Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Dự thảo có sơ suất
Theo đó, thực hiện kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch soạn thảo Thông tư ban hành Quy chế Công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy thay thế Quy chế Công tác HSSV theo QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT.
Theo kế hoạch, Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn.
Quá trình soạn thảoThông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động Mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành Quy chế mới.
Tuy nhiên trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.
"Bộ GD-ĐT trân trọng cám ơn các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo một cách tốt nhất. Bộ cũng sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của Ban soạn thảo và cá nhân có liên quan".
Cũng trong tối 29/10, dự thảo văn bản đã được rút xuống.
Theo tìm hiểu, vào ngày 13/8/2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã ký thông tư ban hành quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp hệ chính quy.
Quy chế này có kèm phụ lục, thống kê 23 nội dung vi phạm và xử lý kỷ luật. Trong đó, học sinh sinh viên có hoạt động mại dâm lần thứ nhất sẽ bị đình chỉ 1 năm học, hoạt động lần thứ 2 thì bị đuổi học.
Đến ngày 5/4/2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ban hành thông tư 10/2016, ban hành quy chế công tác sinh viên các trường đại học hệ chính quy với 27 nội dung vi phạm. Trong đó, với hành vi "hoạt động mại dâm" đến lần thứ 4 thì sinh viên mới bị đuổi học.
Đến dịp này, Bộ GD-ĐT mới soạn dự thảo quy chế công tác sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp khối ngành sư phạm (vì các trường cao đẳng, trung cấp khối ngành khác đã được chuyển về Bộ LĐ, TB và XH quản lý).
Văn bản dự thảo có nhiều nội dung được xây dựng theo Thông tư 10/2016, chẳng hạn phụ lục cũng gồm 27 nội dung vi phạm.
Luật sư: Hoạt động mại dâm gồm nhiều hành vi
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) phân tích: Có 2 hành vi đưa vào dự thảo là: "Chứa chấp, môi giới mại dâm" và hành vi "Hoạt động mại dâm" đến lần thứ 4 (bị phát hiện) sẽ buộc thôi học. Quy định như vậy sẽ vô hình trung là cho phép sinh viên được bán dâm, mua dâm… miễn sao không bị phát hiện tới lần thứ 4 thì sẽ không bị buộc thôi học, khi bị phát hiện không quá 3 lần thì "yên tâm" học tiếp để trở thành cô giáo.
Theo pháp luật Việt Nam, hoạt động mại dâm vẫn là bất hợp pháp, dễ tạo suy nghĩ khi sa đà vào tệ nạn mại dâm thì nhân cách của sinh viên sư phạm có còn đủ để đứng trên bục giảng nữa không?
Cũng lưu ý, theo quy định của Pháp lệnh phòng chống mại dâm hiện hành thì “Hoạt động mại dâm” bao gồm các hành vi sau đây: Mua dâm; Bán dâm; Chứa mại dâm; Tổ chức hoạt động mại dâm; Cưỡng bức bán dâm; Môi giới mại dâm; Bảo kê mại dâm; Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong dự thảo đã sử dụng cụm từ “Hoạt động mại dâm” theo từng lần với từng mức kỷ luật lại còn một mục quy định về “Chứa chấp, môi giới mại dâm” để xác định lần 1 bị phát hiện là buộc thôi học. Còn các hành vi thuộc hoạt động mại dâm khác như: Cưỡng bức bán dâm; Bảo kê mại dâm; Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm cũng rất nguy hiểm cho xã hội, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải vi phạm tới lần thứ 4 mới bị buộc thôi học.
Cách mô tả và ấn định mức xử lý kỷ luật như vậy chưa khoa học, chưa phù hợp với các văn bản pháp luật quy định về mức chế tài với các hành vi này.
Sinh viên: Hắt hủi thì còn gì là giáo dục?
Chia sẻ về điều này, em Ngô Thị Phương, sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng nếu là sinh viên – đội ngũ có kiến thức, hiểu biết mà có hành vi hoạt động mại dâm thì nên bị đuổi học. “Mại dâm ở Việt Nam vẫn chưa là một ngành nghề được công nhận hợp pháp, nên hoạt động mại dâm vẫn là trái thuần phong mỹ tục Việt Nam".
Sinh viên Lê Mai (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận khi đã xác định theo nghề giáo thì chấp nhận sự đặc thù và cái nhìn khắt khe của xã hội về đạo đức, nhân cách và tính làm gương mẫu. "Tất nhiên, có thể, lần đầu những bạn đó không may dại dột, cả tin bị lừa hay dụ dỗ dẫn đến sa ngã. Nhưng nếu lần thứ 2, thứ 3,… thì khó có thể đổ bởi những lý do khách quan khác”.
Tuy nhiên cũng có những góc nhìn khác.
Đỗ Thị Thu (sinh viên Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội): “Đuổi đi thì đảm bảo tên tuổi của nhà trường nhưng lại không giải quyết được vấn đề. Em nghĩ nhà trường không nên đuổi học. Bởi có đuổi thì vẫn hoạt động thôi và bản chất xã hội tránh nào được người này người kia.
Là sinh viên sư phạm, là nhà giáo dục em nghĩ phải có trách nhiệm với những người đó. Giờ thấy thế mà hắt hủi, xóa đi cơ hội làm lại của họ thì còn gọi gì là giáo dục. Em nghĩ vẫn nên cho các bạn ấy cơ hội được đi học tiếp cùng với những hình thức giáo dục, hỗ trợ để thay đổi. Đó mới là giáo dục”.
Nguyễn Thị Ngọc, sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh nói: “Nếu không hoạt động ở trường, không đem những điều đồi trụy vào trường hay làm ảnh hưởng đến các sinh viên khác hay nhà trường thì không nên đuổi học. Bởi nhà trường không nên liên quan quá nhiều đến đời tư của sinh viên, nếu vi phạm pháp luật thì đã có pháp luật xử lý”.
Em Đặng Xuân Hiếu, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: “Theo ý kiến cá nhân của em thì nếu sinh viên không vi phạm nội quy nhà trường thì không nhất thiết phải bị đuổi học. Bởi em được biết, Điều 39, Hiến pháp năm 2013 có nêu rõ mọi công dân đều có quyền được học tập không hạn chế trình độ và độ tuổi. Tất nhiên khi thấy sinh viên có hoạt động mại dâm trong hoạt động phạm vi nhà trường thì đuổi học là tất yếu".
Cù Thị Ngọc Anh (sinh viên ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Em nghĩ khi đã đến tuổi trưởng thành thì làm việc gì do chính các bạn sinh viên quyết định. Chính bản thân các bạn sẽ phải trả giá, sao nhà trường phải đuổi học”.
Em Thái Thu Hằng, sinh viên Học viện Tài chính cho rằng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi và lối sống của bản thân. “Dù sao đó cũng là chuyện riêng mỗi cá nhân, nếu không làm ảnh hưởng đến môi trường học đường thì đuổi học có vẻ hơi quá”.
Theo Vietnamnet