- Cảm xúc của chị như thế nào khi sau 20 năm phát sóng, bộ phim “Của để dành” bỗng nhiên gây "sốt" trở lại?
Tôi cũng có phần hơi ngạc nhiên và bất ngờ vì bộ phim Của để dành do NSƯT Đỗ Thanh Hải làm đạo diễn đã phát sóng từ năm 1998 nhưng đến bây giờ vẫn còn được nhiều người yêu thích và nhắc tới. Tôi còn nhớ, năm 1998, khi tôi vừa tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh thì được mời đóng phim Sóng ở đáy sông và phim Của để dành.
Thư đanh đá của phim "Của để dành" (bên trái) sau 20 năm đã đổi khác rất nhiều.
Cả hai phim cùng thực hiện trong một năm, phim Của để dành thực hiện hồi tháng 5 khi đó thời tiết Hà Nội mới vào hè nên khá nóng nực. Tuy nhiên, khi phim hoàn thiện xong phần hậu kỳ thì phát luôn vào năm 1998, rồi sau đó được phát sóng đi phát sóng lại rất nhiều lần. Và lần nào lên sóng, bộ phim cũng gây “sốt” vì thời đó phim truyền hình đang rất ít.
Thêm vào đó, cuộc sống của gia đình bà Vi trong phim cũng là cuộc sống mà nhiều gia đình Hà Nội gốc đang trải qua như: nhà cửa chật chội, sử dụng công trình vệ sinh chung, nấu ăn bằng bếp than củi, đi chợ bằng làn nhựa... Ở thời điểm đó, “mốt” thuê - thay người giúp việc đang rộ lên trong nhiều gia đình Hà Nội. Rồi nhân vật trong phim cũng đời, các tình tiết đặt ra rất gần gũi và cách nói chuyện cũng dân dã... nên đi vào lòng người xem rất dễ.
Cho đến bây giờ, nhiều khán giả vẫn còn rất tâm đắc với bài học về chữ “hiếu” và thấm thía với cuộc sống thời kỳ đó nên họ vẫn thích xem phim này dù phim đã ra đời tận 20 năm rồi. Đó chính là giá trị bền vững của một bộ phim mà bản thân tôi cũng như ê-kíp làm phim không thể không hạnh phúc.
- Trong phim “Của để dành”, nhân vật Thư do chị đảm vai là một cô gái rất ghê gớm, đanh đá, đỏng đảnh và ngang bướng. Chị có gặp nhiều rắc rối với vai diễn này sau khi phim phát sóng không?
Đúng là vai Thư đã khiến tôi bị “chết” vai, bị quên mất tên thật ở ngoài đời. Nhiều khi đang đi ngoài đường lại giật bắn mình vì có ai đó cứ chỉ chỉ trỏ trỏ bảo: “Con ghê gớm kia kìa, đừng có dây vào nó”. Nhiều khi đi chợ mua đồ họ còn không thèm bán vì ghét Thư trên phim.
Bây giờ thỉnh thoảng ra ngoài đường hoặc về quê mọi người vẫn nhận ra tôi. Thậm chí, không chỉ thế hệ 7x, 8x đâu mà cả một số bạn 9x cũng nhận ra. Nhiều bạn nhìn thấy tôi cứ thì thà thì thụt với nhau: “Bà Thư đanh đá kìa. Bà này chắc ngoài đời phải đanh đá lắm đây. Đừng có dại mà dây vào”. Đến bây giờ nhiều khán giả vẫn ghét tôi ra mặt.
Tuy nhiên, tôi cũng được nhiều thứ nhờ vai Thư đanh đá trong phim. Chẳng hạn như đi làm việc gì đó người ta nhìn thấy mặt là được nhường làm trước hoặc đôi khi đi sửa xe gặp đúng khán giả xem phim họ còn không lấy tiền cơ.
Thời điểm đóng "Của để dành", Thu Hường mới chân ướt, chân ráo ra trường.
Thực tế, Thư là một nhân vật đáng ghét nhưng cũng đáng yêu. Thư chỉ chao chác kiểu “khôn nhà dại chợ” thế thôi, ở nhà thì đành hanh, ghê gớm... chứ đến cơ quan thì lại rất khép nép.
Nói gì thì nói, vẫn phải thừa nhận kịch bản phim do nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ viết rất hay, cộng với tài năng đạo diễn của anh Đỗ Thanh Hải cũng rất tuyệt. Anh Hải chọn nghệ sĩ đảm vai rất hợp lý khiến cho vai nào cũng đi vào đời sống một cách rất tự nhiên.
- Vậy lí do gì chị lại được đạo diễn Đỗ Thanh Hải chọn đóng vai Thư trong phim?
Mời tôi đóng phim này không phải là anh Đỗ Thanh Hải mà là một người bạn học chung tên Phượng. Có thể Phượng thấy tôi có gì đó hợp với vai Thư nên đã mời tham gia. Tuy nhiên, phải nói thật là vì anh em trong ê-kíp đa phần biết nhau khi học chung trường nên khi làm phim này vui lắm. Chính cái không khí vui vẻ của anh em đoàn làm phim đã khiến cho diễn viên chúng tôi diễn mà như không diễn.
