- Gần đây, bị một số đồng nghiệp mỉa mai trên mạng xã hội khi ra mắt sản phẩm I am Diva nhưng chị giữ im lặng. Vì sao?
Tôi bị cấm Facebook. Làm việc theo ê-kíp nên tôi bị kiểm soát, không được nói năng gì. Mạng xã hội ngày càng phát triển. Nó kết nối mọi người với nhau nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Tôi lớn lên trong gia đình có văn hóa cư xử. Tôi không có nhu cầu chia sẻ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố công khai, nhất là với đồng nghiệp.
Đồng nghiệp nào đủ thân, đủ trân trọng, tôi sẽ gọi điện trực tiếp để trao đổi. Ví như chị Thanh Lam. Chị là người chị lớn của showbiz, là người đặt nền móng đầu tiên cho nhạc pop đương đại Việt Nam. Có Thanh Lam, Hồng Nhung thì những người như Thu Minh mới có nền tảng để đặt tiếp những viên gạch tiếp theo.
Nếu có chuyện gì vô tình làm chị Lam không hiểu; hay có những phát ngôn gây tranh cãi của chị Lam về tôi, tôi không bao giờ mang lên Facebook thể hiện quan điểm. Tôi sẽ gọi điện để giải thích và lắng nghe nhiều hơn. Khi gọi cho nhau nói thẳng, câu chuyện dễ dàng hơn nhiều. Đó là sự trân trọng, kính trên nhường dưới.
Còn trong môi trường nghệ sĩ, có người này người kia, tôi không thể trông đợi ai cũng giống mình được. Nếu họ khác biệt thì tôi tôn trọng cách cư xử của họ. Nhưng tôi không giống một số người, muốn nói gì thì nói.
- Điều gì giúp chị giữ thái độ bình thản, tránh sa vào các tranh cãi?
Nếu cuộc đời này cứ phải đi chứng minh với người khác rằng mình đã sống thế nào, mình làm gì thì đúng là mệt và khổ lắm! Tôi chưa bao giờ làm điều đó! Nếu làm điều đó, tôi không trẻ như hôm nay. Tôi làm cái gì phải thích và sướng.
Những điều mới mẻ làm cuộc sống của tôi tươi mới. Thế mới trẻ lâu! Ở tuổi hơn 40, tôi tự hào về sức vóc của mình. Nếu cứ quẩn quanh, hạnh phúc với những thứ mình đã có thì cũng được. Nhưng cá tính của tôi không phải vậy!
- Chị có ngại bị so sánh với những ca sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP, Jack, K-ICM?
Ra mắt sản phẩm mới đồng nghĩa với việc chúng ta phải cạnh tranh với các nghệ sĩ khác. Nhưng tôi không ngại! Bởi, thị trường âm nhạc giải trí, các nghệ sĩ làm nghề đều có thị phần khách hàng riêng. Tôi đâu có đánh vào thị phần của Jack hay Sơn Tùng đâu! Không thể so sánh được!
Âm nhạc với tôi là món ăn tinh thần, là thức ăn mọi người ăn mỗi ngày. Một xe bánh mì nườm nượp người xếp hàng ở ngay đầu đường, một ngày có thể bán cả ngàn ổ; nhưng có ai đi so sánh với một cái bánh mì mà để bán nó, người ta phải xây nguyên cái nhà hàng, trang trí đẹp mắt? Nhu cầu, khẩu vị của khách đi vào nhà hàng đó cũng khác. Cùng là bánh mì, nhưng có nhiều nhu cầu khác nhau, kiểu phục vụ cũng phải khác.
- Chị là kiểu "bánh mì" nào?
Dĩ nhiên là cái bánh mì trong nhà hàng rồi! (Cười lớn).
Thu Minh ví mình là cái bánh mì trong nhà hàng sang trọng.
- Là "nữ hoàng nhạc dance" nhưng Thu Minh ở tuổi 50-60 sẽ chọn cho mình con đường đi thế nào?
Tôi thấy có hai dạng nghệ sĩ: bảo tồn và học hỏi - phát triển. Tôi thuộc mô típ thứ hai vì dễ chán với chính bản thân mình. Showcase I am Diva ngốn của tôi hơn hai tháng để làm, đau đáu nhưng thời điểm này, tôi đã bỏ sang một bên và hướng đến những điều mới mẻ hơn.
Nguồn năng lượng trong người tôi không phải năng lượng của người thích lưu giữ, bằng lòng với những gì mỗi ngày mình đang hát, đang sở hữu. Tôi rất dễ chán bản thân. Cho nên, suốt sự nghiệp âm nhạc, khán giả sẽ thấy tôi luôn khai phá so với ngày đầu.
