Pha tử nạn do ngã từ tầng 62 tòa nhà ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) của chàng trai được ví như "Spider Man" - Ngô Vịnh Ninh - trở thành tâm điểm truyền thông thế giới hồi giữa tháng 12 năm ngoái.
Oleg Sherstyachenko nổi tiếng khắp thế giới với các màn biểu diễn nguy hiểm như nhào lộn, trượt ván trên nóc nhà cao tầng, bay người qua xe hơi đang chạy với tốc độ 97 km/h.
Trong bài báo Who is to blame for Chinese rooftopper's dramatic death? (Tạm dịch: Ai chịu trách nhiệm cho cái chết bi thảm của 'rooftopper' Trung Quốc?), phóng viên CNN nhận định Vịnh Ninh là nạn nhân của trào lưu mạo hiểm ngày càng lan rộng trên thế giới mang tên "rooftopping".
"Rooftopping" là gì?
Người tham gia - được gọi là "rooftopper" - trốn bảo vệ, cảnh sát trèo lên những nơi có độ cao chóng mặt như nóc cao ốc, đỉnh tháp, ống khói... quay phim, chụp ảnh trong tư thế mạo hiểm, rồi đăng lên mạng xã hội. Họ không sử dụng đồ bảo hộ để tăng thêm phần mạo hiểm.
Thiết bị ghi hình thường là camera gắn trên đầu, máy quay GoPro hay "combo" điện thoại và gậy selfie.
Những nơi có nhiều cao ốc mọc lên như Dubai, Thượng Hải (Trung Quốc), London (Anh), Moscow (Nga) thường thu hút các "rooftopper" tới thử thách độ liều lĩnh của bản thân.
Các nóc nhà chọc trời là điểm đến ưa thích của "rooftopper". Ảnh: a_remnev.
Gõ từ khóa "rooftopping" vào thanh tìm kiếm của Google, khoảng 415.000 kết quả được trả về trong 0,41 giây. Điều này chứng tỏ sức hút của trào lưu mạo hiểm này không hề nhỏ.
Nước Nga được cho là "cái nôi" của trào lưu này, cũng sản sinh ra nhiều "rooftopper" nhất với hàng loạt cái tên đình đám có thể kể đến như Oleg Sherstyachenko (27 tuổi - 910.000 follow), Angela Nikolau (25 tuổi - 556.000 follow), Vadim Makhorov (29 tuổi - 137.000 follow) luôn đồng hành cùng Vitaliy Raskalov (26 tuổi người Ukraine - 266.000 follow), Kirill Vselensky (26 tuổi, 55.000 follow).
Nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp... là nơi không phải ai cũng được phép tới. Để có được video, ảnh check-in ở đó, tất nhiên, các "rooftopper" phải tìm cách qua mặt lực lượng bảo vệ, camera an ninh nếu không muốn bị "mời" về đồn cảnh sát làm việc.
4 người trẻ đến từ Nga nổi tiếng nhờ màn chinh phục nóc nhà chọc trời ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Ảnh: Instagram NV.
Theo The Sun, không có quy định cụ thể nào chống lại "rooftopping". Cảnh sát chỉ căn cứ vào việc người thực hiện có phá hoại tài sản, trộm cắp hay vi phạm pháp luật không để xử lý.
Số tiền phạt không đáng kể, hình thức phạt lao động công ích được cảnh sát một số quốc gia như Mỹ, Anh, Canada, Australia, Đức đưa ra chưa đủ ngăn chặn sự bành trướng của "rooftopping".
Cái chết là cái giá đắt nhất những kẻ liều mạng phải trả nếu mắc sai lầm. Tuy nhiên, sức hấp dẫn từ sự nổi tiếng, được nhiều người tung hô trên mạng ảo có lẽ khiến họ không muốn dừng lại.
Người trẻ Việt cũng tự xưng "rooftopper"
Trong khi "rooftopping" phổ biến ở nước ngoài từ nhiều năm nay, trào lưu này chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam và thường bị nhầm với "parkour" - trò mạo hiểm mang phong cách hip hop với những cú nhảy, nhào lộn ngoạn mục.
Minh chứng là dù cố gắng tìm kiếm ở nhiều nguồn, người tự nhận là "rooftopper" dám chụp ảnh, quay video mạo hiểm trên nóc cao ốc gần như không xuất hiện.
Cũng bởi "hiếm có khó tìm", sự lan truyền của video hơn 16 phút ghi lại hành trình nhóm 3 nam thanh niên leo lên nóc tòa nhà 38 tầng được cho là Central 1 (cao 158 m, ở quận Bình Thạnh, TP HCM) bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt.
Họ cho rằng 3 thanh niên đua đòi theo trào lưu mạo hiểm của nước ngoài và coi thường mạng sống.
"Chất rooftopping" được thể hiện qua hành động trốn bảo vệ trèo lên tầng thượng, sau đó nhào lộn, đứng ở mép thả chân xuống, chạy mà không dùng đồ bảo hộ.
Nhóm thanh niên cười cợt, làm động tác mạo hiểm trên nóc nhà cao tầng Leo lên được tầng thượng, 3 chàng trai thực hiện động tác nhào lộn, đứng ở mép thả chân xuống, đi lại và không ngừng chửi thề, cười cợt. Hành động này bị cộng đồng mạng lên án.
Tuy mức độ mạo hiểm của hành động không thể so sánh với "trình" cùa các "rooftopper" đình đám thế giới, N.H.L. - người đăng tải video tại kênh có hơn 10.500 subscribers - cũng dùng hashtag #saigonrooftopper để mô tả bản thân.
