Thời điểm 'tội phạm cũng ăn Tết' và hành vi thể hiện nỗi sợ của kẻ thủ ác

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, việc hung thủ phi tang thi thể nạn nhân xuất phát từ nỗi sợ trong thẳm sâu tâm lý nội tâm đối tượng.

Vừa qua, TP Hà Nội xảy ra vụ trọng án, nghi phạm Hoàng Minh Hào 20 tuổi (quê Bắc Giang) khai nhận sát hại chị Lê Thị Thùy Linh (21 tuổi, quê Thanh Hóa) để cướp tài sản.

Thủ đoạn của Hào, theo Công an Hà Nội, là lợi dụng thời điểm chị Linh một mình dẫn đối tượng đi xem phòng trọ để bóp cổ nạn nhân đến chết rồi giấu xác vào tủ bếp.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học) đã có những chia sẻ dưới góc độ tâm lý tội phạm học, đồng thời đưa ra những lời khuyên nhằm phòng tránh những tình huống tương tự.

"Tội phạm cũng cần ăn Tết"

Nhận định của Thượng tá Hiếu cho rằng, có thể thấy mẫu số chung của các vụ án Giết người đều là kẻ thủ ác hướng tới tài sản của nạn nhân.

"Nói cách khác, động cơ gây án của hung thủ là chiếm đoạt tài sản. Và để thực hiện được điều này, chúng không ngần ngại ra tay tước đoạn tính mạng của nạn nhân", ông Hiếu nói.

Theo vị tiến sĩ, cùng thời điểm này cũng đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn xảy ra ở nhiều địa phương. Điều này không phải là ngẫu nhiên mà tội phạm cướp gia tăng đột biến như đang thấy. Nó phản ánh rất nhiều vấn đề hệ trọng.

Ông Hiếu phân tích, trước tiên có thể thấy những vấn đề của tình hình kinh tế xã hội luôn tác động sâu sắc đến đời sống dân sinh và tình hình tội phạm.

Thời gian qua, đời sống kinh tế xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do hậu quả từ đại dịch Covid-19, chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng các yếu tố bất lợi khác… dẫn đến doanh nghiệp mất đơn hàng, phá sản, người lao động mất việc làm, không có thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.

Thời điểm tội phạm cũng ăn Tết và hành vi thể hiện nỗi sợ của kẻ thủ ác-1
Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Tổ quốc).

"Khi đó con người ta dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp nhằm kiếm tiền trang trải cho những nhu cầu cuộc sống", Thượng tá Hiếu cho hay.

Thứ hai, theo ông Hiếu, những vụ trọng án vừa qua phản ánh sự sa sút của đạo đức xã hội, vì tiền, vì lợi ích vật chất, vì quyền lợi cá nhân ích kỷ, nhiều người sẵn sàng chà đạp lên các chuẩn mực đạo đức, quy phạm pháp luật, miễn là có lợi cho mình.

Sau cùng, vị thượng tá công an nhận định, đã thành quy luật vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán hằng năm, tình hình tội phạm sẽ có những diễn biến phức tạp. Lý do là năm hết tết đến, nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đi lại của cộng đồng tăng cao.

"Giống như mọi người, tội phạm cũng cần ăn Tết, chỉ có điều chúng không có cách nào khác để thỏa mãn nhu cầu đó ngoài việc tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc làm những việc bị cấm để trục lợi", ông Hiếu nói.

Phi tang thi thể nạn nhân xuất phát từ nỗi sợ

Trong các vụ án xảy ra thời gian gần đây, tiến sĩ Đào Trung Hiếu nhận định hành vi của thủ phạm là đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền được sống và quyền sở hữu tài sản.

"Có thể thấy trong các vụ án này, hành vi phạm tội của các đối tượng có ác tính rất cao, phản ánh sự suy thoái trầm trọng trong nhân cách con người, đặc trưng đó là sự ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi thường tính mạng người khác.

Thời điểm tội phạm cũng ăn Tết và hành vi thể hiện nỗi sợ của kẻ thủ ác-2
Đối tượng Hoàng Minh Hào (Ảnh: Công an Hà Nội)

Khi thực hiện tội phạm, các đối tượng bị thúc đẩy bởi động cơ thỏa mãn nhu cầu vật chất. Để chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, đồng thời lo sợ nếu để nạn nhân sống hành vi phạm tội sẽ bị tố cáo nên chúng đã xuống tay tàn bạo, quyết tâm tước đoạt sinh mạng con người", Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Theo vị chuyên gia, việc hung thủ phi tang thi thể nạn nhân xuất phát từ nỗi sợ trong thẳm sâu tâm lý nội tâm đối tượng.

