Lê Phong Nguyên là một giảng viên trẻ khoa Kiến trúc, Đại học Bách Khoa, TP Đà Nẵng. Phần lớn các bộ ảnh của anh đều được chụp bằng máy phim với chất liệu hoài cổ. Trong chuyến đi đến Bhutan vào cuối năm 2017, Lê Phong Nguyên đã có 9 ngày rong ruổi khắp "Vương quốc Rồng Sấm" từ Đông sang Tây.

Zing.vn xin gửi đến độc giả những hình ảnh tuyệt đẹp về đất nước hạnh phúc nhất thế giới cũng như những câu chuyện thú vị về cuộc sống và con người ở Bhutan qua góc máy, trải nghiệm của Lê Phong Nguyên.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-1

Tôi đáp chuyến bay từ Bangkok tới Bhutan trong tâm trạng đầy hồ hởi, với vô vàn thứ tưởng tượng trong đầu về một miền đất kỳ lạ.

Sân bay Paro nổi tiếng vì độ hiểm trở. Một đường băng nhỏ nằm giữa những dãy núi cao chào đón tôi trong buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp với sắc trời xanh ngắt.

Bác lái xe nhận ra tôi là người Việt Nam, vẫy tay chào cùng một nụ cười thật tươi. Không khí ở đây có một thứ gì đó rất đặt biệt, thoang thoảng hương thơm của đất, của cỏ cây, cùng tiếng suối chảy róc rách bên đường và những tiếng gió vi vu.

Từ thủ đô Thimphu đến thánh địa phật giáo Bumthang

Ở Bhutan, những lá cờ nguyện được treo ở khắp nơi, phấp phới bay trên những thành cầu, trên những mái nhà và trên cả những đỉnh đồi. Sự yên bình là điều bạn có thể cảm thấy nhanh nhất và rõ rệt nhất khi đặt chân tới nơi này.

Tôi di chuyển về thủ đô Thimphu cách sân bay Paro hơn 50 km về phía Đông. Những người mới đặt chân đến Bhutan đều vô cùng thích thú với những biển cảnh báo giao thông dọc hai bên đường, được ghi bằng tiếng Anh với những thông điệp rất dễ thương như: “Don't hurry be cool since heaven is already full” hay “Live for your today, drive for your tomorrow”.

Là thành phố lớn nhất của Bhutan nhưng thủ đô Thimphu chỉ có khoảng 100.000 dân. Không sử dụng đèn giao thông, thành phố chỉ gồm vài trục đường chính, yên ả với những dòng xe ôtô chạy chậm rãi trên đường.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-2

Hành trình của tôi kéo dài từ Tây sang Đông, bắt đầu từ thủ đô Thimphu với tu viện nổi tiếng Taktsang Palphug (hay có tên gọi khác là Tiger's Nest). Điểm đến tiếp theo là cố đô Punakha với pháo đài Punakha, nơi vị vua đầu tiên của Bhutan Ugyen Wangchuck lên ngôi vào năm 1907.

Rời Punakha, tôi tiếp tục di chuyển về phía Đông để tới Trongsa, nơi có pháo đài Trongsa Dzong được xây dựng vào năm 1647 bởi Shabdrung. Đây cũng là địa nơi các nhà lãnh đạo Bhutan từng chiến đấu để chống lại sự xâm lược của Anh quốc vào thế kỷ 19.

Điểm cuối cùng của cuộc hành trình là vùng Bumthang, nơi có 4 thung lũng đẹp nhất ở Bhutan (bao gồm thung lũng Chumey, Choekhor, Tang và Ura). Đây cũng là một trong những thánh địa Phật giáo của đất nước này.

Thuoc phim tuyet dep ve Bhutan qua ong kinh cua thay giao Viet hinh anh 8Có gì ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới?
Đa phần diện tích của Bhutan là núi đồi nên giao thông đi lại giữa các vùng rất khó khăn. Nơi đây nhận sự hỗ trợ đặc biệt từ Ấn Độ trên hầu hết lĩnh vực, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bạn có thể bắt gặp rất nhiều công nhân người Ấn Độ đang xây dựng nhà cửa, bệnh viện, trường học, đường xá hay những cây cầu. Những ngôi nhà mái gỗ hay những tu viện nhỏ nằm dọc trên những ngọn đồi, sườn núi là hình ảnh mà du khách rất hay gặp hai bên đường.

Người dân ở Bhutan chủ yếu làm nông nghiệp, một số ít làm các nghề thủ công mỹ nghệ. Nông nghiệp Bhutan chủ yếu là trồng lúa và khoai tây, đa phần kỹ thuật vẫn còn lạc hậu và khá thô sơ.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-3

Một trong những điểm thú vị của đất nước Bhutan là ẩm thực. Ớt được xem là gia vị truyền thống và có mặt trong hầu hết món ăn ở đây. Cùng với ớt là trà sữa và pho mát, đây cũng là hai loại thực phẩm phổ biến, được đa phần người dân Bhutan sử dụng hàng ngày.

Ở Bhutan việc giết mổ động vật được cho là hành động sai trái và cấm kỵ nên đa phần các loại thực phẩm như thịt cá đều phải nhập khẩu từ Ấn Độ.

