Thương Ngày Nắng Về đang đi trong những ngày "không nắng" với những bão giông cuộc đời xoay quanh nhân vật Vân Khánh cùng cuộc hôn nhân vụn vỡ.
Nếu ở phần 1, Thương Ngày Nắng Về như một cuộc "dạo chơi" chữa lành cảm xúc khán giả bằng những tình tiết nhẹ nhàng, thì đến phần 2 phim được nâng cấp "nặng đô" hơn với những drama căng thẳng.
Bất chấp những tranh cãi trái chiều quanh việc lạm dụng "drama" để câu kéo khán giả, sức hút của Thương Ngày Nắng Về vẫn ngày càng lớn. Vậy tại sao bộ phim này dù không phải là một tác phẩm hoàn hảo nhưng vẫn là một câu chuyện đáng xem?
Một bản remake sâu hơn bản gốc
Thương Ngày Nắng Về được remake từ bộ phim Mother Of Mine với rating khá ấn tượng 27,6% (theo số liệu của AGB Nielsen), chính vì thế việc "kể lại" một câu chuyện đã hay là thách thức lớn cho đội ngũ biên kịch Việt.
Mother Of Mine lựa chọn cách truyền tải nhẹ nhàng, đánh thẳng vào vấn đề, nhưng Thương Ngày Nắng Về lại hoàn toàn khác khi truyền tải thông điệp sâu sắc qua từng câu chuyện của nhân vật.
Từng thước phim Thương Ngày Nắng Về như được nhìn qua lăng kính của bà Nga - nhân vật trọng tâm của phim "tất bật" với những vấn đề của các con. NSUT Thanh Quý đã tạo ra những trường đoạn phim xuất sắc, điển hình là chi tiết bà Nhung đến nhìn nhận lại con, cảm xúc bà Nga vừa giận, vừa thương, vừa sợ hãi. Ngoài ra, cảnh phim này còn bùng nổ nhờ diễn xuất của NSND Minh Hoà, kẻ tung người hứng đã tạo nên sự thăng hoa về cảm xúc.
Không chọn cách kể đan xen, Thương Ngày Nắng Về tháo gỡ từng nút thắt hết Vân Trang, Vân Khánh rồi đến Vân Vân, và cứ luân phiên như thế.
Điển hình là những phân cảnh nặng ký của Vân Khánh (Lan Phương thủ vai) đã làm nổi bật lên hình ảnh của một người phụ nữ nhiều thiếu sót, nóng nảy, lắm lời nhưng rất yêu thương gia đình. Hay bé Sam, So - con của Đức và Khánh mang đến hình ảnh của những đứa bé ngoan ngoãn, tinh nghịch và khi sóng gió gia đình ập đến chúng cũng biết buồn, biết đau.
Phim sáng tạo thêm nhiều chi tiết mới, đặt thêm nhiều sức nặng cho nhân vật, đặc biệt ở diễn biến những tập gần đây là Khánh - Đức. Những tập đầu phát sóng, Hồng Đăng trong vai Đức mờ nhạt khiến khán giả cứ ngỡ rằng Hồng Đăng nằm ở tuyến nhân vật phụ. Nhưng khi đến lúc, sức nặng tâm lý của nhân vật Đức phát huy rất đúng thời điểm.
Và không thể không kể đến Huyền Lizzie với nhân vật Vân Trang - một kiểu phụ nữ thành công, đại diện cho quan điểm rạch ròi về nữ quyền nhưng ẩn chứa nhiều nỗi đau đớn trong quá khứ.
Chất Việt trong từng chi tiết
Thương Ngày Nắng Về thể hiện tốt những điểm đặc trưng của phim gia đình Việt với tình thân, tình làng nghĩa xóm và tình yêu. Phim mang đến chất Việt từ bát bún riêu thơm nồng, đậm vị Bắc đến phong cách ăn mặc, lối sống nội - ngoại, mối quan hệ xã hội mẹ chồng - nàng dâu, tình làng nghĩa xóm, tình đồng hương,…
Điển hình là nhân vật mẹ chồng Khánh do NSUT Lan Hương thủ vai khiến khán giả khiếp sợ hay cảm xúc hụt hẫng của bà Nga khi nghe tin người bạn đồng hương chẳng thể ra Hà Nội nữa.
Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy trong căn nhà của gia đình bà Nga có hai chiếc bàn: một là bàn ăn tròn, hai là bàn khách vuông. Có thể thấy những vấn đề ít xung đột được giải quyết trên bàn tròn. Theo quan niệm Châu Á, bàn tròn thể hiện cho sự gắn kết, không phân biệt cao thấp với các thành viên trong gia đình. Chính vì thế chiếc bàn ăn nhỏ là nơi tề tựu có con cháu gia đình bà Nga thể hiện cảm xúc vui vẻ, không khí ấm áp.
