Gần đây, cư dân mạng đang truyền tay nhau một đoạn chia sẻ được đăng trên một trang Facebook cá nhân. Đó là đoạn cảnh báo về một gia đình người Trung Quốc có tới 3 người mắc ung thư gan, và nguyên nhân đến từ việc sử dụng thớt gỗ, đũa gỗ bị mốc.


Thớt, đũa mốc có thể gây ung thư?

Theo như đoạn chia sẻ, việc sử dụng thớt gỗ lâu ngày trong điều kiện thiếu vệ sinh sẽ khiến cho thớt dễ lên mốc, để rồi tạo ra aflatoxin - một hoá chất rất nguy hiểm có khả năng gây ung thư.

Đoạn chia sẻ hiện đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhưng thực hư thì thế nào?

Không phải nấm mốc nào cũng có Aflatoxin


Aflatoxin từ lâu đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) xếp vào hàng hoá chất cực độc, và là một trong những tác nhân gây ung thư. Hoá chất này sinh ra từ nấm mốc, có dạng tinh thể trắng, không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý.

Có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1. Được biết, 83% số bệnh nhân bị ung thư gan có sự xuất hiện của aflatoxin B1 trong đó.


Aspergillus flagus


Tuy nhiên, không phải nấm mốc nào cũng tạo ra Aflatoxin. Theo một số nghiên cứu của FDA thì chỉ 2 loại nấm duy nhất có thể hình thành Aflatoxin là 2 chủng nấm mốc Aspergillus flagus và Aspergillus parasiticus, và chúng không phải loại nấm trên thớt hoặc đũa gỗ.

Trên thực tế, Aspergillus flagus và Aspergillus parasiticus chủ yếu phân bố trên các loại nông sản được bảo quản không tốt như ngũ cốc, hạt có dầu (lạc, đậu tương...), các loại gia vị (ớt, tiêu, nghệ)... Và như đã nêu, Aflatoxin không dễ bị phân huỷ khi đun nấu thông thường, nên các sản phẩm như cơm, xôi, thậm chí cả rượu lên men từ gạo mốc cũng sinh ra aflatoxin.


Aflatoxin thường hình thành trên các loại ngũ cốc bảo quản không cẩn thận


Aflatoxin cũng có thể gây nguy hiểm cho gia súc nếu ăn phải. Vậy nên, từ lâu các chuyên gia đã khuyến cáo tuyệt đối không tiếc tiền mà cho gia súc, gia cầm ăn nông sản đã bị mốc.

Tóm lại, có thể kết luận được thông tin đang được chia sẻ là không chính xác. Chúng ta có thể nhiễm độc khi hấp thụ aflatoxin, nhưng đó là qua việc ăn phải thực phẩm không sạch. Đũa mốc và thớt mốc không liên quan trong chuyện này.

Nhưng cũng đừng sử dụng đũa mốc, thớt mốc

Vì dù không tạo ra độc tố gây ung thư gan, các loại nấm trên đũa hoặc nấm mốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của bạn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các biến chứng nguy hiểm hơn. Hơn nữa, hãy nghĩ đến cảnh miếng thịt bạn đang ăn được thái trên một chiếc thớt đầy mốc, bạn còn muốn ăn nữa không?


Hãy rửa sạch thớt bằng muối và giấm sau khi sử dụng


Vậy nên, hãy đảm bảo rằng bạn cần vệ sinh thớt nhà mình thật cẩn thận sau khi sử dụng. Lưu ý để thớt ở nơi khô ráo, tránh những nơi ẩm ướt - môi trường hoàn hảo để hình thành nấm mốc.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyên rằng bạn không nên sử dụng thớt bằng nhựa cứng. Loại thớt này có ưu điểm là rẻ, cứng cáp bền vững và có phần bắt mắt. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu từ trường ĐH California, thớt nhựa có khả năng lưu trữ vi khuẩn rất cao, cao hơn rất nhiều so với thớt gỗ, thậm chí ngay cả sau khi chùi rửa.


Theo Trí Thức Trẻ