Trong xã hội hiện đại, người ta có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, trong đó không thiếu những “nghề” thách thức định nghĩa thường thấy về thành công.
Bởi nếu coi thành công là kiếm được tiền để sống dư dả, có nhà có xe, thì người ăn xin này ở Ấn Độ có thể được coi là thành công rồi.
Công việc và thu nhập của người phụ nữ ăn xin tên là Indra Bai này đã được nhiều người biết đến trong một tình huống trớ trêu: Khi các nhà chức trách ở thành phố Indore (bang Madhya Pradesh, Ấn Độ) muốn giúp đỡ vì thấy cô ấy cùng con nhỏ 8 tuổi ăn xin trên đường phố.
Chính quyền thành phố Indore mong muốn nơi đây nhanh chóng trở thành một thành phố không có người ăn xin nên đã thực hiện việc giúp đỡ này.
Những khu vực đông du khách ở Ấn Độ thường có nhiều người ăn xin tới "làm việc". Ảnh minh họa: AFP.
Qua kiểm tra, các nhà chức trách nhận ra rằng có lẽ Indra không cần được giúp, vì cô có khá nhiều tài sản, thu nhập (bằng nghề ăn xin) cũng không tồi.
Indra khai, cô đã làm “nghề ăn xin” được vài năm; và chỉ trong 45 ngày trước ngày “bị” giúp đỡ (9/2), cô kiếm được 250.000 rupee (khoảng 74 triệu đồng), tức là trong một tháng Indra kiếm được khoảng 50 triệu đồng.
Với 74 triệu đồng nói trên, Indra gửi 30 triệu đồng về cho 2 người con khác đang sống cùng ông bà, ngoài ra gửi tiết kiệm 15 triệu đồng, còn lại để chi tiêu.
Vào thời điểm các nhà chức trách tìm đến để giúp đỡ, Indra đang có 19.200 rupee tiền mặt (khoảng 5,6 triệu đồng), là số còn lại từ tiền xin được trong một tuần vừa rồi.
Tài sản của gia đình Indra cũng rất đáng nể, bao gồm một mảnh đất, một căn nhà 2 tầng, nhiều hơn một chiếc ô tô, cô và chồng đều dùng điện thoại thông minh, trong nhà cũng có các thiết bị điện tử hiện đại.
Indra và con được các nhà chức trách yêu cầu rời khỏi khu vực vẫn ăn xin và không được làm "nghề" này nữa. Ảnh: India Times.
Cơ quan chức năng còn tìm ra thông tin rằng thu nhập hằng năm của Indra là khoảng hơn 2 triệu rupee (gần 600 triệu đồng), được coi là mức thu nhập cao so với người dân nói chung, đã thế còn không phải đóng thuế.
Thành phố Indore có kế hoạch giáo dục, dạy nghề, tư vấn cho những người ăn xin (họ chọn cách kiểm sống này vì nhiều lý do khác nhau), để sau đó họ thay đổi công việc, có những lựa chọn phù hợp hơn.
Theo Tiền Phong