Kiếm vài triệu mỗi ngày

Từ đầu tháng Chạp tới nay, anh Lê Anh Tuấn (29 tuổi, thợ chụp ảnh tại Hà Nội) đều kín lịch chụp cho khách từ sáng sớm đến tận khuya. Khách hàng dịp cuối năm của anh Tuấn chủ yếu là các chị em từ 20 đến 40 tuổi, chụp ảnh ngoại cảnh để chào đón mùa xuân.

Với kinh nghiệm 3 năm trong nghề, anh Tuấn cho hay cuối năm là thời điểm "hốt bạc" của nghề chụp ảnh. Tùy vào từng bộ ảnh, yêu cầu khách hàng, phí chụp dao động từ 2-2,5 triệu đồng/người.

Thợ ảnh kiếm bộn tiền dịp Tết khi một m2 có 10 nàng thơ-1
Nhu cầu chụp ảnh dịp Tết của người dân tăng cao (Ảnh: NVCC).

Những khách hàng yêu cầu không gian, bối cảnh chụp cầu kì thì chi phí sẽ cao hơn chụp ảnh ngoại cảnh. Cuối năm, khách hàng chủ yếu chụp áo dài kèm các loại hoa đặc trưng dịp Tết như mai, đào, mận...

"Từ mùa thu năm qua, phong trào chụp ảnh áo dài với những xe hoa nở rộ. Và xu hướng này vẫn chưa hề nguội lạnh, Tết đến là lúc chị em bùng nổ chụp ảnh áo dài", anh Tuấn tâm sự.

Để đảm bảo sức khỏe và chất lượng ảnh cho khách, mỗi ngày anh Tuấn chỉ nhận 1-2 lịch chụp. "Nếu chạy sô quá nhiều, không có thời gian xử lý ảnh chỉn chu cho khách cũng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thợ ảnh", anh này nói.

Chia sẻ về việc bén duyên với nghề "cầm máy", anh Tuấn cho biết từng là kỹ sư vận hành xử lý nước thải của công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội. Khi ấy, dù thu nhập lên đến 25 triệu đồng/tháng, anh vẫn quyết tâm "dứt áo ra đi" chỉ vì quá đam mê với việc chụp ảnh.

Thợ ảnh kiếm bộn tiền dịp Tết khi một m2 có 10 nàng thơ-2
Thợ ảnh vô cùng bận rộn dịp trước Tết Nguyên đán (Ảnh: NVCC).

Khi lấn sân sang công việc chụp ảnh, anh khiến nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên khi từ bỏ việc làm ổn định đã gắn bó nhiều năm.

Khi bước sang nghề mới chưa bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến, có những tháng anh Tuấn chỉ kiếm được vài triệu đồng. Tuy vậy, vì đam mê chụp ảnh, anh vẫn quyết bám trụ và xin vào làm ở các tiệm ảnh để học hỏi kinh nghiệm.

Đầu năm 2023, anh bắt đầu rẽ hướng làm nhiếp ảnh gia tự do.

Lúc này, kinh nghiệm có, lượng khách hàng thân quen ngày càng nhiều lên, máy móc đầu tư hơn, nên anh tự tin có thể cạnh tranh được trên thị trường.

Sau thời gian hoạt động trong nghề, anh tự định hình phong cách cho mình thiên về chụp mẫu áo dài. Anh mê mẩn với vẻ đẹp của áo dài, đây cũng là động lực để anh cố gắng mỗi ngày cho ra những bộ ảnh đẹp, ngày càng tốt hơn.

Thầy giáo thể dục kiêm thợ ảnh

Anh Hoàng Minh Hải (34 tuổi, ở Vĩnh Phúc) là thầy giáo thể dục ở trường tiểu học ở thành phố Phúc Yên. Yêu thích đi phượt và ghi lại những khoảnh khắc, những nơi mình đặt chân qua, anh Hải từ lâu đã đầu tư bộ máy ảnh gần trăm triệu đồng.

Mãi đến năm 2017, anh cùng 2 cộng sự bắt tay mở tiệm ảnh tại thành phố Phúc Yên. Ngoài thời gian đi dạy, anh Hải dồn hết tâm huyết cho công việc chụp ảnh. Chỉ cần sắp xếp được thời gian, anh bắt tay vào chụp ảnh cho khách hàng như sự kiện, đám cưới, chân dung…

Thợ ảnh kiếm bộn tiền dịp Tết khi một m2 có 10 nàng thơ-3
Nhiều chị em muốn có bộ ảnh đón Tết rực rỡ (Ảnh: NVCC).

Cũng như những thợ chụp ảnh khác, dịp Tết Nguyên Đán anh Hải luôn kín lịch chụp cho khách. "Tháng 11, 12 âm lịch chúng tôi  gần như đã nhận kín lịch. Thời điểm này, anh em làm không hết việc", anh Hải nói.

Không chỉ nhận chụp ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, anh Hải còn nhận chụp ở tất cả các tỉnh phía Bắc khi khách có yêu cầu. Giá chụp mỗi bộ ảnh dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/buổi.

Thợ ảnh kiếm bộn tiền dịp Tết khi một m2 có 10 nàng thơ-4
Bên cạnh nghề chụp ảnh, công việc chính của anh Hải là giáo viên thể dục (Ảnh: NVCC).

Anh Hải ví, nghề chụp ảnh không khác gì nghề đi câu. Nếu đều đặn việc làm mới cho thu nhập khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh cũng phải bố trí thời gian hoàn thành công việc ở trường học đầu tiên, sau đó mới có thể thỏa sức đam mê khác. 

Theo Dân Trí