"Chúng thừa biết hành vi của mình là phạm trọng tội, nếu bị phát hiện, bắt giữ, sẽ phải đối diện với những hình phạt nghiêm khắc để trả giá cho tội ác. Vì vậy, bản năng tự vệ của động vật mách bảo chúng phải làm mọi việc để ngăn ngừa mọi nguy cơ bất lợi đối với mình", ông Hiếu nói và chỉ ra đây là động cơ tâm lý để nhiều kẻ thủ ác xuống tay giết người diệt khẩu, hoặc sẵn sàng phân xác, phi tang xác nạn nhân.

Bên cạnh đó, theo Thượng tá Hiếu, việc điều tra bắt giữ thủ phạm gây trọng án cũng dễ gặp tình huống đối tượng chống trả manh động khi chúng cảm thấy nguy hiểm. 

Vai trò của nạn nhân trong cơ chế hành vi phạm tội

Phân tích sâu thêm về động cơ của tội phạm Giết người, Cướp tài sản, ông Hiếu cho biết hung thủ đã chứa đựng sẵn trong tâm lý những đặc điểm tiêu cực, đó là sự lệch lạc, lệch chuẩn mực, như lối sống ích kỷ, độc ác, hành động chỉ theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển, coi nhẹ những giá trị đạo đức, chuẩn mực của đời sống chung, trật tự pháp luật. 

"Với một người đã có sẵn trong nhân cách những đặc điểm tiêu cực, khi gặp phải tình huống thuận lợi như: Nạn nhân có tài sản nhưng lại chủ quan, sơ hở, thiếu cảnh giác...; hoặc trong điều kiện hoàn cảnh cho phép, đối tượng dễ tấn công, khống chế nạn nhân như: Chỉ có một mình, trong đêm tối hay tại nơi vắng vẻ, không thể có sự trợ giúp từ bên ngoài... rất dễ hình thành nên ý định phạm tội", Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Tuy nhiên, trong các vụ án vừa xảy ra, ông Hiếu cũng nhìn nhận một thực tế các nạn nhân đã tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm. 

Thời điểm tội phạm cũng ăn Tết và hành vi thể hiện nỗi sợ của kẻ thủ ác-3
Chị Lê Thị Thùy Linh (Ảnh: Đ.X).

Cụ thể, theo vị tiến sĩ Tội phạm học, nạn nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở cả 3 khâu: Làm nảy sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm; tạo điều kiện cho tội phạm được thực hiện một cách thuận lợi, dễ dàng.

Nếu nạn nhân có ý thức cảnh giác, không đi cùng người lạ, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, biết cách ứng phó tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ... có thể không xảy ra tội phạm hoặc giảm thiểu được hậu quả, tác hại. 

"Do đó, để chủ động phòng ngừa tội phạm cướp, mỗi người không thể thờ ở với an nguy của mình. Trên thực tế, có rất nhiều tình huống xảy ra cướp. Nếu kẻ cướp đột nhập vào nhà, chúng thường sử dụng vũ lực (hung khí) tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc để đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản", ông Hiếu nói và khuyến cáo mọi người cần tăng cường ý thức cảnh giác trước sự xuất hiện của người lạ mặt, những biểu hiện bất thường trong đêm tối; cảnh giác cao khi tiếp xúc với những người không quen biết, hoặc những người có quen biết nhưng đã lâu không gặp, không rõ công việc và hoạt động hiện hành của họ là gì. 

Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh người dân không khoe của cải hoặc để lộ thông tin về việc có khoản tiền, tài sản có giá trị.

Đối với những người ở một mình, cần thận trọng và hạn chế việc mời người khác đến chỗ ở của mình để trò chuyện, ăn uống, sinh hoạt, nhất là đối với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động. 

