"Tay vịn" không chỉ có ở quán karaoke. Những người muốn hát vang bài ca về "hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ, quan hệ", cũng phải có "tay vịn".

Nơi không bị suy thoái vì Covid: Lò hoá vàng

Có một thông tin đáng chú ý trong những ngày dịch dã ảm đạm này, đó là doanh nghiệp vàng mã duy nhất trên sàn chứng khoán, làm ăn cực kỳ khởi sắc.

Doanh nghiệp ấy, quý đầu năm 2021 báo lãi gấp đôi so với cùng kỳ và cổ phiếu tăng gấp rưỡi từ đầu năm.

Đặc biệt, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020-2021, dự tính công ty này tiêu thụ đến 6.000 tấn vàng mã.

Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, ước tính mỗi năm có 50.000 tấn vàng mã đã thành khói ở Việt Nam.

Khi doanh nghiệp vàng mã tăng trưởng tốt (dù cty này kinh doanh vài mặt hàng khác), thì đó là chỉ dấu cho thấy khách hàng của họ - tức chúng ta – đang đặt một phần cuộc đời vào "tay vịn".

Covid khiến nhiều người mất việc, mất thu nhập, nhiều doanh nghiệp phá sản. Trong những tháng ngày vật vã để vượt thoát hoặc nằm im chờ thời, nhiều người còn ráo riết nhờ cậy "tay vịn" hơn trước. "Tay vịn" đó là thần thánh, là thế giới bên kia.

Họ lao đi, chen nhau đến đền, chùa, miếu, mạo, phủ để cầu xin tài lộc. Rất tiếc, virus Covid-19 không nghe được những lời cầu xin ấy.

Thời của tay vịn-1
Nhiều người đi chùa, đền,... đốt vàng mã cầu xin tài lộc vì Covid-19 khiến mất thu nhập, phá sản,...

Nghịch lý là cuộc sống càng bất ổn, bếp gia đình càng ảm đạm thì những lò hoá vàng càng rực lửa. Cái lò "vận chuyển hàng hoá sang thế giới bên kia" không bị đứt mạch cung ứng vì Covid.

Bán vàng mã không vi phạm quy định của pháp luật. Đốt vàng mã đúng chỗ, cũng không sai luật. Nhưng kể cả có bỏ qua chuyện ỷ lại, dựa dẫm, mặc cả với thế giới vô hình, thì chúng ta vẫn nhìn thấy hiện thực nhãn tiền từ vàng mã.

Trong khi rất nhiều người đang đói ăn, đói mặc; trong khi diện tích rừng vẫn bị chặt hạ để làm giấy; trong khi nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu sách tới trường; trong khi bầu không khí ở nhiều đô thị đã đủ độc hại… thì vẫn có hàng ngàn tỉ đồng tiền thật được đổi ra tiền âm phủ và hoá vô tư thành khói độc.

Một khảo sát năm 2018 của TS Nguyễn Việt Cường (ĐH Kinh tế quốc dân), đã chỉ ra những con số sơ bộ: Tổng mức chi tiêu của người Việt cho cúng lễ là khoảng 16.000 tỉ đồng năm 2016, gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em.

Người thỉnh thoảng dùng "tay vịn" trong phòng hát karaoke thì bị lên án mạnh mẽ, còn người dựa hẳn cả đời vào "tay vịn" - dựa dẫm thánh thần, ma quỷ - thì lại được chấp nhận như việc đương nhiên trong mỗi gia đình.

Khi thực tại lệch này vẫn tồn tại, thì rất nhiều kiểu "tay vịn" sẽ được hợp lý hoá phổ biến, giống như việc họp hành, đến nhà sếp… mà không có phong bì, mới là chuyện bất thường.

Chiếc áo và thầy tu

Khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh những kiện hàng trong sân bay có đề chữ (mạo danh): Hàng của bộ trưởng bộ Giao thông, chúng ta liền thấy rõ một kiểu "tay vịn" khác tồn tại phổ biến trong xã hội.

Chỉ cần một dòng chữ có tên nhân vật quan trọng, đã có thể giúp kiện hàng được "nể mặt" theo cách nào đó mà những "người ngoài" chúng ta không biết hết được.

Trùm đa cấp Liên Kết Việt Lê Xuân Giang, đã dùng "tay vịn" để lừa đảo tới 68.000 người, bằng cả việc mạo danh và người thật việc thật.

Bằng nhiều "tay vịn" là danh lợi và sự cả tin, cựu trung uý Giang đã "chỉ huy" được cả nhiều tướng tá làm việc cho mình. Sau đó sử dụng các vị đó như "tay vịn" để có quan hệ với nhiều nhân vật có vị trí cao hơn.

