Quan hệ đồng giới tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm cao
Nhiều thông tin cho rằng đậu mùa khỉ lây qua đường quan hệ tình dục đồng giới, tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng (Texas, Hoa Kỳ), bệnh đậu mùa khỉ có nhiều đường lây khác nhau.
Triệu chứng thường hay gặp là các triệu chứng như cúm nhưng không có ho kèm theo phát ban mụn đỏ lớn dần thành mụn mủ và vỡ ra.
Theo bác sĩ Hưng, các đường lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc chủ yếu vẫn là lây từ loại gặm nhấm sang người.
Ngoài ra, bệnh có thể lây từ người sang người, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ sang thương da, lớp mài trên da, hay dịch tiết cơ thể. Bệnh nhân ở giai đoạn ban chuyển thành mụn mủ và vỡ ra là giai đoạn dễ lây lan nhất.
Khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch đường hô hấp, tuy nhiên không phải từ giọt bắn như Covid-19 vì thường bệnh nhân không ho mà phải do tiếp xúc gần mặt với mặt, thân mật như hôn, ôm ấp, khám răng lẫn nhau, quan hệ tình dục
Bác sĩ Hưng cũng cho biết, việc quan hệ tình dục lây bệnh đậu mua khỉ là do việc tiếp xúc với dịch tiết hô hấp trong khi quan hệ hoặc tiếp xúc với niêm mạch có virus chứ không phải qua đường tinh, dịch tiết ở cơ quan sinh dục.
Cho nên, hiện vẫn chưa biết rõ có virus trong tinh dịch hay dịch âm đạo hay không để có thể thể kết luận bệnh được lây qua đường này.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, đậu mùa khỉ lây qua nhiều con đường khác nhau, tùy vào từng khu vực và đối tượng.
Hiện đậu mùa khỉ lây nhiễm ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới nhiều hơn. Tỷ lệ người quan hệ tình dục đồng giới cao hơn cũng do nhóm người này tiếp xúc quan hệ tình dục rộng hơn, bạn tình ở nhiều quốc gia nên làm nguy cơ lây tăng lên.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, số ca mắc đậu mùa khỉ chủ yếu là nam giới (chiếm 98%), trong đó có nhiều trường hợp thuộc nhóm có quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM).
Tuy nhiên, PGS.TS Dũng cho rằng, vấn đề ở đây là mức độ, hình thức, tần suất tiếp xúc của họ chứ không phải lây qua đường tình dục.
Nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam
Do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác vì vậy WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh này.
Hiện đã xuất hiện có hai chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ là Trung Phi và Tây Phi.
Theo TS. Socorro Escalante - Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: "Có 5 yếu tố để cân nhắc về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu khi các dữ liệu cho thấy virus đã lây lan rất nhanh ra nhiều nước cả ở những nước chưa từng thấy virus trước đó.
Thứ nhất đợt bùng phát này được coi là sự kiện bất thường và yếu tố nguy cơ lây lan cho các quốc gia, thứ hai cần phải có sự phối hợp quốc tế trong quá trình đáp ứng với dịch, thứ ba là tư vấn của ủy ban khẩn cấp, thứ tư là các bằng chứng khoa học về căn bệnh này đều chưa đủ và thứ năm là yếu tố nguy cơ với sức khỏe con người và sự lây lan quốc tế, khả năng tác động gián đoạn lưu thông của hàng hóa dịch vụ và con người trên toàn cầu".
Việt Nam có khả năng sẽ ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đường lây của đậu mùa khỉ ở người qua: tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Trong đó, một số nước trong khu vực ASEAN đã ghi nhận ca mắc và Việt Nam có thể ghi nhận ca bệnh này trong thời gian tới.
WHO cũng đã tiến hành hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm cho các cơ sở xét nghiệm tại Việt Nam và khuyến cáo hiện đã có vaccine phòng bệnh đậu mùa hiệu quả 80% với đậu mùa khỉ nhưng Việt Nam chưa nên tiêm rộng rãi mà chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết.
Bộ Y tế cho biết, từ 1/1/2022 đến 23/7/2022, WHO đã ghi nhận hơn 160 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực.
Tại khu vực châu Á, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Đ.K (t/h)
Theo Vietnamnet