Ramen là món ăn rất phổ biến ở Nhật Bản, du khách có thể tìm thấy rất nhiều cửa tiệm bán ramen từ bình dân cho tới cao cấp. Thế nhưng, ngay ở Tokyo đắt đỏ, có một cửa hàng ramen nhỏ, giá không đắt đỏ và nằm trên một con đường nhỏ ở Toshima.
Mặc dù chỉ mới mở cửa được khoảng 3 năm nhưng nó đã đạt được 1 sao Michelin, chỉ có 9 chỗ ngồi và bán đúng 150 bát mỗi ngày. Do đó, để có thể ăn được món ramen có hương vị tuyệt vời này, thực khách buộc phải xếp hàng từ rất sớm.
Mỗi buổi sáng lúc 10:30, trước khi cánh cửa của cửa tiệm này mở ra, người ta đã thấy một hàng dài thực khách xếp hàng từ bên ngoài. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng thức dậy từ lúc 4, 5 giờ sáng để có cơ hội ăn được bát mì ramen đạt sao Michelin này.
Được biết, đây là tiệm ăn ramen đạt sao Michelin đầu tiên trên thế giới. Không giống như nhiều nhà hàng đạt sao Michelin đắt đó khác, cửa tiệm ramen này chỉ bán với giá 1.000 yên mỗi tô (khoảng 200.000 đồng).
Bởi vì giá thuê mặt bằng ở Tokyo rất đắt đỏ, do đó ông chủ cửa hàng và cũng là đầu bếp chính ở đây chỉ có thể thuê được một cửa tiệm nhỏ trong một khu phố ít người qua lại. Vì mặt bằng không thuận lợi đã khiến tình hình kinh doanh của cửa tiệm ế ẩm trong nhiều tháng đầu.
Trước những tình hình bất lợi này, Onishi - chủ cửa tiệm đã quyết định tự mình cắt giảm những chi phí không cần thiết và tự tay làm tất cả công đoạn như xử lý bột, nhào bột, nấu nước dùng... Đặc biệt, ông chú trọng đến hương vị làm điểm mạnh của ramen nên ra sức nghiên cứu ra những sợi mỳ đặc biệt.
Ông đã sử dụng 4 loại bột kiều mạch của Nhật, nước tinh khiết, muối của Pháp... và nhiều nguyên liệu khác. Quá trình pha chế thất bại không ít lần nhưng cuối cùng ông đã làm ra được một sợi mỳ có độ dai vừa phải, mỏng nhưng mềm dẻo, nhai cực kỳ ngon miệng.
Việc sản xuất sợi mỳ rườm rà và tốn thời gian nhưng mỳ làm theo cách này lại có mùi thơm dễ chịu, độ dai ngon tuyệt vời và vị nước dùng cũng đậm đà rất riêng.
Nước dùng cũng là thành phần chính quyết định hương vị toàn bộ món ramen. Bản chất của nước dùng là làm từ nước tương.
Onishi đã sử dụng đậu nành ở tỉnh Wakayama, được dựng trong các thùng gỗ làm từ cây tuyết tùng xưa. Sau đó, nước dùng được nấu rất cẩn thận, đôi khi một nồi nước dùng như vậy có thể được nấu trong suốt cả buổi chiều.
Một số thành phần khác như thịt gà, chân giò, tảo bẹ được nhập từ Hokkaido, rong biển, nghêu, nấm hương... cũng được chọn lựa kỹ càng. Trong quá trình nấu nhiệt độ luôn được kiểm soát kỹ, do đó súp có vị rõ ràng, không có váng mỡ, màu sắc bắt mắt và có vị ngọt rất tự nhiên.
Onishi không muốn làm ra một món ăn đơn thuần chỉ làm thực khách no bụng rồi đi, ông muốn rằng món mỳ ramen của mình phải khiến cho thực khác không thể nào quên được hương vị của nó. Mặc dù món mỳ ramen của cửa tiệm này nhìn bên ngoài không có gì đặc biệt, nhưng một khi thực khách nếm thử sẽ phải thốt lên kinh ngạc.
Nhiều thực khách nói rằng sau khi ăn có cảm giác lan tỏa hạnh phúc từ vị giác đến toàn bộ cơ thể. Mọi người đến ăn tại cửa tiệm này luôn có một cảm giác hạnh phúc khi ăn mỳ. Đó là điều mà Onishi cảm thấy mình đã thành công.
Mọi người đến ăn tại cửa tiệm này luôn có một cảm giác hạnh phúc khi ăn mỳ.
Chính nhờ vào quá trình chuẩn bị công phu và nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu cho đến công đoạn nấu, hương vị ramen của cửa tiệm này đã vinh dự đạt được sao Michelin. Thế nhưng, điều mà Onishi quan tâm nhất là cảm nhận của thực khách sau khi ăn xong. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của thực khách, ông cảm thấy những cố gắng của mình trong những năm qua là không vô ích.
Dần dần cửa tiệm này được nhiều người truyền tai nhau, dù bất kể trời nắng hay mưa cũng không ảnh hưởng tới quyết tâm của thực khách muốn được ăn một tô mỳ ramen hạnh phúc.
Người ta gọi đây là món ramen của hạnh phúc.
Danh tiếng của cửa hàng không chỉ giới hạn ở Tokyo mà "càn quét" khắp Nhật Bản. Nhiều kênh truyền hình đã tới đưa tin về cửa tiệm ramen này.
Do đó, mỗi khi có dịp đến Tokyo, nhiều người chấp nhận xếp hàng rất lâu để được thưởng thức bát mỳ ramen ở đây.
Theo Báo Giao thông