Bên cạnh đó, những vấn đề nặng nề mang tính nghiêm trọng thường được giải quyết tại bàn khách vuông. Khi đó câu chuyện của các thành viên được mổ xẻ, giải quyết thẳng thắn. Điển hình là phân cảnh Đức đến nhà bà Nga để xin lỗi Khánh khi đó cậu con rể đối diện với sự chất vấn của gia đình vợ.
Trang phục nhân vật được thể hiện ở mức khá tốt. Bên cạnh một Vân Trang cứng rắn, mạnh mẽ, quyết đoán là một Hoàng Duy (Đình Tú thủ vai) chấp nhận thay đổi phong cách để phù hợp với "chị boss". Từ khi bắt đầu vào mối quan hệ với Trang, Duy bắt đầu sử dụng thêm suit, vest, kết hợp cùng áo thun và sơ mi thanh lịch, chững chạc hơn.
Hay bà Nga đặc trưng với những bộ đồ bộ thoải mái, màu sắc trầm tính, bạc màu cùng chiếc túi đeo ngang hông, mang đến hình ảnh của những người bà, người mẹ truyền thống. Còn bà mẹ chồng Lan Hương như "tắc kè hoa" với đủ các loại quần áo màu sắc, khăn quấn đầu "tone sur tone".
Ngày càng drama, tình tiết vô lý nhưng vẫn đáng xem?
Mặc dù được đánh giá là một bộ phim chỉn chu nhưng Thương Ngày Nắng Về ngày càng drama quá mức. Một số bộ phim truyền hình trước đó từng bị chỉ trích nặng nề vì drama hoá khiến tình tiết lê thê, mệt mỏi như Cây Táo Nở Hoa hay Sống Chung Với Mẹ Chồng, chính vì thế khi bi kịch của Vân Khánh nổ ra, khán giả xôn xao về độ drama của Thương Ngày Nắng Về có đi theo vết xe đổ của những bộ phim trước đó.
Một khán giả bình luận: "Tại sao cứ phải để phụ nữ đau khổ rồi mới thấy ánh sáng?" - một câu hỏi lớn dành cho đội ngũ biên kịch phim. Bởi lẽ từng có những tác phẩm ít drama nhưng vẫn thắng như 11 Tháng 5 Ngày.
Chi tiết Khánh bị đưa vào khách sạn rồi dàn cảnh được cho là vô lý hết sức. Hoàn cảnh "tình ngay lý gian" đẩy Khánh thành kẻ có tội, mang tiếng đến tận suốt đời. Bên cạnh đó hình ảnh mẹ chồng - chị chồng được xây dựng quá "ô-dề" so với bản gốc gây ra phản ứng trái chiều. Ở Mother Of Mine, nhân vật mẹ chồng lành tính hơn, không có "quả tạ" bà cô chồng nên phim có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, dẫu đầy rẫy những drama căng não nhưng Thương Ngày Nắng Về vẫn là một tác phẩm thực sự đáng xem. Một bộ phim truyền hình Việt mang đến một dàn cast thực sự ấn tượng, đưa đến cho khán giả nhiều cảm xúc thăng hoa từ khả năng diễn xuất tuyệt vời.
Bên cạnh đó, Thương Ngày Nắng Về được đầu tư bài bản từ bối cảnh, nghiên cứu về phục trang, hậu kỳ chỉn chu. Nếu để so sánh phim truyền hình Việt với Hàn, Trung thì có vẻ hơi khập khiễng nhưng không thể phủ nhận ê-kíp Thương Ngày Nắng Về đã nỗ lực rất nhiều để mang đến những thước phim đẹp mắt, phù hợp với khán giả Việt hiện đại.
Thương Ngày Nắng Về là hành trình chờ đợi "ánh nắng" của gia đình bà Nga qua từng thước phim lấy đi nước mắt của khán giả. Dù vẫn còn những hạn chế nhưng Thương Ngày Nắng Về đang làm tốt trong việc truyền tải thông điệp về tình yêu gia đình, cuộc sống và bài học đắt giá về hôn nhân.
Chính vì thế, điều phim cần làm hiện tại là tiết chế bớt những chi tiết tiêu cực như hình ảnh mẹ chồng, chị chồng hay chi tiết ung thư của Đức để vừa có tính thu hút vừa có chất chữa lành.
Theo Trí Thức Trẻ