuộc về chuyên môn, mà là sự thu hút, kịch tính được tạo ra từ chương trình.

Ngay mùa một, Gương mặt thương hiệu đã bị chê là dàn HLV chưa xứng tầm. Ngoài nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà - người duy nhất có thâm niên hoạt động ấn tượng trong showbiz, hai HLV còn lại là Lan Khuê và Phạm Hương đều không có thành tích nổi trội.

Lan Khuê bắt đầu sự nghiệp từ năm 2011, cô đoạt giải cao nhất của Siêu mẫu Việt Nam năm 2013 - một chương trình mà ngay cái tên đã gây nhiều tranh cãi. Siêu mẫu (hay "super model") vốn là thuật ngữ dùng để gọi tên năm huyền thoại thời trang được công nhận lần đầu vào thập niên 1990: Claudia Schiffer, Cindy Crawford, Christy Turlington, Naomi Campbell và Linda Evangelista.


HLV của The Face phiên bản Anh: Caroline Winberg, Naomi Campbell và Erin O'Connor. 


Họ là những ngôi sao sàn diễn thực thụ, có địa vị ngang với những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc. Thành tích của họ trải dài từ số lần lên tạp chí danh giá, thù lao quảng cáo đến vị trí vedette các show diễn.

Tại Việt Nam, Thanh Hằng và Hà Anh là hai trong số những cái tên đủ tiêu chuẩn được gọi là siêu mẫu vì kinh nghiệm và khả năng của bản thân, chứ không phải thông qua bất cứ cuộc thi nào cả, huống hồ lại là một cuộc thi biến thí sinh từ vô danh thành có chút tên tuổi.

Còn Phạm Hương, trước khi là Hoa hậu Hoàn vũ 2015, vốn là một gương mặt chưa có dấu ấn trong làng thời trang. Cô bị loại ở tập 10 của Vietnam's Next Top Model mùa một và tham gia nhiều cuộc thi liên quan đến hoa hậu. 

Ngay cả La Tử Lâm, cựu Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc, từng lọt vào top 4 của Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2011, cũng chỉ là thí sinh của The Face phiên bản Mỹ và được Naomi Campbell nhận làm học trò. 

Trong tập 5 của Gương mặt thương hiệu mùa một, Lilly Nguyễn từng  nghi ngờ về khả năng của Phạm Hương. Cô đánh giá màn thị phạm của HLV là đi ngược lại với lời khuyên hạn chế nhìn xuống đất khi đi catwalk, trong khi Phạm Hương thì làm điều ngược lại quá nhiều lần. 


Hoa hậu La Tử Lâm từng là thí sinh của The Face mùa một. Trong khi đó Phạm Hương lại được làm giám khảo tại phiên bản Việt Nam. Ảnh: Getty.

Không thể phủ nhận cả Lan Khuê và Phạm Hương ở thời điểm năm 2016 đã có những bước tiến dài trong sự nghiệp. Nhưng để ngồi lên chiếc ghế HLV, nhất là khi so với dàn HLV của phiên bản Mỹ, Anh, Úc và Thái Lan, cả hai vẫn cần nhiều thời gian, kinh nghiệm hơn nữa.

Sang mùa thứ hai, Gương mặt thương hiệu mới thật sự rơi vào tình trạng khủng hoảng HLV khi Hồ Ngọc Hà chia tay chương trình. Theo một số nguồn tin, Hà Anh và Thanh Hằng từ chối lời mời của nhà sản xuất. 

Và cuối cùng Lan Khuê, Hoàng Thuỳ và Minh Tú chính thức là bộ ba HLV. Lựa chọn này tạo nhiều tranh cãi, đặc biệt là Minh Tú khi từ thí sinh Asia's Next Top Model, vừa trở về quê nhà đã trở thành HLV. 

Không nên bơm suy nghĩ "ảo" cho thí sinh

Có một chi tiết ghi điểm tại Vietnam's Next Top Model năm nay đó là sự tương tác giữa giám khảo và thí sinh. Nam Trung, Trương Ngọc Ánh và Hoàng Yến luôn khiến người xem thỏa mãn bởi vai trò dẫn dắt của họ, từ tranh luận, chia sẻ, thị phạm đến rèn luyện thí sinh.

Sau 8 mùa, đây là chương trình truyền hình thực tế về thời trang sở hữu dàn host ấn tượng nhất khi quy tụ những chân dài hàng đầu Việt Nam như: Hà Anh, Xuân Lan, Thanh Hằng, Võ Hoàng Yến và thậm chí Trương Ngọc Ánh, một ngôi sao từng xuất thân với vai trò người mẫu.

Trong tập 5, Trương Ngọc Anh chia sẻ: "Các em nên tham vọng để dần thay thế chúng tôi", nhằm tiếp lời của Nam Trung khi anh đề cập về việc thí sinh Next Top Model làm giám khảo, huấn luyện viên.


Lukkade chứng tỏ đẳng cấp vượt trội khi tham gia Gương mặt thương hiệu 2017. Cô từng là HLV của The Face Thái Lan và giám khảo khách mời cho Asia's Next Top Model mùa thứ năm. Tại đây, cô đã chấm điểm, đưa ra nhận xét cho Minh Tú - HLV phiên bản Việt Nam. Ảnh: BTC.


Chương trình là nơi đào tạo, tìm ra những người mẫu thực thụ cho thế giới thời trang. Các thí sinh được chương trình cung cấp chất liệu để toả sáng, tìm lại ước mơ và đặt chân lên những tầm cao mới.

Còn huấn luyện viên và ban giám khảo, trước hết, phải là những người tài năng, tâm huyết và đạo đức nghề nghiệp để truyền lửa và nâng bước cho thí sinh. Vị trí này có thể là diễn viên, cựu người mẫu, chuyên gia trang điểm hay quán quân từ một chương trình (cùng đội ngũ hỗ trợ phía sau).

Nam Trung và Trương Ngọc Ánh nói không sai, về ý nghĩa lẫn thực trạng hiện nay. Nhưng có lẽ các thí sinh cũng cần nhớ rằng đó sẽ là một quãng đường rất xa mà không phải ai cũng đạt được và xứng đáng.

Do đó, sẽ thật nguy hiểm nếu như các thí sinh và nhiều cô gái khác nhìn vào Gương mặt thương hiệu với một ánh mắt khao khát, cho rằng vị trí HLV chỉ cần như vậy là đủ. 

Theo Zing