Theo thông báo của Armasuisse, dù những ý tưởng đoạt giải sẽ không được triển khai ngay lập tức, nhưng chúng có thể làm cơ sở cho các nghiên cứu trong tương lai để giải quyết vấn đề đạn dược chìm dưới nước.
Đạn dược, một số trong đó là đạn thừa, bị lỗi hoặc hết hạn sử dụng, đã được thải bỏ trong một số hồ, bao gồm hồ Thun, hồ Brienz và hồ Lucerne, từ năm 1918 đến năm 1964.
Đạn dược hiện nằm cách mặt nước từ 150-220 mét, theo Armasuisse. “Với việc phát động cuộc thi ý tưởng, Armasuisse muốn ngày càng thu hút sự tham gia của giới học thuật và ngành công nghiệp trong việc xem xét cách thu hồi đạn dược dưới lòng hồ một cách an toàn và thân thiện với môi trường”, Armasuisse thông báo.
Việc trục vớt đạn dược trong hồ sâu đặt ra nhiều thách thức. Ảnh: VBS-DDPS.
Một đánh giá về các phương pháp thu hồi khả thi vào năm 2005 cho thấy “tất cả các giải pháp được đề xuất cho việc thu hồi đạn dược vào thời điểm đó sẽ dẫn đến sự xáo trộn lớn của bùn và rủi ro cao cho hệ sinh thái nhạy cảm của hồ”.
Các thách thức khác bao gồm tầm nhìn kém, nguy cơ nổ, độ sâu của nước, dòng chảy và tình trạng, kích thước và trọng lượng của đạn dược, với một số loại đạn dược nặng tới 50 kg.
Khách du lịch chụp ảnh tại hồ Brienz ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ. Ảnh: Getty Images.
Một yếu tố phức tạp khác là thực tế rằng một số thành phần đạn dược được làm từ đồng, đồng thau hoặc nhôm không có từ tính (nam châm không hút lên được), theo Armasuisse.
“Tất cả các yếu tố này chính là những thách thức lớn cho việc thu hồi đạn dược một cách thân thiện với môi trường”, Armasuisse thông báo.
Cuộc thi trục vớt đạn dược dưới hồ sâu kéo dài đến ngày 6/2/2025; tên những người đoạt giải sẽ được công bố vào tháng 4/2025.
Cảnh nhìn ra hồ Lucerne ở miền trung Thụy Sĩ. Ảnh: Getty Images.
Theo Tiền Phong