"Cuộc sống ở Bhutan đã là quá đủ"

Trong suốt chuyến đi, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên hay những kỳ quan kiến trúc, điều gây ấn tượng nhất với tôi vẫn là hình ảnh con người Bhutan.

Người dân Bhutan hiền hậu và rất dễ mến. Từ những đứa bé chạy nhảy trên đường đến những anh nông dân trên cánh đồng khoai, hay cụ ông cụ bà đi lễ trong những ngôi đền cổ, với ánh mắt trong veo, nụ cười luôn nở trên môi, khuôn mặt với làn da rám nắng của vùng Himalaya đều toát lên sự bình yên của cuộc sống vùng núi cao.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-4

Nền giáo dục của Bhutan cũng góp phần xây dựng lên tính cách của con người nơi đây. Ở các trường học, trẻ em hoàn toàn không bị áp lực để trở thành những học sinh giỏi mà quan trọng hơn là việc trở thành một công dân tốt.

Hầu hết người dân Bhutan đều hướng niềm tin vào Phật giáo từ khi còn rất nhỏ. Cuộc sống của họ giản đơn nên những nhu cầu về cuộc sống cũng rất bình dị và không có quá nhiều đòi hỏi.

Trong một lần nói chuyện với cô hướng dẫn đi cùng, tôi hỏi cô ta đã đi nước ngoài lần nào chưa và cô có hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại không.

Cô đã trả lời rằng mình chưa bao giờ ra nước ngoài dù hàng ngày vẫn nói chuyện với rất nhiều người ngoại quốc và được nghe nhiều điều thú vị ở thế giới bên ngoài.

Nhưng thật sự, cô rất ít khi có suy nghĩ muốn đi ra khỏi đất nước Bhutan này, dù chỉ là đi du lịch bởi cô rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình. Hàng ngày, cô chỉ cần được ăn cơm, niệm Phật và được nói chuyện với những người xung quanh, cuộc sống đối với cô như vậy đã là quá đủ.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-5

Người Bhutan đối xử với nhau rất hiền hòa bao nhiêu, họ cũng gắn bó với thiên nhiên bấy nhiêu. Khắp đất nước là một màu xanh, họ quý từng gốc cây, ngọn cỏ.

Có thể việc hạn chế ảnh hưởng của thế giới bên ngoài đã giúp Bhutan duy trì cuộc sống yên ả vốn có từ ngàn năm. Điều này khiến con người nơi đây vẫn giữ được những điều tốt đẹp nhất trong tâm hồn mình.

Một điều đặc biệt khiến tôi bất ngờ khi đến Bhutan là khả năng nói tiếng Anh của người dân rất tốt. Dù chính phủ đã chủ động hạn chế những tác động của thế giới bên ngoài vào đất nước mình, bạn hoàn toàn không có cảm giác của sự cô lập.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-6Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-7

Ở khách sạn, tôi có thể theo dõi được các kênh truyền hình phổ biết như CNN, BBC hay ngay cả HBO và FOX. Người dân và khách du lịch được thoải mái sử dụng Wi-Fi và mạng 3G.

Trong chuyến hành trình 15 tiếng trên xe bus đi từ Thimphu tới Bumthang, tôi vô cùng bất ngờ và thú vị với những bài nhạc tiếng Anh trên những bảng xếp hạng thế giới được anh tài xế mở cho nghe. Anh nghêu ngao hát theo lời bài hát làm tôi tưởng chừng như mình đang chạy xe trên những cánh rừng Âu - Mỹ nào đó.

Những chuyện người ta chưa kể về Bhutan

Một điều thú vị nữa khiến tôi không khỏi bất ngờ là thế giới về đêm ở Bhutan. Nếu như ban ngày, những người dân hiền hậu Bhutan khoác lên trên mình chiếc áo Gho (của đàn ông) và Kira (của phụ nữ), thì khi màn đêm buông xuống cũng là lúc họ thay những trang phục truyền thống bằng những trang phục hiện đại với thời trang không khác gì ở thế giới bên ngoài.

Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas hay The North Face, Columbia đều được sử dụng phổ biến vào… ban đêm.

Ở các thành phố hay thị trấn tại Bhutan cũng xuất hiện rất nhiều quán Karaoke, Bar hay cả những Club náo nhiệt. Tôi may mắn được một người bạn Bhutan mời đi trải nghiệm những nơi giải trí dành cho giới trẻ này vào đêm cuối cùng trước khi rời Bumthang.

Thước phim tuyệt đẹp về Bhutan qua ống kính của thầy giáo Việt-8

Cũng vẫn là những con người Bhutan hiện hậu, vẫn những khuôn mặt và nụ cười dễ mến nhưng Bhutan về đêm là một thế giới hoàn toàn khác. Họ hát cho nhau nghe, cùng nhau vui vẻ bên tiếng nhạc xập xình.

Dù cho bề ngoài có thay đổi, đâu đó vẫn mang một nét gì đó rất đặc trưng của con người nơi đây. Ánh mắt và nụ cười của họ dưới ánh đèn xanh đỏ vẫn toát lên sự chân chất, hồn nhiên của người dân Bhutan.

 


Theo Zing