"Tình huống buộc phải giao tiếp với người lạ tại không gian riêng tư, vắng vẻ chỉ có 2 người, nên thông báo cho người thứ 3 biết; có thể lấy lý do hợp lý để chụp hình của khách với mình bằng điện thoại, rồi đưa lên mạng xã hội; đồng thời thận trọng trước những lời mời đến nhà riêng, khách sạn, nhà nghỉ, đến những nơi hoang vu, vắng vẻ… với những người mới quen", Thượng tá Hiếu đưa ra lời khuyên

Với những trường hợp phải đối diện với cướp, Thượng tá Hiếu lưu ý, rằng hầu hết bọn cướp tài sản đều mang theo dao nhọn, dao bấm… để tấn công, khống chế nạn nhân hoặc phòng thân trước nguy cơ bị bắt giữ.

"Do đó, khi đã bị cướp uy hiếp, đe dọa với hung khí trên tay, trong hoàn cảnh không thể có sự trợ giúp từ bên ngoài thì giải pháp khôn ngoan nhất là hãy tỏ ra hợp tác, phục tùng mọi yêu sách của đối tượng để bảo đảm an toàn tính mạng của mình", ông Hiếu nhấn mạnh.

Vị tiến sĩ cho rằng, nạn nhân khi đó cần quán triệt phương châm "mạng sống chỉ có một lần, còn của cải mất đi có thể làm lại".

"Đừng vì tâm lý luyến tiếc tài sản mà hành động bản năng như ôm giữ, giằng giật, tri hô, đánh trả bọn cướp khi không có khả năng, tương quan lực lượng yếu hơn hẳn, không có sự trợ giúp", ông Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia, trong khi thực hiện yêu cầu của tên cướp, cần kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm của đối tượng, như số lượng, giới tính, giọng nói, khuôn mặt, các đặc điểm dị hình như vết xăm trổ, vết sẹo, đồ trang sức trên người, quần áo, giày dép, phương tiện cầm theo…

Đồng thời, nạn nhân cần chú ý quan sát tình hình, tận dụng thời cơ thuận lợi để bỏ chạy đến nơi an toàn, hoặc bất ngờ tấn công lại đối tượng sau khi cân nhắc cẩn thận các khả năng có thể xảy ra.

Theo cơ quan chức năng, ngày 22/1, sau khi trộm cắp một xe máy Honda Vision ở ngõ 190 Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Hoàng Minh Hào đã đem cầm cố lấy 10 triệu đồng. Sau đó, đối tượng thuê nhà nghỉ tại khu vực bến xe Mỹ Đình và ở đến trưa 25/1 thì bắt xe khách đi Hà Tĩnh chơi Tết.

Sáng 16/2, trong quá trình đi xe khách về Hà Nội, Hoàng Minh Hào lên mạng xã hội Facebook tìm nhà trọ và đã liên hệ được với chị Lê Thị Thùy Linh.

Khoảng 17h30 cùng ngày, Hào hẹn gặp chị Linh tại nhà số 1, hẻm 14, ngách 40 ngõ 79 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) để xem phòng trọ.

Do không đủ tiền đặt cọc nên Hào đi về. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, đối tượng tiếp tục hẹn gặp chị Linh tại nhà trọ nêu trên để đặt cọc tiền thuê nhà.

Tại đây, Hào đã được chị Linh dẫn lên phòng 302, tầng 3 để xem phòng. Thấy chị Linh đi một mình nên đối tượng đã nảy sinh ý định cướp tài sản và đã dùng tay bóp cổ nạn nhân.

Sau khi phát hiện chị Linh chết, Hào giấu xác nạn nhân vào ngăn tủ bếp. Sau đó, bị can đã lấy một xe máy Honda Vision, 2 điện thoại của nạn nhân và rời khỏi hiện trường. 

Theo Công an Hà Nội, Hào sử dụng xe máy của chị Linh làm phương tiện đi lại và đã thuê nhà để ở tại phố Nguyễn Đình Hoàn (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy).

Đến trưa 19/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện, bắt giữ Hào tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ngày 20/2, Hoàng Minh Hào bị khởi tố về tội Giết người, Cướp tài sản.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/phap-luat/thoi-diem-toi-pham-cung-an-tet-va-hanh-vi-the-hien-noi-so-cua-ke-thu-ac-20240221144241776.htm?fbclid=IwAR1LTUknsyqt6fwp_nhjtZwzhDQKigrpUg57nn7QNYtxfe5QYIgIK0fsStw

cướp tài sản Giết Người

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao