Thiếu ngôi sao đẳng cấp thế giới, thể thao Việt Nam khó mơ huy chương Olympic

Thể thao Việt Nam không thể mơ huy chương Olympic khi có quá ít vận động viên đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới ở các môn Thế vận hội.

Sau gần 2 tuần tranh tài tại Olympic 2024, đoàn thể thao Việt Nam không giành được tấm huy chương nào. Sau chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc) năm 2016, thể thao Việt Nam trải qua 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp trắng tay.

Cùng khoảng thời gian đó, Việt Nam 2 lần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng huy chương SEA Games. Vì sao lại có sự tương phản như vậy?

Không có VĐV đẳng cấp thế giới

Những tấm huy chương vàng ở SEA Games của thể thao Việt Nam không có giá trị khi ra sân chơi tầm cỡ Olympic. Đó là sự thật. Việt Nam có nhiều vận động viên đẳng cấp cao nhất Đông Nam Á nhưng so với tầm thế giới vẫn thua xa, hoặc Olympic không có những môn thể thao đó.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 có 16 vận động viên. Tuy nhiên, trong số này chỉ duy nhất 1 người nằm trong top 10 thế giới của nội dung tương ứng.

Trịnh Văn Vinh là ngoại lệ duy nhất. Anh đứng hạng 6 thế giới nội dung cử tạ 61 kg nam. Tuy nhiên, Trịnh Văn Vinh không nâng nổi mức tạ đăng ký 128 kg trong 3 lần cử giật và sớm bị loại. Kết quả này thực ra không bất ngờ, bởi trong 6 lần nâng mức tạ này ở giải vô địch châu Á và ASIAD năm ngoái, lực sĩ sinh năm 1995 chỉ thành công 1 lần duy nhất.

Thiếu ngôi sao đẳng cấp thế giới, thể thao Việt Nam khó mơ huy chương Olympic-1
Trịnh Văn Vinh thất bại ở nội dung 61 kg môn cử tạ.

Khó trách Trịnh Văn Vinh, khi lực sĩ này vừa trở lại tranh tài ở các giải quốc tế từ tháng 5/2023 sau khi chấp hành án phạt cấm thi đấu do doping. Thời điểm đoàn thể thao Việt Nam xuất quân dự Olympic Paris 2024, Vinh vẫn phải dùng thuốc giảm đau do ảnh hưởng của chấn thương.

Vận động viên duy nhất trong top 10 thế giới không có cơ hội tranh huy chương. Các đồng đội của Trịnh Văn Vinh chỉ có thể trông chờ vào kỳ tích. Điều đó suýt xảy ra ở trường hợp của Trịnh Thu Vinh ở môn bắn súng, nhưng cuối cùng nữ xạ thủ này dù đã vươn tầm mạnh mẽ vẫn không có huy chương.

Hoàng Thị Tình là người mở màn cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris. Ở Đông Nam Á, cô gái gốc Thanh Hóa gần như không có đối thủ ở nội dung sở trường judo hạng 48 kg.

Ngay lần đầu tham dự Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á hồi 2019, Hoàng Thị Tình đã giành HCV tại môn kurash. Tới SEA Games 31 và 32, Hoàng Thị Tình đều giành HCV hạng 48 kg môn judo. 

Thế nhưng tại đấu trường đẳng cấp thế giới như Olympic, cô sớm rời giải chỉ sau 5 phút chung sân đấu với Oumaima Bedioui (Tunisia). Trên thực tế, dù Thị Tình là nữ võ sĩ judo (48 kg) xuất sắc nhất Đông Nam Á, cô chỉ xếp 98 tại BXH IJF (Liên đoàn Judo Quốc tế).

Thiếu ngôi sao đẳng cấp thế giới, thể thao Việt Nam khó mơ huy chương Olympic-2
Nữ võ sĩ Judo số 1 Đông Nam Á - Hoàng Thị Tình - thất bại ngay trận ra quân Olympic.

Nguyễn Thùy Linh – tay vợt nữ xuất sắc nhất Việt Nam – chỉ thắng 1 trận tại Paris, trước khi thua Zhang Beiwen ngay trận thứ 2. Nếu vượt qua đối thủ người Mỹ, Thùy Linh sẽ lập tức chạm trán Marin Carolina (hạng 3 thế giới) ở vòng tiếp theo. Cơ hội giành huy chương của Nguyễn Thùy Linh gần như không có từ khi ban tổ chức bốc thăm chia nhánh.