Rồi Giang và bộ sậu lấy hình ảnh chụp chung, làm việc chung với một số vị lãnh đạo cao cấp; làm giả bằng khen của Thủ tướng, để làm "tay vịn" để móc túi 68.000 nạn nhân. Khi kiếm được bộn tiền, các ông trùm lại tiếp tục dùng ngân xuyến để tạo "tay vịn" mới.

Sở dĩ 68.000 người dễ dàng trở thành nạn nhân của Giang, là bởi vì chính họ dựa dẫm vào "tay vịn". Tuy nhiên, nếu tự mình, họ rất khó nhận diện "tay vịn" đó: Chân yếu nhưng muốn đi nhanh; Muốn làm ít mà kiếm nhanh, kiếm nhiều; Đức thấp, đòi ghế cao.

Thời của tay vịn-2
Trùm đa cấp Liên Kết Việt Lê Xuân Giang từng dùng "tay vịn" lừa đảo hàng chục nghìn người

Cho nên, những người thực sự muốn bước đi bằng đôi chân của mình, kiếm tiền bằng năng lực, mồ hôi của mình, sẽ biết nói không với kiểu "tay vịn" đó: Cho vay nặng lãi, đa cấp lừa đảo, đầu tư tiền ảo theo phong trào, lao vào những cơn sốt đất nguy hiểm…

Khi đương chức, ông Trần Bắc Hà, dẫu có quyền lực, cũng chỉ là Chủ tịch một Ngân hàng. Thiếu "tay vịn" theo nhiều nghĩa, chắc chắn thế lực của ông sẽ không lớn như vậy, hành xử không nghênh ngang như vậy và dám làm nhiều chuyện bậy như vậy.

Thật may, công cuộc đốt lò miệt mài và bước chuyển bộ máy công quyền từ tư duy ban phát sang tư duy phục vụ, đang khiến cho nhiều cái "tay vịn" biến thành còng tay.

Nhưng "tay vịn" không chỉ xuất hiện theo kiểu thô ráp mà còn rất vi tế trong đời sống của mỗi người hàng ngày.

Khoe một bức ảnh chụp cùng người nổi tiếng với ngầm ý ta là người không vừa;

Thường xuyên selfie ở những nơi sang trọng để nhiều người thấy mình đẳng cấp;

Dán giấy "cơ quan báo chí", "cơ quan công an" trước kính ô tô để "gửi thông điệp mềm mại" đến cơ quan xử lý vi phạm.

Lấp lánh hàng hiệu từ đầu đến chân với mục đích quảng cáo mình sành điệu;

Chìa ra tấm danh thiếp dày đặc những chức danh, hội viên của nhiều hội để mách ta là người đa tài;

Cấp trên, thay vì bồi dưỡng tri thức, sự bao dung, bình tĩnh, điềm đạm cho mình, thì lại sử dụng cái ghế của mình nóng nảy ra oai, đe nẹt, áp chế cấp dưới…

… đều là biểu hiện hoặc thô ráp hoặc vi tế của người cần "tay vịn".

Năm 2010, khi còn đương nhiệm, Tổng thống Ugruguay, ông Mujica chỉ có tổng tài sản là 1.800 USD. Vị tổng thống tự chọn lối sống "nghèo nhất thế giới" này, vẫn tự tay làm việc đồng áng trong trang trại hoang sơ và luôn tặng 90% lương mỗi tháng cho từ thiện.

Nếu Mujica muốn, ông sẽ có rất nhiều "tay vịn" nhờ quyền lực của mình. Nhưng ông lại chọn một kiểu "tay vịn" khác cho cả đời, đó chính là sự thanh thản.

Những người có lòng tự trọng, hiểu nhân quả, biết "vạn sự trông chờ vào chính mình" và muốn sống đời sống tự do, an lạc, sẽ luôn biết cách từ chối "tay vịn".

Dẫu cho Bill Gates có rửa bát mỗi tối, có dùng điện thoại cục gạch, có mặc đồ rẻ tiền hay ăn uống tiết kiệm nhất, thì ông vẫn không phải người tầm thường.

Tấm áo không làm nên thầy tu. Khi thầy tu đức độ, trí tuệ thì chiếc áo nâu sồng vẫn không làm giảm đi hào quang toả ra từ họ.

Ai càng cần mượn nhiều thứ lấp lánh bên ngoài đắp lên mình, càng chứng tỏ bên trong họ có ít giá trị.

Con chuột có mượn "tay vịn" là hình hài con hổ, thì vẫn chỉ là "con hổ có lá gan chuột nhắt", luôn chạy vãi linh hồn khi trông thấy con mèo.

Kỳ nhông phải chọn "tay vịn" là liên tục đổi màu, còn voi, sư tử thì không!

Bi kịch trong "thời của tay vịn" là ở chỗ: Rất nhiều nhân vật chính trong chính kịch vẫn vẫn phải đeo mặt nạ.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị