Theo Daily Mail, mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học London tiến hành khảo sát mức độ sử dụng Facebook và các phương tiện truyền thông đại chúng trên nhóm bạn trẻ trong độ tuổi 16-19.

Kết quả được đăng trên tạp chí Frontiers in Psychology (Mỹ) cho thấy, có tới 70% đối tượng khảo sát dành ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ sử dụng những phương tiện này.

Thói quen lướt facebook mỗi tối tiềm ẩn những mối nguy hại không ngờ
Thói quen lướt Facebook mỗi tối tiềm ẩn nhiều mối nguy hại không ngờ.

Các nhà khoa học cảnh báo thói quen tưởng như vô hại làm bộ não quá tải, khiến cho việc đi vào giấc ngủ trở nên khó khăn.

Những bạn trẻ hay thức khuya lướt Facebook thường không ngủ đủ giấc như các nhà khoa học khuyến cáo. Điều này khiến họ mệt mỏi mỗi khi tới lớp và có điểm thi thấp hơn 20% so với bạn học không có thói quen này.

Các bậc phụ huynh có đủ lý do để quan ngại về việc con mình thường xuyên tán gẫu với bạn bè và chỉ rời chiếc điện thoại khi đã rất muộn.

Tiến sĩ Dagmara Dimitriou - tác giả chính của cuộc khảo sát - cho biết: “Thật đáng lo ngại khi học sinh, sinh viên không hiểu được rằng, giấc ngủ rất cần thiết cho quá trình củng cố tư duy và kiến thức”.

Tình trạng thiếu ngủ hay không ngủ đủ giấc gây ảnh hưởng tiêu cực tới thành tích học tập ở trường
Tình trạng thiếu ngủ hay không ngủ đủ giấc gây ảnh hưởng tiêu cực tới thành tích
học tập ở trường.


Bà cũng cho hay, mỗi khi trò chuyện trực tuyến, ánh sáng từ các thiết bị điện tử ngăn cản quá trình sản sinh hoóc môn bóng đêm melatonin, khiến các bạn trẻ không có cảm giác buồn ngủ. Tình trạng thiếu ngủ hay không ngủ đủ giấc gây ảnh hưởng tiêu cực tới thành tích học tập ở trường.

Tiến sĩ Dimitriou cùng các đồng sự hiện tiến hành những nghiên cứu sâu hơn về chất lượng và thời lượng của giấc ngủ.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Na Uy kết luận, cứ mỗi 4 giờ sử dụng thiết bị điện tử làm tăng thêm nguy cơ mất một giờ đồng hồ để vào giấc ngủ lên tới 49%. Một cuộc khảo sát của Đại Học Derby được tiến hành vào tháng 3 cho hay, cứ 8 người lại có một người mê sử dụng iPhone.

Theo Zing