Gây sốc bằng mọi cách

Ông N. V. T là chủ một quán ăn ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Quán của ông T. đang kinh doanh yên ổn thì bỗng một ngày "nổi tiếng" trên mạng vì xuất hiện trong đoạn video trên TikTok của một thanh niên được mệnh danh là "chiến thần review" (đánh giá trải nghiệm) ở Cần Thơ.

Các video bình luận, phê phán rằng quán của ông T. bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng, sử dụng hàng đông lạnh...

Những thông tin "chiến thần review" này đánh giá về quán đều là thông tin chưa chính xác khiến chủ nhà hàng vô cùng bức xúc. Sự việc sau đó đã được cơ quan chức năng địa phương vào cuộc.

TikToker này đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" trên không gian mạng.

Khi giải trình về các video trải nghiệm của mình, TikToker thừa nhận bản thân đã cố tình tạo ra những thông tin gây sốc, không có thực để nhiều người biết đến "dịch vụ review" của mình từ đó thu hút nhiều quảng cáo hơn.

Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến với nhiều người dùng và dần hình thành nên một nghề là "sáng tạo nội dung".

Thu nhập của những người sáng tạo nội dung dường như tỷ lệ thuận với lượng người theo dõi bởi từ đó họ có cơ hội bán hàng online hay quảng cáo cho các nhãn hàng…

Vì vậy, có không ít người đã tìm mọi cách tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, thậm chí là lệch lạc, sai sự thực, miễn sao có thể thu hút được người xem.

Cách đây ít lâu, dư luận xôn xao bàn luận về câu chuyện của nữ Tiktoker Đ.N (ở TPHCM). Người phụ nữ này được nhiều người biết đến từ những video chia sẻ công thức nấu ăn, cuộc sống cùng người chồng Nhật Bản.

Kênh Youtube của cô sở hữu gần 1 triệu lượt đăng ký và hơn 5 triệu lượt theo dõi trên Tiktok. Nhiều video thu về hàng triệu lượt xem.

Người phụ nữ này gây tranh cãi khi lên mạng "bóc phốt" một bác sĩ làm việc không có tâm, không nhất quán trong việc thông báo thời gian điều trị hiếm muộn.

Cô cho rằng, việc làm này ảnh hưởng đến khả năng có con của vợ chồng cô. Tuy nhiên phía vị bác sĩ lại khẳng định bệnh nhân cố diễn, cố tình "tạo phốt" để thu hút sự chú ý. Trong quá trình điều trị, Đ. N không làm đúng theo liệu trình, thời gian, bỏ bê để đi quay video, tiệc tùng.

Nhiều nhà sáng tạo nội dung thì chọn cách đánh giá quán ăn để nổi tiếng. TikToker Nờ Ô Nô từng là "cơn ác mộng" cho các hàng quán cho đến người xem trước khi bị khóa kênh do miệt thị người nghèo.

TikToker ngáo quyền lực và những chiêu trò nổi tiếng bất chấp-1
Nhiều TikToker hưởng lợi từ việc đánh giá các quán ăn (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Một cô gái được mệnh danh là "chiến thần" review (đánh giá trải nghiệm) quán ăn cũng nhiều lần gây bức xúc khi đăng tải những chia sẻ, cảm nghĩ cá nhân về các món ăn, hàng quán mà mình đến thưởng thức với những lời lẽ chê bai hay hành động bịt mũi, nhăn mặt…

Việc ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền song nhiều TikToker tự cho mình là "chuyên gia ẩm thực" sẵn sàng tỏ thái độ hạch sách đối với các nhà hàng, đòi ăn uống miễn phí.

Việc review quán ăn của nhiều TikToker ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các hàng quán bởi cộng đồng mạng đa phần chỉ được nghe thông tin một chiều từ phía người trải nghiệm.

Lo ngại về một lớp trẻ "nghĩ ngắn"

Chị Vũ Thu Thủy (32 tuổi) một tín đồ ẩm thực cho hay, thời gian đầu, nhiều TikToker chọn review các quán ngon, có tiếng để lấy niềm tin sau đó thường nhận quảng cáo trá hình cho những quán không ngon, chia sẻ những thông tin không đúng sự thực. 

C. B - một cư dân mạng - chia sẻ trong hội nhóm "đánh giá ẩm thực có tâm" về trải nghiệm không mấy dễ chịu khi đi mua 1 cốc trà cóc muối ớt lốc xoáy giá tới 70.000 đồng sau khi xem video của TikToker có biệt danh H.H.V.H.

"Cứ tưởng uống ngon mà dở tệ, quán phục vụ cũng rất chán chứ không tuyệt vời như chia sẻ của TikToker", C. B viết.

TikToker ngáo quyền lực và những chiêu trò nổi tiếng bất chấp-2
Nhiều người đi ăn uống theo các TikToker và có trải nghiệm không mấy dễ chịu (Ảnh: MXH).

Ngoài những TikToker chuyên review quán ăn, nhà hàng, mỹ phẩm... thời gian qua, cộng đồng mạng được phen xôn xao khi xuất hiện nhiều "thánh chửi". Nhiều người tự xưng là chuyên gia tâm lý, bác sĩ… lên mạng phán xét, dạy đời. Không ít TikToker tìm cách bóc phốt, dìm hàng, hạ bệ người khác nhằm đổi lấy sự nổi tiếng của mình.

Các chuyên gia truyền thông, nhà tâm lý giáo dục cũng từng lên tiếng bình luận về thực trạng "ngáo quyền lực" của nhiều TikToker khi chia sẻ với phóng viên Dân trí.

PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân.

Vì những nguồn lợi từ nghề sáng tạo nội dung trên mạng, ngày càng có nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc để thu hút được người xem.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận xét, một số người dùng mạng xã hội có lượng theo dõi lớn đang có sự nhầm lẫn cho rằng mình là KOL (người có chuyên môn có sức ảnh hưởng).

Những người này bỏ qua việc tìm hiểu kiến thức, sẵn sàng đánh giá dựa trên cảm xúc cá nhân. Họ thường làm mọi chuyện câu kéo để đổi lấy những thứ về bề nổi chứ không đi sâu trau dồi chuyên môn.

Không chỉ bỏ qua tài năng, họ còn không chú ý hoàn thiện về đạo đức, tính cách con người. Nhiều người tự cho mình là "mẹ thiên hạ" đòi hỏi sự ưu tiên, các đặc quyền đặc lợi, không để ý đến hoàn cảnh của mình.

Nhiều trường hợp dù "ngáo" quyền lực nhưng lại được ủng hộ nên càng nghĩ mình đang làm đúng, đang phát ngôn đúng.

Theo chuyên gia này, hiện tượng "ngáo" quyền lực trên mạng ảo dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm với xã hội.

Đối với các TikToker, họ có thể vi phạm pháp luật nếu cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cửa hàng, doanh nghiệp…

Những TikToker thường có lượng theo dõi lớn từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu người. Những hành động, việc làm của họ có thể khiến nhiều người, đặc biệt là những người trẻ suy nghĩ lệch lạc.  

"Điều tôi lo ngại nhất là hiện tượng này sẽ tạo ra một lớp trẻ 'nghĩ ngắn', cho rằng việc câu view bất chấp sẽ giúp có nhiều người hâm mộ, có nhiều tiền mà chẳng cần học hành, phát triển bản thân", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

Theo Dân Trí