Trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, nhiều chương trình kích thích mua sắm hưởng ứng “ngày thứ sáu đen tối” - Black Friday - đồng loạt được khởi động. Các sàn chú trọng giảm giá mặt hàng thời trang, tiêu dùng và một số sản phẩm công nghệ.
Không chỉ áp dụng giảm giá trên 50%, nhiều mặt hàng khi mua còn được tặng voucher, hoàn tiền. Một số sản phẩm thậm chí giảm giá tới 95% khiến nhiều người nghi ngờ về mức giá ban đầu.
Chương trình khuyến mãi dịp Black Friday đang diễn ra rầm rộ.
Tự tăng giá bán lên cả chục lần rồi thông báo giảm sốc
Anh Nguyễn Việt Hùng (37 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) muốn mua một chiếc đồng hồ mặt đen, giá mềm đeo dịp cuối năm. Anh chọn cách truy cập cùng lúc nhiều trang thương mại điện tử, tìm mẫu ưng ý rồi so sánh giá giữa các cửa hàng với nhau.
Gõ từ khóa “đồng hồ mặt đen, giá rẻ” trên một trang thương mại điện tử, kết quả trả về hàng trăm mẫu sản phẩm đồng hồ. Anh Hùng đặc biệt chú ý đến chiếc được quảng cáo giảm 95%.
Cụ thể, chiếc đồng hồ có tên Dizizid dây đeo kim loại mã Gad6k được thông báo giảm từ 1.900.000 đồng xuống còn 99.000 đồng. Mặt hàng này chỉ được khuyến mãi trong ít giờ và đã sắp hết hàng.
Chiếc đồng hồ được quảng cáo giảm 95%, nhưng vẫn đắt hơn giá bán tại một số kênh khác.
Muốn xác minh chương trình giảm giá “khủng” là có thật và biết thêm thông tin về chiếc đồng hồ, anh Hùng nhắn tin cho shop nhưng không thấy phản hồi. Anh cũng không tìm được số điện thoại của cửa hàng để liên hệ.
Trong khi đó, tại các kênh bán khác, giá chưa khuyến mãi của chiếc đồng hồ Dizizid mã Gad6k dao động từ 79.000 đồng đến 159.000 đồng. Một người bán tên Thành cho biết hàng xuất xứ Hong Kong và khẳng định không thể có giá bán ban đầu là 1.900.000 đồng/chiếc.
“Nếu đồng hồ mặt đá sapphire thì có thể, nhưng sale còn 99.000 đồng thì ai tin hả bạn. Chỗ tôi giá chưa giảm còn thấp hơn giá khuyến mãi 95% bên họ. Cửa hàng đó tự tăng rồi thông báo hạ giá sốc để kích thích mua hàng thôi”, anh Thành nói.
Trước thông tin trên, anh Hùng cho biết từng nghe chuyện người bán tự tăng giá rồi giảm để đảm bảo lợi nhuận, nhưng “không ngờ lại tự tăng hàng chục lần đến vậy”. Anh Hùng tỏ ra khá thất vọng và cho biết sẽ đến các cửa hàng uy tín để tham khảo.
Cùng một chiếc TV nhưng giá chưa giảm chênh nhau gần chục triệu đồng
Dịp Black Friday, TV màn hình lớn được nhiều người “săn đón” tại các siêu thị điện máy. Người mua thường chú ý đến phần trăm giảm giá và những tính năng nổi bật của sản phẩm.
Một khách hàng tên Chiến sẵn sàng bỏ tiền mua chiếc Samsung 55 inch vì thấy được giảm giá sâu, TV có chức năng xem lại chương trình truyền hình và có thể điều khiển bằng giọng nói. Thực tế, giá trước khi giảm của mẫu TV mà anh Chiến mua tại các đại lý chênh nhau lớn, do đó khi về cùng một mức giá, phần trăm giảm cũng là khác nhau.
Ví dụ mẫu smart TV Samsung 4K UA55NU7090 tại Media Mart được quảng cáo với mức khuyến mãi 52%, giảm giá từ 24,9 triệu đồng xuống còn 11,9 triệu đồng. Trong khi đó, mẫu TV này tại Điện máy Xanh và Điện máy HC đăng giảm lần lượt là 32% và 36%, cùng xuống mức 11,5 triệu đồng.
Cùng một mặt hàng, nếu so sánh giá chưa giảm giữa các đại lý sẽ thấy sự chênh lệch lớn. Ảnh minh họa.
Giá chưa giảm của mẫu smart TV Samsung 4K UA55NU7090 tại các siêu thị điện máy đã chênh nhau tới 8 triệu đồng. Thậm chí, khi tìm kiếm mẫu TV Samsung này trên một số sàn thương mại điện tử, mức giá đang được rao bán khoảng 10,5 triệu đồng, thấp hơn 1 triệu đồng so với giá khuyến mãi tại các siêu thị điện máy.
Một số mặt hàng khác như máy ảnh, laptop, tai nghe bluetooth cũng được quảng cáo giảm lên đến 50%, nhưng khi so sánh với giá bán hiện tại trên thị trường, chúng không có nhiều khác biệt.
Nhiều khách hàng sau khi tham khảo giá cho rằng đa phần đơn vị kinh doanh tại Việt Nam “ăn theo” ngày Black Friday chứ không giảm giá thật. “Ngày thường đã treo biển sale 50% rồi thì hôm nay chỉ treo thêm biển Black Friday thôi. Đây là chiêu trò làm giá sản phẩm để xả hàng”, một người nói.
Giảm rủi ro sập bẫy khuyến mãi ảo, cần tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá
Chiêu nâng giá sản phẩm trước khi giảm không mới, nhưng theo anh Nguyễn Văn Hạnh (Đan Phượng, Hà Nội) - chủ một cơ sở kinh doanh mặt hàng giày tại Hà Nội, để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo là không hề dễ. Tuy nhiên, vẫn có cách để giảm thiểu tối đa rủi ro khi mua hàng.
Trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng nên so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác. Bên cạnh đó, đừng quá chú tâm vào con số giảm giá bao nhiêu phần trăm.
Anh cũng khuyên chọn cửa hàng uy tín nếu muốn mua trực tiếp. Với những trang bán hàng online trên Facebook, người dùng cần yêu cầu kiểm tra hàng trước khi thanh toán để tránh mất tiền vào hàng giả, hàng kém chất lượng được xả ra trong những ngày này.
Với những chương trình khuyến mãi Black Friday diễn ra theo khoảng thời gian nhất định và số lượng hàng bán giới hạn, người dùng cần tìm hiểu sản phẩm và canh trước thời điểm hãng tung ra khuyến mãi.
Anh Hạnh khẳng định vẫn có nhiều mặt hàng giảm giá thật, có giá tốt. Người mua cần tinh ý và có thông tin về sản phẩm.
Theo Zing