Giọng tôi đã biến hóa rất nhiều. Từ hát Cách mạng, chuyển sang nhạc Pop, sau đó hát nhạc Mỹ rồi trở về nhạc Pop thời Làn sóng xanh. Sau này, tôi làm nhạc đỏ, nhạc thị trường rồi nhạc dance. 27 năm trong nghề, tôi có 10 album là 10 chất nhạc khác nhau.
Sắp tới sẽ là một cái gì đó rất khác. Nhưng ở tuổi của tôi bây giờ, tâm lý không phải ca sĩ đi hát bình thường mà là một nghệ sĩ, người mẹ, có cái nhìn cao hơn. Tôi cảm giác như muốn cống hiến, không đơn giản là chỉ cho thị trường âm nhạc, mà mỗi bài hát phải có lợi ích cho đời sống tinh thần đúng nghĩa thay vì mang tính giải trí đơn thuần.
Sai lầm khi làm cho chồng trở nên nổi tiếng
- Lý do chị và ông xã không song hành ở nhiều sự kiện như trước?
Việc dẫn chồng đi chung, làm cho anh ấy nổi tiếng cùng mình, là một sai lầm! Tôi không muốn mắc lại sai lầm đó nữa. Có những rắc rối từ chuyện nhỏ xé ra to, có những thông tin tiêu cực, được viết không đúng về anh ấy. Tôi không muốn ông xã bị tổn thương nữa!
Thú thực, thời gian đó, tôi stress, buồn nhiều song đời sống vợ chồng không bị ảnh hưởng. Uy tín trong công việc thì tuyệt đối không, vì ông xã tôi không kinh doanh, buôn bán ở Việt Nam. Anh ấy là người đem những hợp đồng về nước, tạo công ăn việc làm cho cả nghìn người và sản phẩm đó được mang đi xuất khẩu.
Không còn sát cánh cùng nhau trong các sự kiện nhưng ông xã luôn đồng hành cùng tôi trong mọi quyết định. Anh luôn biết tôi đi đâu, làm gì, thời khóa biểu thế nào nên mỗi lần tôi xong công việc, anh lại gọi điện thoại hỏi han. Đôi lúc, anh ở nhà trông con cho vợ yên tâm đi hát.
- Cuộc sống hôn nhân của chị dường như toàn màu hồng?
Không! Cũng có lúc tôi cáu, bực mình chứ! Ví dụ khi sinh Gấu xong, tôi bị trầm cảm và hay cáu gắt những thứ rất vô duyên. Chồng đi làm về, ngồi ở dưới nhà mở laptop ra làm việc là tôi tủi thân, nước mắt lã chã. Tính tôi và ông xã đều cương trực, nóng tính như nhau.
Những bất đồng về văn hóa thi thoảng cũng gây ra mâu thuẫn. Chẳng hạn, nếu hẹn 10 giờ, 9h55 chồng tôi đã có mặt. Nhưng tôi hẹn 10 giờ thì tặc lưỡi "10h30 đi". Tôi nghĩ kiểu gì lúc đó người ta cũng mới đến.
Hay khi bán một cái xe. Khi có người gọi đến, chốt một giá và anh ấy đồng ý qua điện thoại là sẽ bán. Hai tiếng sau, có người gọi tới trả cao hơn, lúc ấy tôi rất vui, hào hứng vì bán đỡ lỗ. Nhưng ông xã tôi lại có quan điểm khác. Anh nói, chiếc xe đã bán rồi. Không thể bán lại chiếc xe cho người khác với giá cao hơn, kể cả chưa làm hợp đồng, giấy tờ gì. Anh khẳng định lời nói của anh còn giá trị hơn bản hợp đồng, trừ phi người ta làm điều gì sai.
Ông xã luôn nói với tôi rằng sự nghiệp của anh, được gây dựng bằng sự uy tín trong từng lời nói như vậy. Anh muốn tôi cũng phải chuẩn bị tâm lý cho việc này. Đó là cách nuôi dạy con. Tôi khi đó khá ấm ức và hét lên với ông xã: "Anh bị sao vậy?". Nhưng thực tâm trong lòng, tôi nể chồng lắm!
- Chị hay ông xã sẽ là người làm lành trước khi xảy ra mâu thuẫn?
Ông xã thường là người làm hòa nhưng tôi cũng biết cách "step back" (lùi lại) trước mỗi cuộc tranh luận. Tôi và ông xã giống nhau ở chỗ, cả hai quyết liệt bảo vệ quan điểm và không ngừng tiến về phía trước. Vậy nên khi muốn thuyết phục anh ấy, tôi phải mềm mỏng, thậm chí chấp nhận nhún nhường.