Một số hình ảnh hưởng ứng trào lưu mạo hiểm "rooftopping" mà H.L. đã xóa khỏi Instagram. Ảnh: Instagram NV.
Sau khi video chinh phục nóc nhà Central 1 lan truyền, H.L. cho Zing.vn biết anh đã làm việc với công an và đại diện ban quản lý tòa nhà. L. từ chối chia sẻ chi tiết.
Người này cũng xóa toàn bộ video và ảnh chụp vắt vẻo trên các nóc nhà chọc trời ở Sài Gòn (Central 1, Thuận Kiều Plaza, Bitexco) và Vũng Tàu khỏi kênh video, cũng như trang Instagram cá nhân.
Tìm theo từ khóa liên quan "rooftopping" ở Việt Nam, Instagram của nam thanh niên giới thiệu tên D.T. - nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và thiết kế - đăng tải khá nhiều ảnh chụp tại nóc nhà cao tầng, kèm hashtag #saigonrooftopper.
Chúng chỉ thu về khoảng vài trăm like (thích) cho chủ nhân cùng rất ít phản hồi từ dân mạng. Gần 5.000 là số người nhấn nút theo dõi trang cá nhân của D.T.
Có thể thấy trào lưu "rooftopping" mới manh nha sang Việt Nam và không được nhiều người biết tới. H.L. và D.T. tự coi mình là "rooftopper", song chưa thể "kiếm fame" và "hái ra tiền" từ việc chụp ảnh, quay video mạo hiểm như các "đồng môn" ở nước ngoài.
Ảnh được gắn hashtag #saigonrooftopper tại trang cá nhân của D.T. Ảnh: Instagram NV.
Trào lưu tốt hay xấu giới trẻ Việt đều bắt kịp nhanh chóng
Trong thời đại số hóa như hiện nay, mạng xã hội phát triển nhanh chóng và dường như đã trở thành một phần không thể thiếu với giới trẻ. Một chiếc smartphone kết nối Internet giúp chủ nhân cập nhật tin tức, xu hướng mới... từ khắp nơi trên thế giới.
Thử thách chống đẩy 22 cái (22 Push-up Challenge) "gây bão" toàn thế giới vào tháng 11/2016, sau hơn 3 năm được khởi xướng.
Với ý nghĩa nhân văn là nâng cao nhận thức về PTSD (chứng hậu chấn tâm lý sau khi tham chiến) khiến 22 cựu binh Mỹ tự tử mỗi ngày, cũng như ý nghĩa thiết thực là ủng hộ tiền cho cựu binh, đồng thời nâng cao sức khỏe, trào lưu được hửng ứng mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài thử thách tích cực này. Từ quan chức, ngôi sao, đến người thường đều thực hiện và gây quỹ ủng hộ.
Trước đó, vào năm 2014, trào lưu đổ nước đá lên đầu (Ice Bucket Challenge) nhằm gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân mắc chứng bệnh teo cơ ALS cũng được hưởng ứng ở nước ta. Một số trào lưu thú vị cũng được du nhập từ nước ngoài như Kiyomi, Puberty Challenge, PPAP, Mannequin Challenge.
Bên cạnh những trào lưu tích cực, người trẻ Việt cũng hùa theo nhiều thử thách mạo hiểm, thậm chí biến tướng chúng tới mức phản cảm. Có thể điểm nhanh lại như "rooftopping", "Kiss cam", làm đám tang giả, "Confession".
Ở nước ngoài, vào giờ nghỉ của trận đấu thể thao, người quay phim thường cho máy quay đến đôi nam nữ ngồi cạnh nhau trên khán đài. Khi hình ảnh của họ xuất hiện trên màn hình lớn, hai người bắt đầu hôn nhau.
Để tránh gây khó xử và phản cảm cho cả người hôn và người theo dõi, hai người được chọn thường là nửa còn lại của nhau. Trào lưu thú vị này được biết tới với tên "Kiss cam".
Khi được lan truyền đến Việt Nam vào tháng 6/2015, bối cảnh áp dụng đổi thành đường phố, "Kiss cam" bị biến tướng theo hướng phản cảm. Trong đó, gây chú ý nhất là clip 6 bạn trẻ ở TP HCM và tiến đến hôn ngẫu nhiên người lạ khác giới gặp trên đường.
Đoạn video hứng "gạch đá" từ phía dân mạng, bởi họ cho rằng hôn người lạ mà không cần sự cho phép là hành động phản cảm, mất lịch sự. Nhóm thực hiện đoạn video phải lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ sản phẩm.
Nhóm bạn trẻ Sài Gòn bị chỉ trích vì biến tướng trào lưu "Kiss cam" của nước ngoài theo hướng phản cảm. Ảnh cắt từ clip.
Một số trào lưu cũng chịu chung số phận bị "chế" xấu xí đi so với mục đích, ý nghĩa ban đầu.Ví như "Chạm tay vào rốn" để đo thân hình chuẩn được "sáng tạo" thêm chi tiết đặt tay lên vị trí nhạy cảm trên cơ thể; "Đừng ngủ khi lũ bạn còn thức" biến thành đám tang giả của người bạn đang say giấc...
Hay trò chơi "thú tội" (Confession) không đơn thuần là nơi giãi bày tâm sự thầm kín, lời tỏ tình, mà còn trở thành "thánh địa" để người ta ném đá giấu tay, nói xấu, xúc phạm nhau.
Không phải mọi trào lưu hot ở nước ngoài, du nhập về Việt Nam đều được. Hãy chỉ nên học hỏi các xu hướng phù hợp với văn hóa đất nước, để tránh gây phản cảm.
Theo Zing