Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền thấy người dân mang quá nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm gửi vào tiếp tế cho người thân của mình ở các khu cách ly tập trung.
Tất cả đang gồng mình phục vụ cho người dân
Những ngày qua, khi người Việt Nam ở nước ngoài ồ ạt về nước tránh dịch, các đơn vị chức năng từ y tế, hải quan, quân đội… dường như làm việc quá tải. Họ phải chạy đua với thời gian, chịu nhiều áp lực từ công việc, từ thu xếp chuyện gia đình, con cái, thậm chí chịu cả áp lực của một số người không hợp tác trong chờ đợi nhập cảnh, khai báo y tế, cách ly hay khám chữa bệnh.
Nhiều đơn vị, cá nhân sẵn sàng hy sinh địa điểm, chỗ ở của mình để làm nơi cách ly cho các du học sinh, kiều bào trở về. Những chiến sĩ chống dịch ở đầu tuyến chỉ kịp chợp mắt bên manh chiếu ngoài hành lang hay cầu thang tạm bợ. Có người ăn vội miếng cơm ở góc khu nhà để có sức phục vụ đồng bào. Tất cả chỉ vì mục đích chung của toàn dân tộc: "Không một ai bị bỏ lại phía sau".
Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh, Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn dịch Covid-19.
Ti vi, tủ lạnh, chăn, đệm, hàng hóa được tập kết la liệt để gửi vào cho con em ở trong khu cách ly tại KTX Đại học Quốc gia TP.HCM
"Đi cách ly 14 ngày hay đi tị nạn cả năm mà phải tiếp tế lắm đồ đến thế?"
Với những người cách ly tập trung, hiện tại đang được Nhà nước miễn phí hoàn toàn từ đưa đón, chỗ ăn ở đến chi phí theo dõi sức khỏe. Điều đó cũng được chính những người trong các khu cách ly, người Việt có, người nước ngoài có, khẳng định họ được chăm sóc chu đáo.
Tại các khu cách ly, ai cũng cảm động trước sự tận tâm của những người phục vụ nơi đây, đều có chung cảm nhận đội ngũ y, bác sỹ, quân nhân, người phục vụ đã làm việc hơn 100% sức lực. Nhưng tuyệt nhiên họ không một lời kêu ca phàn nàn.
Tuy nhiên nhiều ngày gần đây, loạt hình ảnh phụ huynh mang cơ man là đồ đạc, hàng hóa, nhu yếu phẩm, thậm chí cả tủ lạnh vào tiếp tế cho con em mình ở các khu cách ly đã gây ra tình trạng quá tải, hỗn loạn. Điển hình nhất chính là khu cách ly tập trung ở ở Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP.HCM. Chỉ trong vòng 1 buổi sáng, đã có hàng trăm người dân mang hàng hóa đến đây gửi cho con em mình.
Nhìn cảnh người dân xếp hàng dài cùng vô vàn thứ đồ lỉnh kỉnh nối tiếp nhau chờ đến lượt gửi, nhiều người không khỏi phát hoảng. Cảnh tượng này kéo dài từ 8h - 10h sáng và từ 14h - 16h chiều. Có dân mạng còn đặt câu hỏi: "Đi cách ly 14 ngày hay đi tị nạn cả năm mà phải tiếp tế lắm đồ đến thế?".
Cảnh tượng hỗn loạn, gây thêm áp lực cho cơ quan chức năng
Đừng gây thêm áp lực, mệt mỏi cho những người đã phải làm việc hơn 100% sức lực
Theo Bộ Tư lệnh TP.HCM, ngoài các cán bộ túc trực phục vụ bên trong khu cách ly, đơn vị còn phải cử thêm 100 dân quân tự vệ hàng ngày trực ở cổng ký túc xá để hỗ trợ người dân gửi đồ tiếp tế.
Dưới cái nắng gay gắt, nhiều cán bộ phải gồng mình, mồ hôi nhễ nhại khuân vác lương thực, thực phẩm, nhiều gia đình còn mang cả tivi, tủ lạnh, chăn đệm… vào cho "các cậu ấm, cô chiêu" đang nằm cách ly trong phòng.