Nếu mọi người xem phim sẽ thấy tình cảm của 3 anh em con bà Vi trong phim giống như anh em thật ở ngoài. Ở ngoài, có những cảnh khi đạo diễn vừa hô “cắt” cái, anh em chúng tôi đã cười phá lên vì diễn cảnh chảnh chọe với nhau buồn cười quá, không thể nào nhịn được. Thế mới thấy là không khí trường quay rất quan trọng, nó khiến cho người diễn viên thoải mái hơn rất nhiều khi nhập vai.
- Thời chị nhận vai Thư là mới ra trường còn đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng mới có 25 tuổi. Khi nhận kịch bản chị có lo ngại gì không?
Không, tôi không có lo ngại gì cả vì mới ra trường đã được mời làm phim là thích lắm rồi. Khi Phượng đưa cho tôi kịch bản đọc trước tôi rất thích vì phim đời lắm. Cứ đọc đến đoạn nào là tưởng tượng trong đầu rồi vào quay thôi chứ cũng không phải tập tành gì nhiều. Nhiều cảnh tôi chỉ quay cùng lắm vài “đúp” là xong chứ không cần quay đi quay lại nhiều.
Mà anh Đỗ Thanh Hải thời đó còn trẻ nhưng thông minh lắm. Anh ấy có những “miếng” mà chỉ cần ghé tai nói đôi ba câu là chúng tôi hiểu ngay chứ không cần nói nhiều. Có nhiều người cứ cẩn thận quá, một cảnh mà quay đi quay lại ba bốn “đúp” khiến người diễn viên bị “chai” cảm xúc nhưng anh Hải đôi khi chỉ cần một “đúp” là đã biết được hay chưa, không cần đến “đúp” thứ hai.
Bao nhiêu năm đã qua nhưng những kỷ niệm thời đóng phim "Của để dành" vẫn còn trong ký ức của nữ diễn viên.
- Kỷ niệm nhớ nhất khiến chị không thể quên khi tham gia bộ phim này?
Kỷ niệm này tôi đã có vài lần chia sẻ đó là cái tát “trời giáng” đối với cô bé đóng nhân vật người ở. Tôi còn nhớ, khi tập với nhau thì chỉ tát giả vờ thôi nhưng chuẩn bị bước vào quay anh Đỗ Thanh Hải có ghé tai bảo: “Em ơi, tí nữa quay em tát thật nhé!” thế là khi đang quay tôi đưa tay lên tát một phát khiến cô bé rất đau. Cô bé khá bất ngờ, đổ gục xuống, ngẩng mặt lên thì nước mắt giàn giụa... và diễn rất sâu. Sau khi diễn xong cảnh đó tôi có ra xin lỗi cô bé vì đạo diễn muốn cảnh đó phải thật nhất có thể nên tôi đành phải làm vậy.
- Nhân vật Thư và chị ngoài đời có gì giống và khác nhau?
Thư là một nhân vật ghê gớm, đành hanh và đỏng đảnh. Kể cả lời thoại trên kịch bản mà chị Nguyễn Thị Thu Huệ chấp bút đã ra như thế rồi. Rồi cộng với những gì mình quan sát ở ngoài đời nữa nên hướng nhân vật theo kiểu đó.
Trong phim, Thư là con gái út, trước lại là hai anh trai... mà phàm nhà nào ở ngoài đời như thế thì cô em đều rất ghê gớm, rất hay lấn lướt các anh mình. Với lại, bản thân Thư hoạt động nghệ thuật nên cũng có chút “ra uy” với các anh mình chứ thực tế Thư cũng rất chu toàn việc nhà.
Còn nhà tôi ở ngoài thì có 3 chị em gái, tôi là con gái giữa nên xét về góc độ gia đình thì không giống. Có một cái tôi giống Thư đó là tôi là người của gia đình, thích nấu nướng, thích nội trợ và cũng có chút năng khiếu về nấu nướng.
Về tính cách thì tính tôi hơi đàn ông, không nói nhiều và hơi thẳng tính. Tôi cũng không thích bon chen và không chảnh chọe với ai. Chỉ khi đi chơi với bạn bè thật sự thân thiết tôi mới hay tếu táo, hài hước...
- Sau khi bộ phim kết thúc, chị có thường xuyên gặp lại các diễn viên như: NSƯT Hoàng Yến, nghệ sĩ Anh Tú, Hồng Tiến...?
Do đặc thù công việc nên chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội gặp lại nhau. Có một lần, cách đây khoảng 10 năm, tôi có đóng chung với NSƯT Hoàng Yến trong một bộ phim. Khi gặp lại, bác Yến vẫn xem tôi như con, bác cháu trò chuyện thân mật lắm. Thời điểm đó, bác đã tâm sự là ít đóng phim vì lớn tuổi rồi, thêm phần không kiểm soát được cảm xúc. Nghĩa là khi đóng những cảnh khóc là cứ khóc mãi không nín được.
Còn anh Tú thì thời anh ấy làm ở Nhà hát Tuổi Trẻ, thỉnh thoảng anh em gặp nhau vẫn chào hỏi và cười với nhau. Dù không nói chuyện với nhau nhiều nhưng vẫn cập nhật thông tin về nhau chứ không quên nhau được.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Theo Dân Trí