Được đặt nhiều kỳ vọng trước Olympic, Nguyễn Thùy Linh thực tế chưa phải tay vợt xuất sắc nhất Đông Nam Á. Thứ hạng cao nhất Thùy Linh từng đạt được trên BXH BWF (Liên đoàn Cầu lông Thế giới) là hạng 16. Sau Olympic, cô tụt xuống vị trí 24, hiện đã xếp dưới 7 tay vợt khác của khu vực Đông Nam Á.

Thiếu ngôi sao đẳng cấp thế giới, thể thao Việt Nam khó mơ huy chương Olympic-3
Tay vợt nữ số 1 Việt Nam - Nguyễn Thùy Linh - thua ngay trận thứ 2 Olympic.

Tương tự, Lê Đức Phát (cầu lông), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung)... có thể đạt thông số, phong độ rất tốt so với chính mình nhưng vẫn thua xa các đối thủ hàng đầu thế giới. 

Các vận động viên dự Olympic bằng suất đặc cách, cơ hội giành huy chương gần như bằng không.

Khác biệt của Thái Lan, Indonesia, Philippines

Trái với Việt Nam, Thái Lan và Philippines sở hữu những VĐV giỏi nhất thế giới ở môn thi của họ.

Tokyo năm 2021 không phải kỳ Thế vận hội thành công với Thái Lan, nhưng họ vẫn kịp giành HCV Olympic môn taekwondo nhờ công của Panipak Wongpattanakit.

Tới Paris 2024, cô bảo vệ thành công chức vô địch Thế vận hội môn taekwondo hạng 49 kg, trong ngày sinh nhật thứ 27. Panipak Wongpattanakit tuyên bố giải nghệ khi cô đang là võ sĩ số 1 thế giới môn taekwondo.

Người Thái lấy boxing, cử tạ và võ làm trọng tâm. Trước 2024, họ giành 35 tấm huy chương tại các kỳ Thế vận hội kể từ 1976, nhưng chỉ gói gọn trong 3 môn trên.

Cụ thể, boxing chiếm 15 huy chương, cử tạ chiếm 14 huy chương và 6 huy chương thuộc về taekwondo. Tính từ năm 1996 tới 2024, Thái Lan giành HCV tại tất cả các kỳ Thế vận hội, ngoại trừ năm 2012.

Cầu lông cũng là một môn thế mạnh của Thái Lan. Tại Olympic Paris 2024, họ có cựu vô địch thế giới Kunlavut Vitidsarn vào đến chung kết đơn nam.

Thiếu ngôi sao đẳng cấp thế giới, thể thao Việt Nam khó mơ huy chương Olympic-4
Thái Lan giành HCV ở gần như tất cả kỳ Olympic họ tham dự.

Giống Thái Lan, Philippines cũng đặt boxing làm trọng tâm. Dù không giành nhiều huy chương Olympic như đất nước chùa vàng tại môn thi này, song quyền anh vẫn đem lại đầu ra huy chương đều đặn cho Philippines. Trước 2024, Philippines giành 14 huy chương Olympic, 8 trong số đó tới từ boxing.

Thể dục dụng cụ không phải thế mạnh truyền thống của Philippines. Tuy nhiên, đúng giai đoạn này họ lại có ngôi sao Carlos Yulo. VĐV này đã vô địch thế giới từ năm 2019.

Rõ ràng nhìn vào danh sách vận động viên và vị trí của họ trên bảng xếp hạng thế giới, các đoàn Thái Lan, Indonesia và Philippines có thể tính toán khả năng tranh huy chương. Trong khi đó, thể thao Việt Nam phải chờ kỳ tích.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/thieu-ngoi-sao-dang-cap-the-gioi-the-thao-viet-nam-kho-mo-huy-chuong-olympic-ar888131.html?fbclid=IwY2xjawEi-1tleHRuA2FlbQIxMAABHeMRZ-1_4FqYRAShvvhc3LQkmwDt0gk5ShzRG26jvToVjJ6pGHVoKrLiPg_aem_zSZV8jjXXZNn8Y0hDnQLBg

Olympic

Tin tức mới nhất