Thịt lợn là vấn đề đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, bởi trong bối cảnh nguồn cung trong nước không chịu "hạ nhiệt" việc nhập khẩu thêm thịt lợn sẽ giúp nguồn cung trong nước bớt căng thẳng.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đến nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Số lượng nhập này tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi thịt lợn nhập khẩu đang có số lượng rất ít ỏi tại các siêu thị bán lẻ, hệ thống bán lẻ và hàng ngày, hàng triệu gia đình Việt vẫn phải chi số tiền lớn cho thịt lợn nội địa đắt đỏ thì mặt hàng thịt lợn nhập khẩu đang ở đâu?
Thịt lợn nhập khẩu được rao bán với giá từ 100.000 đồng/kg với thùng 20kg.
Qua khảo sát, chỉ cần mở mạng xã hội Facebook và gõ cụm từ "thịt lợn nhập khẩu", người dùng có thể nhận được hàng loạt kết quả về các nhóm và bài đăng bán hàng thịt lợn nhập khẩu từ Nga, Canada, Úc… với giá cả phong phú, dao động từ 85.000 - 140.000 đồng/kg.
Thậm chí, cùng một loại thịt lợn nhưng mỗi nơi báo một giá khác nhau, chênh tới 10.000 – 30.000 đồng/kg.
Lý giải cho sự chênh về giá thịt lợn, một chủ tài khoản cho biết: "Sườn Canada có giá là 115.000 đồng/kg, nếu lấy từ 2kg trở lên thì giá chỉ còn 99.000 đồng/kg. Những nơi bán mặt hàng này với giá hơn 80.000 đồng/kg là hàng loại, tôi không nhập. Còn những nơi nào bán giá cao hơn giá của tôi bán thì chắc là các bạn nhập lại để bán ra".
Loại thịt ba chỉ nhập khẩu từ Nga, cửa hàng online này bán với giá 110.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, chủ tài khoản N.Y lại rao bán 125.000 đồng/kg thịt ba chỉ nhập từ Nga.
Được quảng cáo là thịt nhập khẩu có giá hấp dẫn và người bán cam kết chất lượng nên chị Nguyễn Thị Nga (33 tuổi, ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng mua về để chế biến món ăn cho gia đình. Mặc dù giá cả thấp hơn nhiều so với giá bán ở siêu thị và chợ dân sinh nhưng chính chị Nga cũng rất băn khoăn về chất lượng và nguồn gốc của thịt lợn.
Chị Nga cho biết: "Qua chế biến thì tôi thấy, độ tươi ngon có thể không bằng thịt mới mổ trong ngày nhưng không hiểu vì sao giá lại rẻ đến như vậy. Khi hàng được giao đến tay, tôi cũng chỉ được cam kết chất lượng bằng lời nói từ người bán.
Điều tôi suy nghĩ nhất là liệu hàng hóa giá rẻ như vậy thì chất lượng có thực sự được đảm bảo hay không? Vì vậy, tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để chúng tôi yên tâm thực sự khi lựa chọn mặt hàng này để thay thế nguồn thịt đắt đỏ trong nước".
Hình ảnh rao bán thịt lợn nhập khẩu với giá chỉ từ 100.000 đồng/kg.
Thịt lợn nhập khẩu được bán tràn lan trên chợ mạng có giá thấp hơn rất nhiều so với thịt lợn tại các chợ dân sinh và siêu thị.
Mặc dù giá cả cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng trong bối cảnh giá thịt lợn ngoài chợ dân sinh và siêu thị không chịu "hạ nhiệt", tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguồn gốc và chất lượng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt hơn về nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm trên chợ mạng để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trao đổi nhanh, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết: "Số lượng hơn 46.000 tấn thịt lợn nhập khẩu trong 3 tháng là không nhiều so với nhu cầu hơn 3,8 triệu tấn thịt lợn/năm".
Ông Phú cho biết, ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống tại Việt Nam thì hầu như không có tủ cấp đông, tủ làm mát và chỉ có siêu thị mới đủ điều kiện bảo quản, dự trữ, bán mặt hàng thịt lợn nhập khẩu. Trong khi đó, siêu thị lại chỉ bán khoảng 10% nhu cầu thịt của xã hội.
Mặc dù thịt nhập khẩu có giá bán khá thấp nhưng tập quán của người tiêu dùng Việt là quen dùng thịt nóng hổi, giết mổ trong ngày để đảm bảo sự tươi ngon.
Hơn nữa, thịt nhập khẩu không đủ chủng loại, kém phong phú nên chủ yếu được cung cấp vào các nhà hàng, quán cơm, khách sạn…
Nếu như phí thuế cao thì thịt lợn nhập khẩu chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp Việt, mà giảm giá thì có thể dẫn tới bị thua lỗ, không có lãi….
Ông Phú thẳng thắn cho biết, chỉ một vài lý do nêu trên có thể thấy, sẽ ít có doanh nghiệp nào dám đầu tư mạnh vào thịt lợn nhập. Qua đó, sẽ càng tăng áp lực cho thịt trong nước, khi mà thịt trong nước đã sẵn có "vấn đề" về cung – cầu và khâu hệ thống phân phối.
Theo Giadinh