Dù nhà nước đã lo đồ ăn, chỗ ở đầy đủ, nhưng các bậc phụ huynh vẫn cố tình gửi thêm nhiều hàng hóa đồ dùng, gây thêm áp lực cho các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch, trong khi còn nhiều việc khác cần phải giải quyết hơn.
Chính đám đông này đã gây thêm sự vất vả, mệt nhọc lên đội ngũ hỗ trợ đang ngày đêm cố gắng chăm lo một cách tốt nhất cho những người đang được cách ly.
Lực lượng chức năng phải căng mình phục vụ thêm việc tiếp tế của người dân
Họ thực sự vất vả, đổ mồ hô nhễ nhại giữa trời nắng gắt... chỉ vì việc không cần thiết
Hãy ngừng thương con một cách thái quá
Ai cũng biết thương con, chăm lo cho con là việc nên làm của các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng thương con mình thì cũng nên nghĩ cho những người đang phải phục vụ. Những bậc cha mẹ ấy có cảm thấy áy náy không khi mới ngày hôm qua, hàng trăm sinh viên phải thu dọn đồ đạc hòm xiểng lỉnh kỉnh, nhường lại ký túc xá làm khu cách ly cho người ở xa về.
Những “cậu ấm, cô chiêu” kia du học về, đang được phục vụ trong khu cách ly, có cơ hội tiếp cận với nền văn minh thế giới... có mảy may day dứt khi những người bạn đang yên ấm bỗng nhiên phải nhường chỗ trú chân cho mình?
Với những du học sinh có thể coi là những người trưởng thành này, ít nhất phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Vậy mà nhiều bố mẹ chưa cho con thoát khỏi vòng tay bao bọc, ôm ấp... cứ thế mãi thì đến bao giờ con mới được cơ hội lớn hơn?
Đó là còn chưa kể đám đông tụ tập, tiếp tế đồ đạc, hàng hóa gây ra cảnh hỗn loạn ở khu cách ly gây thêm khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Trong khi đó, Chính phủ khẳng định con cái, người thân của họ luôn được phục vụ, chăm sóc chu đáo và không thiếu thứ gì trong các khu cách ly.
Một nguy cơ nữa, tình trạng tập trung đông người cũng có thể khiến việc lây nhiễm chéo trong cộng đồng khó kiểm soát.
Nhiều người quá mệt mỏi, ngồi gục ngay giữa đường để nghỉ ngơi lấy sức vận chuyển tiếp
Chủ tịch Hà Nội: Khu cách ly không nhận đồ ăn, đồ dùng người nhà gửi "Các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung thì yên tâm vì đang được phục vụ rất tốt. Không cần phải gửi đồ đạc, đồ ăn. Không nên quá lo lắng, nếu mua đồ ăn mà không được khử khuẩn, được đưa vào khu cách ly tập trung thì rất nguy hiểm. Các đơn vị quản lý không tiếp nhận gửi quà", Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói. Từ 24/3, không tiếp tế đồ ở khu vực cách ly tại TP.HCM Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu đơn vị chức năng thành phố phải rà soát và chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn trong việc tiếp tế đồ cho người đang cách ly. Yêu cầu được đưa ra trước tình trạng thân nhân người đang cách ly tụ tập ngày càng đông để tiếp tế đồ tại khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý, quận Thủ Đức cần siết chặt quản lý địa bàn, không để tái diễn tình trạng tụ tập đông người ở khu vực này để tránh việc lây nhiễm bệnh dịch, đồng thời các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Trước đó, trong buổi họp giao ban phòng chống COVID-19 Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Đơn, Trưởng Ban chỉ đạo, nhấn mạnh, đơn vị cách ly cần đưa ra quy định cụ thể, bắt buộc tại khu cách ly, không để người thân đến thăm nom, hướng dẫn, động viên nhân dân không cần tiếp tế lương thực. |
MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet