Bùi Nguyễn Tường Vy và Bùi Nguyễn Tường Vân (sinh năm 1990) là cặp chị em sinh đôi nổi tiếng trong cộng đồng cosplay Sài Gòn.
Cả hai từng thực hiện một số bộ ảnh cosplay cho game như Đấu phá thương khung, Liên minh huyền thoại, Võ lâm truyền kỳ 3D... Đặc biệt, Tường Vy là một trong những cosplayer gây ấn tượng nhất tại "Đại hội Thể thao điện tử 2014" với màn trình diễn Sona Cổ Cầm.
Bắt đầu tham gia trình diễn cosplay từ năm 2002, tự thực hiện các bộ đồ hóa trang vào năm 2014, đến nay, cặp chị em 26 tuổi tiếp tục nuôi dưỡng sở thích cosplay của mình.
Cũng như Vy và Vân, gần 10.000 thành viên của Hội cosplay Sài Gòn mang trong mình đam mê, sự đầu tư và tài năng thực sự ở môn nghệ thuật không quá phổ biến - cosplay.
Cosplay không chỉ là cuộc chơi "sớm nở tối tàn" mà còn cần sự đam mê, đầu tư thời gian, tiền bạc, cũng như tài năng thực sự của người chơi.
Thú chơi đắt đỏ
Cosplay xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000 và đến thời điểm này vẫn là xu hướng phát triển.
Tường Vy cho hay mỗi bộ đồ hóa trang cô thường may từ 3 tuần đến 1 tháng, tùy vào các chi tiết, phụ kiện hay dụng cụ đi kèm.
"Lúc mới bắt đầu, mình thường nhờ người may, vài năm gần đây mới tự chuẩn bị tất cả, từ quần áo, tóc giả, cặp, nơ, trang điểm, đao, kiếm... Mỗi bộ trang phục có giá vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Nếu thêm trang sức, số tiền này còn đội lên kha khá", Vy thông tin.
Đa số các sự kiện cosplay đều không có hỗ trợ. Những cuộc thi có giá trị như đại hội cosplay của game rất hiếm khi xuất hiện và không dễ dàng đoạt giải cao. Vì vậy, hai chị em phải tiết kiệm tiền "nuôi" đam mê. Đôi khi, họ còn cho thuê hoặc nhận may trang phục.
Trần Quỳnh Hương (sinh năm 1995, sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM) bắt đầu "chơi cos" từ năm 2011. Nữ sinh khẳng định cosplay là sở thích tốn thời gian và tiền bạc.
"Kể cả tự làm đồ cho bản thân cũng chỉ giảm chi phí một phần. Khi khoác lên người trang phục hóa trang, bạn sẽ cần mua dụng cụ sửa đồ, tiền trang điểm. Nếu muốn xinh đẹp, bạn phải mua loại mỹ phẩm tốt nhất. Người chơi cũng cần học cách makeup, trừ khi có người giúp. Và vì màu tóc của nhân vật luôn thay đổi, bạn cũng phải chi thêm tiền mua tóc giả nữa", Quỳnh Hương giải thích.
Thậm chí, khi đã xong phần áo quần, người chơi cosplay còn phải lo đến trình diễn. Để tới được một festival (tên gọi chung của các buổi trình diễn cosplay), người trẻ cần chi tiền để làm phụ kiện sân khấu, tiền vận chuyển phụ kiện, tiền vé, đồ ăn.
Nhiều trường hợp người chơi không thích trình diễn mà muốn chụp ảnh cũng tốn kém theo cách khác.
Hoàng Lâm (sinh năm 1989, quận Bình Chánh, TP.HCM) là một trong những người chụp ảnh cosplay có tiếng Sài Gòn. Cậu đánh giá để có shoot ảnh đẹp, người chơi cần một đội chuyên nghiệp.
"Thợ ảnh chuyên nghiệp và những thứ liên quan không hề rẻ chút nào, phải đến tiền triệu một bộ", Lâm tiết lộ.
Không chỉ là việc khoác lên mình bộ đồ hóa trang, các cosplayers cần nắm bắt thần thái của nhân vật.
Cosplay không chỉ là khoác lên mình bộ đồ hóa trang
Đằng sau gương mặt rạng rỡ và bộ quần áo sang chảnh của các cosplayer là những khó khăn "chỉ người trong cuộc mới hiểu".
Đỗ Lê Tùng Lan (sinh năm 1999, Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ phần lớn các buổi diễn cô bạn đều mướt mải mồ hôi vì trang phục dày, mái tóc giả khó chịu và lớp trang điểm trên mặt.
