Thời tiết ngày càng dị thường

Nhiều kỷ lục thời tiết được thiết lập trong năm 2023, cho thấy thiên tai ngày càng khó lường và khắc nghiệt.

Nắng nóng kỷ lục

Những ngày đầu tháng 5, các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ trải qua một đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt. Ngày 6/5, tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) ghi nhận nhiệt độ 44,1 độ, mức nhiệt cao nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó, vượt qua mức 43,3 độ tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ghi nhận ngày 20/4/2019.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, trưa 7/5, nhiệt độ ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An đã xô đổ kỷ lục vừa được thiết lập tại Hồi Xuân, mức nhiệt cao nhất trong lịch sử ngành khí tượng.

Điều đáng chú ý, nắng nóng đặc biệt gay gắt và kéo dài xảy ra khi miền Bắc và Bắc Trung Bộ chưa vào chính hạ (tháng 6,7), cho thấy sự dị thường của thời tiết.

Thời tiết ngày càng dị thường-1
Mưa lớn cuối tháng 10 xảy ra tại Hà Tĩnh. Ảnh: Hoài Nam.

Miền Bắc cũng trải qua những ngày đầu đông năm nay “nóng chưa từng thấy”. Tại đồng bằng Bắc Bộ, đầu tháng 10, một đợt nắng nóng cục bộ đã xảy ra, điều cực kỳ hiếm gặp trong những năm trước.

Nhiệt độ đo tại Láng (Hà Nội) ngày 5/10 lên tới 36,4 độ, trở thành ngày nóng nhất tại Hà Nội trong tháng 10, vượt qua kỷ lục thiết lập vào 20 năm trước. Riêng tại Sông Mã (Sơn La) ngày 5/10, nhiệt độ cao nhất lên tới 37,1 độ, vượt qua kỷ lục thiết lập trước đó 57 năm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nền nhiệt trung bình tháng 10/2023 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ, có nơi trên 2 độ.

Tháng 11, cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,0-1,5 độ, có nơi cao hơn 1,5 độ. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 12/2023 cao hơn 1,5- 3 độ so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Tây Bắc Bộ cao hơn tới 3-4 độ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những tháng đầu mùa đông năm nay khá điển hình cho một năm chịu tác động của El Nino với nền nhiệt cao.

Không có bão đổ bộ vào đất liền

Thời tiết ngày càng dị thường-2
Năm 2023 ghi nhận nắng nóng nhất lịch sử khí tượng Việt Nam tại Tương Dương, Nghệ An. Ảnh minh họa: Như Ý.

Ngày 8/5, cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ xác nhận El Nino chính thức bắt đầu, khi nhiệt độ nước biển đo được cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5 độ, ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino.

Những nghiên cứu cho thấy, số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông những năm El Nino ít hơn hẳn trung bình nhiều năm. Điều này được minh chứng rõ nét trong năm nay khi không một cơn bão nào đổ bộ nước ta.

Từ đầu mùa bão đến nay, Biển Đông ghi nhận 5 cơn bão hoạt động và hai áp thấp nhiệt đới, gần nhất là áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Jelawat nhưng tan ngay khi tới khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Con số này ít hơn hẳn so với trung bình nhiều năm (khoảng 10-12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới).

Trong số này, ngoài áp thấp nhiệt đới ngày 25/9 đổ bộ vào Huế và Quảng Trị, 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới còn lại tan ngay trên biển hoặc tan khi đến đảo Hải Nam (Trung Quốc). Riêng bão số 1 đi dọc biên giới Việt - Trung và tan thành vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Lạng Sơn.

Như vậy, không có cơn bão nào trực tiếp đổ bộ đất liền nước ta trong mùa bão năm nay. Trước đó, theo số liệu của ngành khí tượng, trong lịch sử chỉ có hai năm 1976 và 2002 là không có cơn bão nào đổ bộ nước ta.

Rét đậm đến sớm

Những nhận định ban đầu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, do tác động của El Nino, rét đậm, rét hại năm nay có thể đến muộn và ngắn ngày, mùa đông ấm hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy khác biệt.

Thời tiết ngày càng dị thường-3
Miền Bắc, Bắc Trung bộ trải qua đợt rét dị thường nửa cuối tháng 12. Ảnh: Như Ý.

Đối lập với nửa đầu tháng 12 “nóng chưa từng thấy”, nửa cuối tháng 12, miền Bắc và Bắc Trung Bộ lại đón rét dị thường khi các đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh tràn xuống nước ta và liên tiếp tăng cường sau đó.

Miền Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An chìm trong rét đậm, rét hại kéo dài. Nhiệt độ ghi nhận tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là -2,2 vào sáng sớm ngày 22/12. Nhiều vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Y Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Yên Tử (Quảng Ninh) xuất hiện băng giá.

So với trung bình nhiều năm, rét đậm thường xuất hiện từ cuối tháng 12, rét đậm năm nay đến sớm, đẩy nền nhiệt nửa cuối tháng 12 thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt và dị thường với xu thế chung là nhiều kỷ lục thời tiết được xác lập, mà năm 2023 là một minh chứng.

Miền Trung mưa lũ bất thường

Điểm đặc trưng của những năm El Nino là khô hạn, ít mưa. Điều này đúng với phần lớn các khu vực ở nước ta năm nay, đặc biệt là miền Bắc. Tuy nhiên, miền Trung lại khác biệt khi mưa lớn liên tiếp xảy ra, nhiều nơi xuất hiện mưa kỷ lục.

Trước đó, ngày 14/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở hai tỉnh/thành phố là Đà Nẵng và Huế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng Việt Nam phát đi rủi ro thiên tai cấp 4, cũng là mức nguy hiểm nhất do loại hình thiên tai này gây ra.

Tổng lượng mưa ghi nhận trong tháng 10 tại Đà Nẵng là 1.826mm, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào mùa mưa bão lịch sử 2020. Riêng ngày 13/10, mưa ở Đà Nẵng lên tới 409mm, là lượng mưa ngày cao nhất lịch sử. Ngập úng diện rộng đã xảy ra ở khắp thành phố ven biển này, có nơi ngập gần 2m.

Sau đó, khoảng giữa tháng 11, thêm một đợt mưa rất lớn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung, tập trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, trọng tâm là Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Trong đợt mưa lớn này, Thừa Thiên Huế là tỉnh gánh chịu hậu quả nặng nề nhất với tổng lượng mưa ở nhiều nơi lên tới trên 1.000mm.

Do mưa lớn kéo dài, mực nước lũ tại các trạm Kim Long và Phú Ốc đều trên BĐ3, là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm qua. Nhiều huyện, thành phố, thị xã của Thừa Thiên Huế chìm sâu trong nước, trong đó hạ lưu sông Hương là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Từ giữa tháng 11 và tháng 12, miền Trung vẫn tiếp tục gánh chịu nhiều đợt mưa lớn, dù cường độ không lớn bằng hai đợt trước.

Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục ở khu vực này trong thời gian tới, do hình thế gây mưa điển hình là không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/thoi-tiet-ngay-cang-di-thuong-post1599905.tpo?fbclid=IwAR2fvvuKmVE7HaRJh8o0df9CZGCZ4mvY7eJ4C7cyfADrC9Lq42uNcY5VETs

nắng nóng rét đậm Dự Báo Thời Tiết

Tin tức mới nhất