Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, thông tin về một phụ nữ 23 tuổi ở Tiền Giang phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP HCM) do cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch chân trái, làm chân này sưng to, đau đớn, đe dọa ảnh hưởng những cơ quan khác… được chia sẻ và bình luận khá sôi nổi. Bởi lẽ, ca bệnh của chị này được cho là có liên quan đến loại thuốc tránh thai nội tiết (loại dùng hằng ngày) mà chị đã bắt đầu sử dụng cách đó vài tháng. Nhiều phụ nữ trên diễn đàn tỏ ra rất lo ngại vì bản thân họ cũng đã dùng thuốc ngừa thai trong nhiều tháng, nhiều năm; họ lại có tuổi đời lớn hơn bệnh nhân kia trong khi nguy cơ huyết khối tĩnh mạch thường tăng theo độ tuổi…

Không phải nguyên nhân gây bệnh

Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, khẳng định trong trường hợp vừa nêu, thuốc tránh thai không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nên những phụ nữ đang sử dụng biện pháp ngừa thai này không nên quá lo lắng.

Thuốc tránh thai: Chớ dùng tùy tiện! - 1
Trước khi sử dụng thuốc tránh thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thuốc tránh thai nội tiết loại dùng hằng ngày cũng có chỉ định và chống chỉ định với từng đối tượng. Chiếm đa số trên thị trường hiện nay là thuốc tránh thai có thành phần kết hợp giữa 2 hormone estrogen và progestin. Loại thuốc này, cũng như tất cả thuốc khác, đều có 2 mặt: tác dụng và tác dụng phụ. Loại thuốc này thường được khuyến cáo không nên dùng cho người mắc bệnh tim mạch, gan, có khối u vú, béo phì, hút thuốc lá nhiều (trên 15 điếu/ngày)… Phụ nữ trên 35 tuổi cũng có thể dùng nhưng phải theo dõi thường xuyên hơn và được khám kỹ trước khi sử dụng. Thuốc không gây bệnh nhưng nếu người dùng đang mang bệnh hoặc có tiềm ẩn bệnh, như bệnh huyết khối tĩnh mạch trong trường hợp trên thì thuốc sẽ làm tăng nguy cơ khởi phát hoặc bệnh tăng nặng. Còn những yếu tố khác như sử dụng rượu bia, thuốc lá… vốn cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nên người ta khuyên không uống là để tránh thuốc nội tiết này “cộng dồn” với các chất kích thích đó khiến nguy cơ bệnh tăng cao.

Phiền toái vì tác dụng phụ

Điều làm các BS lo ngại nhất hiện nay là nhiều người vẫn tự ý dùng thuốc tránh thai nội tiết mà chưa tham khảo ý kiến BS, nhất là dùng cho các mục đích không phải tránh thai như để điều chỉnh ngày kinh nguyệt, trị mụn trứng cá, chống nhờn cho da…

ThS-BS Nguyễn Trọng Hào, Phó Giám đốc BV Da liễu, cho biết ông vẫn thỉnh thoảng gặp trường hợp bệnh nhân tiết lộ đã dùng thuốc tránh thai nội tiết với mục đích… làm đẹp. “Điều này hoàn toàn không nên. Tuy thuốc tránh thai nội tiết được chỉ định sử dụng để điều trị một số trường hợp mụn trứng cá nặng có liên quan đến nội tiết nhưng có nhiều trường hợp mụn trứng cá lại không liên quan đến nội tiết nên có dùng thì cũng không có tác dụng, thậm chí còn gây hại nếu dùng tùy tiện. Tại BV, trước khi chỉ định cho bệnh nhân dùng loại thuốc này để điều trị mụn trứng cá, BS phải khám và làm xét nghiệm kỹ càng. Việc dùng thuốc như thế nào, liều lượng, thời gian sử dụng, cách theo dõi… đều được BS chỉ định” - BS Hào cảnh báo.

BS Hào cũng khuyến cáo rằng việc tự ý dùng thuốc ngừa thai với mục đích làm đẹp da, trị mụn… còn có thể gây ra những phiền toái bởi tác dụng phụ của thuốc vì khi không có mục đích ngừa thai, họ thường không chú ý dùng đúng liều, đúng cách nên tác dụng phụ càng dễ tăng nặng.

BS Thông lưu ý thêm các trường hợp dùng thuốc ngừa thai hằng ngày theo phác đồ khẩn cấp (4 viên hằng ngày thay cho 1 viên ngừa thai khẩn cấp loại vỉ 2 viên uống cách nhau 12 giờ). Nhiều người nghĩ rằng thuốc ngừa thai hằng ngày vốn được khuyến cáo có tỉ lệ thành công cao, an toàn và ít tác dụng phụ hơn thuốc khẩn cấp nên dùng theo cách này và nghĩ sẽ tốt hơn. Thực ra, nếu dùng theo nghĩa khẩn cấp thì thuốc cũng chỉ có tác dụng như thuốc khẩn cấp, tức khả năng ngừa thai thấp hơn, tác dụng phụ nhiều hơn và giảm tác dụng khi lạm dụng…

Theo Người lao động