Bên cạnh đó, việc bắt được thần thái cũng như bắt chước động tác nhân vật không dễ. Khi xuất hiện, mỗi cosplayers chỉ có 5-6 giây để gây ấn tượng cho người xem.
"Một số nhân vật thường xuyên được các bạn 'cos đi cos lại' là Naruto và Kakashi trong Naruto, Sakura trong Card Captor Sakura, Kenshin và Kaoru trong Rurouni Kenshin... có trang phục đơn giản, dễ mô phỏng nhưng gây nhàm chán, không ấn tượng. Các cosplayer luôn phải dẫn đầu xu hướng", Tùng Lan nói.
Quỳnh Hương nhận định trong cosplay, khuôn mặt là thứ người ta nhìn đến đầu tiên. Vì vậy, nếu các cosplayers không xinh, điều này đồng nghĩa việc hóa trang không thành công.
"Rất may là người châu Á thuận lợi trong việc cosplay nhân vật của Nhật Bản như anime, manga. Còn các bạn châu Âu phù hợp những nhân vật trong comic, game", Hương cho hay.
Hương chia sẻ không phải cứ thích nhân vật nào là có thể hóa thân. Người chơi thông mình cần phải hiểu giới hạn của bản thân và tìm những đặc điểm phù hợp với mình.
"Nếu như xinh đẹp, bạn sẽ hợp hầu hết các nhân vật anime. Người to, cơ bắp và có bộ râu, hãy thử cosplay ai đó trong TF2 hoặc Skyrim. Thân hình nhỏ bé, nhan sắc trung bình, người chơi có thể thử nhân vật cũng nhỏ bé như mình. Nếu cao to hoặc là cô gái khá lực lưỡng, bạn nên thử Tamako trong Silver Spoon hoặc Sakura trong Dagnganronpa", Quỳnh Hương nói.
Cộng đồng cosplay Sài Gòn thường xuyên tổ chức sự kiện riêng để biểu diễn.
Nuôi dưỡng niềm đam mê thật sự
Để trở thành cosplayer, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, người chơi phải có đam mê môn nghệ thuật đặc biệt này.
Không những thế, họ còn phải hiểu biết về cách hóa trang hoặc có năng khiếu trang điểm, có kinh tế vững chắc để đầu tư trang phục, màu tóc... dành riêng cho nhân vật. Quan trọng nhất, đó phải là người có cá tính, sức sáng tạo phong phú.
Tường Vy nhớ lại những ngày đầu gia đình cô không ủng hộ cặp chị em đi theo sở thích khác biệt này vì tốn kém, không thực tế và "lạ đời".
"Nhưng mình thích cảm giác được sống trong thế giới của nhân vật, được thực hiện những bộ quần áo giống nhân vật yêu thích. Sau này, cả hai đều cố gắng làm việc và học tập tốt, có việc làm ổn định, tự chủ kinh tế, ba mẹ dần yên tâm và không phản đối hai đứa chơi cos nữa", Vy cho hay.
Cặp chị em này từng xuất hiện trong show diễn thời trang mang tên The Twins của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường vào năm 2014, được mời tham gia trình diễn cosplay, làm ban giám khảo các cuộc thi trang phục cos.
Cũng từng bị gia đình ngăn cấm không được chơi cosplay, Tùng Lan lại chứng minh cho người thân bằng cách sử dụng đúng tài năng trong việc may đồ của mình theo học ngành Thiết kế thời trang.
"Đó là đam mê, cũng là năng khiếu của mình. Thế giới cosplay nhìn vào dễ nhầm tưởng chỉ có sống ảo, chụp ảnh, bắt chước, nhưng lại là những cố gắng từng ngày. Có gì sai đâu nếu chúng mình hết lòng theo đuổi sở thích cá nhân?", Lan tâm sự.
Cosplay là thuật ngữ kết hợp của "costume" (trang phục) và "role play" (hóa thân). Từ này chỉ việc một người ăn mặc hoặc bắt chước điệu bộ giống các nhân vật yêu thích trong manga, anime, tokusatsu (phim hiệu ứng), truyện tranh, tiểu thuyết đồ họa, video games, phim giả tưởng, ca sĩ,...
Các cosplayers thường lập nhóm hoặc câu lạc bộ để luyện tập và diễn cùng nhau. Ngoài ra, họ còn tham gia vào các sự kiện, lễ hội liên quan những tác phẩm nghệ thuật có nhân vật giả tưởng được yêu thích, thậm chí tổ chức sự kiện riêng để biểu diễn.
Theo Zing