Chồng tôi mạng Hỏa, mang đậm phong cách châu Âu là cứng rắn, quyết đoán. Anh yêu chiều tôi nhưng một khi đã nói 'không' thì đồng nghĩa với việc tôi không nên vượt quá giới hạn.
Muốn sinh thêm con vì "giống tốt"
- Tính cách của chồng chị ảnh hưởng thế nào đến cách anh ấy nuôi dạy con?
Ông xã tôi luôn muốn con hiểu rằng anh ấy chỉ nói một lần và những điều đã nói thì không thể thay đổi. Khi Gấu đòi hỏi điều gì ở bố không được, nó thường tìm đến mẹ. Ngay khi con quay đi, ông xã đã gọi điện cho tôi để thông báo: ''Gấu đang tìm em để nói vấn đề này, nhưng anh đã 'say no' (nói không) rồi nhé''.
Và tôi cũng tự hiểu mình phải "say no" với bé để thống nhất quan điểm giáo dục con giữa hai vợ chồng. Nếu không đồng ý với cách cư xử ấy, tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để góp ý với chồng rằng anh cần nhẹ nhàng hơn khi dạy con.
Chồng tôi nghiêm khắc với con nhưng Gấu lại rất yêu bố. Dịp sinh nhật vừa rồi của Otto, Gấu mới học mẫu giáo nhưng đã tập viết chữ và tự làm cho bố chiếc thiệp chúc mừng sinh nhật bằng nét chữ nguệch ngoạc. Con cũng không quên nhắc tôi mua bánh gato cho bố. Nhờ bố nghiêm khắc mà Gấu hiện tại rất đúng giờ. Con chỉn chu hơn cả tôi. Bé cũng được tập ngủ riêng từ lúc hai tuổi.
- Vợ chồng chị kỳ vọng thế nào ở con trai?
Gen trội của bố và mẹ, Gấu có hết. Gấu vừa bướng bỉnh, lì lợm nhưng cũng thân thiện, nhân ái. Có thể do tôi là mẹ nên khi nhìn thấy con, tôi thấy những thứ đẹp nhất của mình và chồng, Gấu lấy hết. Tôi muốn con trai là cậu bé thân thiện, nhân ái với mọi người. May mắn, điều đó nằm trong bản chất của Gấu nên chúng tôi rất hạnh phúc.
Hiện, Gấu gặp một vấn đề nhỏ là chậm nói vì cùng lúc sử dụng hai ngôn ngữ. Vợ chồng tôi cũng thống nhất cho con tập trung vào một ngôn ngữ trước rồi mới tiếp tục học ngôn ngữ còn lại. Tôi và Otto đều có chung quan điểm không đặt áp lực lên con bằng những kỳ vọng rằng bé phải trở thành một đứa trẻ lỗi lạc.
Thời đi học, tôi không phải một cô học trò giỏi nhưng hiện cũng có sự nghiệp với những thành tựu riêng. Chồng tôi học ngành Luật nhưng cũng không tốt nghiệp mà chuyển hướng kinh doanh. Cho nên, tôi chẳng đòi hỏi Gấu phải học giỏi. Tôi chỉ mong phát hiện điều gì đặc biệt ở bé để phát triển, bồi dưỡng.
Sau này, tôi muốn con có một cuộc đời hạnh phúc và bé thoải mái với những điều bé thực sự muốn làm.
- Vợ chồng chị đã có kế hoạch sinh bé thứ hai?
Chồng tôi không muốn sinh thêm con. Bảy năm trước, khi chúng tôi kết hôn, báo chí đưa tin Otto 45 tuổi, nhưng thực chất anh ấy 54 tuổi. Hiện 61 tuổi, Otto không cần thêm con. Anh ấy muốn chúng tôi tập trung chăm sóc bé Gấu, dành thời gian đi du học và đồng hành trong cuộc sống thay vì chịu gánh nặng con cái.
Otto cũng sợ vấn đề "cha già, con cọc". Khi Gấu 23 tuổi, anh đã 82 tuổi. Lúc đó con trai mới vào đời, sẽ có những vấp ngã, cần cha mẹ ở bên chia sẻ. Otto sợ không làm tốt điều đó.
Trong khi đó, tôi thì rất muốn sinh con, đơn giản vì nguồn gen tốt. Chồng tôi là người thông minh, quyết đoán, giàu lòng trắc ẩn. Tôi nể anh ấy và mong những đứa con của mình mang tố chất tuyệt vời này.
Theo Ione